Khi vợ nâng khăn sửa... ví cho chồng

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
09/12/2017 21:02 GMT+7

Dân gian vẫn cho rằng, vợ là người “nâng khăn sửa túi” cho chồng. Câu đó giờ nghe cổ hủ và phong kiến thế nào ấy.

Nhưng xét về một góc độ nào đó thì không sai, ví như góc độ chăm sóc cho chồng chẳng hạn. Thế nên, dân gian cũng có câu “Con chăm cha không bằng bà chăm ông” là thế.
Câu “Nâng khăn sửa... ví” là tôi nghe từ giáo sư P.
Cô mất lúc thầy 55 tuổi, nhưng mãi đến 65 tuổi, giáo sư mới lấy vợ. Cũng do bạn bè và học trò tác động quá đi. Ai cũng khuyên thầy lấy vợ để có người “nâng khăn sửa túi”, ý nói là bầu bạn, chăm sóc thầy khi về già.
Thầy nghe. Vợ sau vốn là nghiên cứu sinh do thầy hướng dẫn, rất ngưỡng mộ thầy về học thức. Lúc về với thầy, cô 40 tuổi nhưng lấy chồng lần đầu.

tin liên quan

Hãy tiếp tục đọc sách đi con!
Cuộc đời của mỗi con người, có lẽ, hầu hết cũng chỉ phấn đấu vì con. Từ khi sinh ra cho đến cả khi về già, cha mẹ nào cũng dõi theo mỗi bước trưởng thành của con cái.
Bẵng đi vài năm, khi sinh viên về dự thành lập trường thì thầy cũng đã ngoài 70. Thấy thầy sức khỏe không tốt, thần sắc kém vui nên học trò mới hỏi, thầy kiệm lời nhưng cuối cùng cũng phải nói ra điều làm thầy buồn lòng nhất là cô luôn lục ví của thầy. Có đồng nào dạy thêm hoặc học trò biếu, cô lấy bằng sạch.
Có hôm đi ăn sáng, móc ví không thấy đồng nào, thầy thấy tổn thương ghê gớm.
Từ chuyện của thầy mới thấy, hóa ra, câu chuyện về cái ví phức tạp vô cùng.
Học trò thầy, tiến sĩ Hòa cho rằng, chuyện chị ấy lục ví chồng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Theo chị, cái gì cũng đều là của chung vợ chồng, không cần giấu giếm.
Anh Thắng, lúc đó là Giám đốc của một sở, thì không đồng tình.
Anh bảo, cái ví là “một khoảng trời riêng tư”, của chồng, vì thế phải tôn trọng sự riêng tư đó. Lục ví chồng chứng tỏ là vợ không tin tưởng chồng. Cái ví cũng như một ngôi nhà có thể không khóa cửa nhưng muốn vào đều phải gọi hỏi, xin phép. Không hỏi mà tự động vào thì không khác gì kẻ trộm.
Câu chuyện cứ thế mở rộng phạm vi, cứ như phát triển luận án thạc sĩ thành tiến sĩ vậy.
Anh Chung kể, ở cơ quan anh có anh chuyên bị vợ “sửa ví”. Anh làm báo nên buổi sáng hay cà phê cà pháo để hóng tin tức, chiều chiều đôi khi cũng bù khú với bạn bè, thế mà nhiều lúc chia tiền, mở ví thì chẳng còn một đồng. Nhiều lần thế quê quá, đi họp hành ở đâu có phong bì, anh bớt lại chút cho vào đế giày. Thế mà vợ cũng biết, lột sạch. Hành động của vợ lấy tiền, anh gọi là “chôm”. Nghe đắng cả lòng!
Chị Hòa nghe kể thì ngạc nhiên hỏi lại, vậy chứ các ông có nghĩa vụ tài chính thế nào với gia đình? Ai cũng bảo là lương bổng nộp hết, chỉ đôi khi có thu nhập thêm thì bớt lại chút vậy thôi. Chị Hòa lắc đầu, nếu đúng thế thì mấy bà vợ “sửa ví” đều có vấn đề.

tin liên quan

Lấy người mình yêu hay người yêu mình?
Đọc sách cũng nhiều, xem phim cũng nhiều, nghe người ta nói cũng nhiều, phải sống đến ngần này tuổi, đã có thể nói là thời gian quan sát và chiêm nghiệm cuộc đời không ngắn nhưng đôi khi, bản thân tôi cũng khó có câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi: Lấy người mình yêu hay lấy người yêu mình?
Chị nói, chị xem ví của chồng là nhiều lúc cứ sợ chồng không có tiền, đi đâu “đạp phải bánh đa” người ta không có tiền mà đền. Chị còn kể nhiều chuyện thú vị, ví dụ, thời trẻ, thỉnh thoảng chị muốn tặng chồng món quà nào đó, chị viết vào một mảnh giấy, bảo anh đi theo sơ đồ này, đến vị trí đó trong nhà sẽ có một bất ngờ, rồi bỏ vào ví. Chồng chị thú vị lắm. Giờ lớn tuổi rồi nhưng mỗi lần anh đi công tác, chị cũng viết vài dòng dặn dò, ví dụ như anh phải uống thuốc giờ này, mấy viên, loại nào… rồi bỏ vào ví. Ai cũng công nhận cách chị Hòa làm rất hay, lãng mạn vô cùng!
Mọi người bảo chị Hòa sống bằng... thơ nên mới được như thế (luận án tiến sĩ của chị là gì đó, đại để về thi pháp) chứ người khác e khó.
Anh Chung kể nhiều chuyện cười ra nước mắt. Anh làm báo nên có mấy đồng nghiệp cũng vui quá trớn. Có hôm, lúc anh đưa ví ra chia tiền, họ giả vờ xem ví rồi lén nhét vào cái bao cao su. Vợ anh giặt quần áo thấy ví dày mới mở ra. Hỡi ôi! Chiến tranh lạnh kéo dài đến mấy tháng.
Anh Du thì kể một câu chuyện khác của anh. Có lần lớp phổ thông của anh chuẩn bị họp lớp, mọi người góp lại đâu như 15 triệu đồng, anh để vào ví.
Hôm sau cả lớp vui vẻ, đến lúc thanh toán tiền thì cái ví vẫn còn một phong bì dày, nhưng trong đó là bức “tâm thư” của vợ viết trên tờ lịch. Nhưng chắc giận quá (hay có ý gì khác không hiểu) nên xé cả xấp lịch gấp bỏ vào luôn. Anh bảo lúc đó thật muốn phát điên!
Nói chung, cái ví nho nhỏ thế mà rắc rối vô cùng!
Tôi là sinh viên hậu bối, ngồi hóng rồi cũng “máy miệng”, hỏi chị Hòa: “Nếu, giả sử thôi, chồng chị lục túi xách hay ví chị thì chị nghĩ sao? Chị nói cho công bằng đi!”.
Chị Hòa bảo: “Chồng chị không bao giờ... đàn bà thế”. Tôi mới nói: “Chị thấy chưa? Chị là phụ nữ nhưng hành động lục ví người khác chị cũng cho là... đàn bà. Vấn đề ở đây là... đàn bà đó chị”.
Chị Hòa ớ ra giây lát, đoạn nói:
“Là chị thuận mồm thế thôi, đàn bà, đàn ông gì cũng có người này người khác. Nói chung, đã là vợ chồng thì không nên giấu nhau gì cả. Thế mới bền!”.
Tôi nghĩ, được như chị Hòa thì quá là tuyệt vời, nhưng nói chung, đã là vợ chồng thì nên hiểu tính của nhau. Nếu chồng muốn có “một khoảng trời riêng” như anh Thắng nói thì cũng nên tôn trọng chồng.
Anh Du còn cụ thể hơn, cho rằng có hai thứ vợ nên coi là “của riêng” của chồng và ngược lại, đó là ví ( túi xách) và điện thoại. Vợ chồng nên có một chút “riêng tư” chứ phô hết cả ra cũng không còn hấp dẫn. Trong trường hợp bất ngờ phát hiện ra điều gì đó khác thường thì nên nói với nhau cho tường tận.
Cũng theo anh Du, nếu đã nghi ngờ thì những cái thẻ ATM trong ví sẽ làm cho người vợ nghi ngờ hơn cả. Các bà sẽ vô cùng muốn biết trong cái thẻ đó có bao nhiêu nhưng khó có thể biết được nếu anh chồng không nói. Nghi kỵ làm cho con người luôn ở trong tình trạng thấp thỏm, lăn tăn... Những cái nhỏ sẽ tích thành cái lớn, như quả bóng bơm hơi căng, sẽ nổ.
Tỉ phú Mỹ Donald J. Trump viết trong quyển Nghĩ lớn để thành công đại ý rằng, không có gì kinh khủng hơn cuộc chiến tranh liên quan đến tiền bạc giữa một người đàn ông và một người đàn bà đã từng yêu nhau say đắm.
Cái ví, coi thế mà tế nhị vô cùng!

tin liên quan

Con sẽ không bao giờ sai khi làm đúng!
Những dòng này ba viết cho con. Ba không hiểu vì sao có những người, trên trang cá nhân, luôn có những suy nghĩ tiêu cực. Họ luôn luôn nhìn thế giới bằng một con mắt hoài nghi. Đối với họ, cái gì cũng xấu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.