Khó tin cảnh gần trăm bệnh nhân ung thư chờ xạ trị lúc nửa đêm ở Hà Nội

08/01/2018 14:02 GMT+7

Đồng hồ báo 12 giờ đêm, anh Lương Xuân Sơn (Thanh Hoá) mắc ung thư hạ họng vẫn ngồi im lìm chờ đến lượt mình trong hành lang Khu xạ trị kỹ thuật cao, bệnh viện K3 (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).

Ông Sơn cho biết, ông phải thực hiện xạ trị mỗi ngày một lần vào buổi sáng hoặc buổi tối. Những hôm xạ trị buổi tối, các bác sĩ hẹn ông vào lúc 22 giờ nhưng chuyện ông xạ trị xong rồi rời khỏi đây vào 1, 2 giờ sáng là bình thường.
Việc chờ đợi nhiều giờ tại đây đã diễn ra thời gian dài nhưng vẫn chưa có cách khắc phục.
Theo quan sát của phóng viên, lúc 12 giờ đêm vẫn có khoảng 70 bệnh nhân và người nhà chờ đến lượt xạ trị ở hành lang. Mỗi khi tiếng cửa phòng mở ra, mọi ánh mắt lại đổ dồn vào đó vì họ biết lượt mình đến gần hơn một chút.
Những câu chuyện của người thức hầu như chỉ về căn bệnh mà họ hoặc người nhà đang mang, khó khăn vất vả khi bỏ công bỏ việc ở nhà để cùng nhau lên Hà Nội chữa trị. "Tôi ở Quảng Bình, theo chồng lên đây chữa bệnh, thuê trọ 2 tháng rưỡi rồi nhưng vẫn chưa biết ngày về", một người nhà bệnh nhân kể.
Cảnh chờ hàng chục bệnh nhân đợi mòn mỏi đến lượt mình để vào xạ trị ban đêm
Cánh cửa phòng xạ trị là nơi tập trung mọi ánh nhìn của bệnh nhân.
Bệnh nhân và người nhà mang cả chiếu đến để thay phiên nhau tranh thủ chợp mắt.
Bệnh nhân ngủ dưới gầm bàn tiếp tân của bệnh viện để chờ xạ trị.
Bên ngoài khu xạ trị, vợ chồng anh Lương Văn Bính (Hải Phòng) và anh Trần Văn Binh (Nam Định) cũng chịu chung cảnh chờ đợi.
Theo anh Binh và anh Bính, các anh nhận được giấy hẹn 22 giờ đến đây nhưng có hôm, 3 giờ sáng các anh mới bước ra khỏi khu xạ trị để về nghỉ ngơi mặc dù việc xạ trị chỉ diễn ra khoảng 15 phút.
Tuy vậy, các bệnh nhân khi được hỏi đa phần đều không đổ lỗi, oán trách các bác sĩ cho việc chờ đợi này bởi họ biết số bệnh nhân quá đông so với số lượng y bác sĩ và kỹ thuật viên, máy móc hạn chế tại đây.
Bảng phân kíp trực máy được dán ngoài Phòng kỹ thuật, Khu Xạ trị kỹ thuật cao, bệnh viện K3.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại bệnh viện này trước năm 2017 có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị có chức năng xạ phẫu của hãng Elekta với bộ chuẩn trực 160 lá - là hệ thống xạ trị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Với hệ thống gia tốc xạ phẫu mới trang bị, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật xạ trị mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang áp dụng như: xạ trị hướng dẫn hình ảnh, xạ trị điều biến thể tích, xạ phẫu khối u não, xạ trị cố định toàn thân khối u di động như phổi, tiền liệt tuyến nhờ kết hợp với kỹ thuật đồng bộ nhịp thở chủ động.
Tuy nhiên, với số lượng người bệnh ngày càng lớn, nhu cầu điều trị của người bệnh ngày càng cao, cụ thể năm 2015 là 11.799 người bệnh, năm 2016 là 12.081 người bệnh, năm 2017 (tính đến 30.11.2017): hơn 15.000 người bệnh. Các máy xạ trị của bệnh viện luôn phải hoạt động quá công suất, thường xuyên vận hành khoảng 22/24 giờ mỗi ngày (từ 5 giờ sáng hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau với khoảng 150 - 200 bệnh nhân/máy; 3 kíp bác sĩ, kỹ thuật viên thay ca), số bệnh nhân xạ trị thực tế cao gấp khoảng 4 lần so với khuyến cáo với thực tế 40 bệnh nhân/máy/ngày. Do quá tải, bệnh viện phải sắp xếp nhân viên y tế và bản thân người bệnh phải điều trị theo lịch ở tất cả các giờ trong ngày, cả ban đêm và sáng sớm.
Theo tiến sĩ Trần Văn Thuấn, mỗi năm VN ước có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong do ung thư. (Liên Châu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.