Ai ở bên bạn lúc nguy nan nhất? - Kỳ 1: Mẹ cha ngược xuôi chỉ mong con sống

13/12/2017 09:40 GMT+7

Đó là câu chuyện về người cha tất tả chạy ngược xuôi làm lơ xe, người mẹ sớm hôm tăng ca kiếm tiền, chỉ với mục đích kéo dài sự sống cho đứa con gái đang mắc bệnh 'Bướu nguyên bào thần kinh' của mình.

Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau chứng kiến người thân trong gia đình của mình từng ngày đấu tranh với bệnh tật để giành giật sự sống. Cụ thể, trong bài viết tôi muốn nhắc tới là một người cha, người mẹ, đang ngày ngày tìm đủ mọi cách kéo dài sự sống cho đứa con gái bé bỏng của mình.
Nhà mình “gần” bệnh viện mà con
Câu nói khiến bất cứ ai vô tình nghe được cũng phải đặt câu hỏi: “Nhà ở đâu mà gần, nhà gần thì về nhà cho khỏe nằm ở bệnh viện làm gì?”. Đó cũng là những thắc mắc của tôi khi vừa vô tình nghe được từ một người đàn ông đang nói chuyện với một bé gái ngay tại hành lang bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.
Anh Nguyễn Văn Đan (quê tại Tiền Giang) là cha của bé Nguyễn Thị Tường Vy (4 tuổi). Cả hai cha con đã đi đi, về về bệnh viện này hơn 1 năm nay. “Một tháng tôi phải đưa con gái lên bệnh viện vô hóa chất ít nhất 3 lần. Vì điều kiện gia đình nên cả 2 vợ chồng phải chia nhau ra làm. Nếu tôi ở đây thì vợ làm và ngược lại, thì mới đủ tiền trang trải thuốc men cho con”, anh Đan tâm sự.
Vợ chồng anh Đan rất vui mừng khi Vy ra đời và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Hằng ngày, Vy ở nhà với bà nội, trong khi vợ chồng anh đi làm. Nhưng ít lâu sau, trong một cơn đau dữ dội kéo dài, Vy được đưa đến bệnh viện huyện, được chẩn đoán là bị đau khớp, nên vợ chồng anh Đan mới đưa Vy về nhà để chăm sóc.
Nhưng cơn đau đó lại tiếp tục hoành hành và ngày càng nghiêm trọng. Không thể ngồi yên khi con gái mình bị cơn đau hành hạ, vợ chồng anh tức tốc đưa con đi bệnh viện Nhi Đồng. Bấy giờ, vợ chồng anh tá hỏa khi được bác sĩ thông báo bé Vy bị “bướu nguyên bào thần kinh” giai đoạn 3.
Mấy ai hiểu hết được tấm lòng cha mẹ1
Bé Nguyễn Thị Tường Vy mắc bệnh “Bướu nguyên bào thần kinh” khi vừa mới lên 3
Căn bệnh quái ác khiến cho đôi chân của Vy đau nhức, không thể đi lại được. “Nằm được vài ngày thì bé được chuyển qua bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, để vô đợt hóa chất đầu tiên. Mỗi lần vào hóa chất bé Vy mệt mỏi không ăn uống gì được, tôi xót lắm”.
Một tháng, hai cha con anh Đan ở lại bệnh viện chắc phải hết 3 tuần, hoặc hơn mới về lại nhà. Nhưng được vài hôm thì hai cha con lại khăn gói quay lại bệnh viện vì cơn đau của Vy tái phát. Vy còn quá nhỏ, không đủ sức chống chọi lại sự mệt mỏi, đau đớn, sau những lần vào hóa chất như các bạn khác.
Anh Đan quay sang nhìn, rồi lấy tay vuốt mái đầu không còn sợi tóc nào của Vy, nói: “Vô thuốc bị giật, thiếu máu,… bé chịu không nổi, nên tôi lại đưa bé trở lại bệnh viện. Chính vì ra vô liên tục nên bé không muốn đi bệnh viện nữa. Từ đó, tôi mới nghĩ ra cách là nói nhà mình gần bệnh viện mà con, để dụ bé đi”.
"Cha ơi! Con nhớ mẹ"
Từ ngày Vy bệnh, anh Đan là người kề cận, chăm sóc cho Vy. Nói gì thì nói, có mẹ chăm sóc thì vẫn hơn là cha. Nhưng người đàn ông có vẻ khô khan này thay vợ chăm con vẫn rất chu đáo.
Ngồi cạnh con, tay anh cầm quyển vở vừa quạt vừa hát lẩm nhẩm ru con ngủ. “Mẹ bé đi làm nên tôi phải chăm sóc bé, chứ mẹ bé đâu dám nghỉ, nghỉ sợ cuối tháng chủ trừ lương. Vy nhỏ vậy đó nhưng hiểu hết, tối nào cũng gọi về nói chuyện với mẹ, mà nói vài câu là tự khóc”, anh Đan kể.
Mấy ai hiểu hết được tấm lòng cha mẹ3
Anh Đan bóp chân cho con gái
Đêm đêm, nằm trên chiếc giường quen thuộc, Vy lại quay sang cha nói thỏ thẻ: “Cha ơi, con nhớ mẹ, về nhà nha cha!”, rồi mếu máo khóc như mưa. Lúc ấy, anh Đan ứa nước mắt, nhưng anh chỉ biết xoa đầu con rồi cười trừ an ủi: “Mới lên mà nhớ mẹ rồi hả? Nhõng nhẽo là cha cho ở đây luôn bây giờ”.
“Có tháng bé mệt hoài, mẹ bé phải từ quê đi lên đây chăm sóc, nên cuối tháng bị trừ tiền lương còn có 2 triệu mấy. Nói gì thì nói, cha thì đâu thể nào gần gũi con hơn mẹ được. Về nhà là con bé cứ quấn mẹ nó suốt ngày”, anh Đan kể.
Có những đêm Vy khóc thét vì đau nhức dữ dội. Lúc ấy, mọi người trong căn phòng nhỏ, tất cả dường như đều cảm nhận được sự đau đớn đó. Xót cho con, nhưng anh Đan không biết làm cách nào để con bớt đau. Những lúc ấy, anh chỉ biết tự trách bản thân: “Tại sao mình không phải là người gánh chịu nỗi đau đó, mà lại là đứa con gái duy nhất của mình”.
Dỗ dành con, anh làm đủ trò để con quên đi những cơn đau giày vò thể xác. Đã nhiều đêm nằm dưới gầm giường anh khóc thầm và tự hỏi: “Tại sao lại cho con anh mắc bệnh như vậy, đứa con gái đầu lòng của vợ chồng anh, niềm tự hào của gia đình anh, đứa bé đáng thương đến như vậy mà, nó có tội tình chi”.
Mỗi lần đau như vậy, Vy được bác sĩ truyền hóa chất. Rồi Vy không còn thiết chuyện ăn uống nữa, đến những món quà vặt như kẹo, bánh chocolate,… mà hầu như đứa con nít nào cũng thích, Vy cũng không thèm ngó ngàng tới.
Mỗi lần đút cơm, đút cháo,… anh Đan dùng đủ cách để dụ con ăn. Người cha hết chơi trò cưỡi ngựa, lái máy bay, làm chú hề,… để đút cho Vy được miếng nào hay miếng đó. “Bé ăn cơm hay cháo mà còn dư lại thì phần đó mình ăn. Đâu có bỏ được, phí lắm, 1 phần cơm là 1 phần tiền mà. Tiền đó để lo cho con”, anh Đan chia sẻ.
Nói đến đây, anh cúi mặt im bặt hồi lâu, rồi nghẹn ngào nói: “Bác sĩ nói bé giờ giai đoạn cuối rồi, có tiền vô hóa chất thì kéo dài sự sống thôi. Nghe vậy mà đau thắt tâm can, ráng cố gắng để bé sống với mình, núm ruột của mình thì sao không đau không xót cho được”.
Trời cũng đã tối, tôi tạm biệt cha con anh Đan mà lòng nặng trĩu. Hình ảnh bé Vy đùa giỡn cùng cha cứ hiện hữu trong tâm trí tôi trên suốt đoạn đường về nhà, hình ảnh đó cứ nối tiếp nhau một cách rất tự nhiên mà nghe chừng xốn xang quá...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.