Vợ chồng chăn đàn trâu nung núc hơn 200 con giữa Hà Nội thu tiền tỉ

12/12/2017 11:19 GMT+7

Đây là đàn trâu của chú Nguyễn Văn Tiến (60 tuổi) và cô Ngô Thị Hải (50 tuổi), hiện đang cư ngụ ở bãi sông Hồng dưới gầm cầu Vĩnh Tuy (tổ 22, cụm Nha, P. Long Biên, Q. Long Biên, Hà Nội).

Trước khi đến với nghề chăn trâu, vợ chồng chú Tiến đã từng làm nhiều việc như: làm ruộng, trồng khoai, ngô ngắn ngày,… nhưng cứ hễ nước sông Hồng lên là các thửa đất hoa màu vừa khai khoang lại ngập, thất thu. Chán nản cảnh này, nhiều người cùng khai khoang với chú Tiến khi ấy đã bỏ cuộc, còn mỗi gia đình chú trụ lại nơi giáp ranh sông Hồng này.
[VIDEO] Cận cảnh đàn trâu hơn 200 con giá tiền tỉ giữa Hà Nội

"Mình nói nó hiểu hết!"
Đến năm 1993, sau khi suy tính kỹ, cô chú quyết định vay 1,8 triệu đồng mua một con trâu với mục đích cày bừa. Con trâu này về sau được đặt tên là “Thần Tài”, có lần nó bị ốm, cô Hải đã mời cả các y bác sĩ ở bên Học viện Nông nghiệp Việt Nam về chăm sóc nó. Bởi trâu đến với mình lúc khó khăn, giúp mình có được sự nghiệp như ngày nay, nên mình phải biết ơn nó, trân trọng nó, yêu thương nó, cô Hải chia sẻ.
Sau một khoảng thời gian nuôi trâu, thấy việc gầy dựng đàn trâu có hiệu quả hơn, cô chú lại tiếp tục vay mượn, lấy ngắn nuôi dài, bán trâu đực, giữ lại trâu cái để gây đàn. Từ một con trâu cái, rồi đến 2 con trâu cái, cứ năm sau lại đẻ gấp đôi năm trước. Đến nay, đàn trâu có 185 con to và 60 con bé, từ giờ đến Tết trâu vẫn túc tắc đẻ thêm.
Để có thể quản lý đàn trâu này, cô chú thuê 3 nhân công chuyên việc chăn dắt trâu và 3 người chuyên cắt cỏ cho trâu và trồng ngô để trâu ăn. Lương của mỗi người trung bình 4 triệu đồng/tháng. Với việc này, mỗi năm cô chú tạo thu nhập ổn định cho từ 5 - 15 người.
Nuôi trâu ở bãi sông có nhiều thuận tiện, bởi vì cỏ dồi dào, hơn nữa lại lắm đầm và gần sông, trâu có chỗ "ngâm mình". Bởi vậy mà chỉ sau một thời gian nuôi, trâu béo và lớn nhanh chóng. Bên cạnh đó, trâu nuôi ở đây cũng ít dịch bệnh và không phải chịu rét nhiều như ở rừng núi. Để chăm sóc tốt cho đàn trâu, cô chú vẫn thường mời các y bác sĩ ở Học viện Nông nghiệp về thăm khám thường xuyên, lấy máu và phân xét nghiệm, nên sức khỏe của trâu trong đàn thường rất tốt, rất ít khi ốm đau.
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 1
Trâu nghỉ trưa giữa chân cầu Vĩnh Tuy. Mùa hè, ăn no, trâu nghỉ từ tầm 2 -3 tiếng (từ 12 giờ cho tới 3 giờ chiều). Còn vào những ngày mùa đông, cỏ ít, trâu đói, nên nghỉ tầm 30 phút là trâu đã đứng dậy đòi đi ăn. Trước khi gặp đàn trâu này, các bác cũng lo, bởi đàn trâu đông như vậy thì làm thế nào mới có thể điều khiển trâu đến nơi ăn, nơi nghỉ, nơi tắm,…
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 2
Bác Nguyễn Văn Minh (58 tuổi, trái), bác Trần Văn Hùng (53 tuổi, giữa), bác Bùi Văn Thăng (57 tuổi, phải) tranh thủ ăn cơm trưa. Bữa cơm có cá kho, thịt và canh rau. Bữa cơm được chủ trâu làm và mang tận nơi
Tuy nhiên vào những tháng mùa đông, cỏ mọc ít, trâu không đủ lượng cỏ ăn – mỗi con trung bình 30kg/ngày, nên thường gầy. Thậm chí, cô chú phải thuê người ra tận các sân bay, khu dự án bỏ hoang, dọc ven đê các nơi để cắt cỏ, nhưng mỗi ngày cũng chỉ cắt được 3 tấn, trong khi lượng thức ăn cần thiết là 6 tấn cỏ/ngày cho đàn trâu.
Trải qua gần 25 năm nuôi trâu, có một số thiệt hại cho cô chú. 4 con trâu buộc ở sau vườn bị trộm dắt mất, 25 con nghé bị chết vì đợt rét kỷ lục 2016 (vào ngày 5.1), 1 con trâu to bị sa xuống giếng chết…
Hiện nay, trâu to có giá bán từ 25-30 triệu, còn nghé thì nuôi độ 6 tháng là bán được 15 triệu. Khách hàng của cô chủ yếu là các siêu thị, nhà hàng, hoặc các hộ dân trong làng, ở xa vì biết tiếng là trâu sạch mà đến đặt hàng, lượng mua nhiều thường vào dịp giáp Tết. Với đầu ra như vậy, mỗi năm trung bình cô chú bán được từ 40-50 con, thu về 1 tỉ đồng, sau khi trừ đi các khoản, lãi ròng mỗi năm là 300 triệu.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi đàn trâu lớn, cô Hải nói, cũng không có gì nhiều, chỉ cần theo dõi nó sát sao hàng ngày, nó ốm thì mình chữa, nếu nặng quá thì nên mời ngay các y bác sĩ về điều trị. Và trên hết là tấm lòng của người chủ đối với con trâu: “Cũng nhờ con trâu mà làm nên sự nghiệp cho mình, nên mình phải coi nó là một người bạn thân thiết, lúc nào cũng gắn liền với mình. Tuy rằng nó là con vật, nhưng mình gần gũi nó, mình nói nó hiểu hết cháu ạ”.

tin liên quan

Mùa len trâu ở miền Tây Nam bộ
Mùa len trâu là một bức tranh đồng quê miền Tây Nam bộ trong mùa nước nổi vô cùng đặc biệt, tưởng chỉ có cách đây gần thế kỷ.
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 3
Đàn trâu có 245 con, trong đó có 220 con trâu đen, và 25 con trâu trắng
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 4
Mỗi bác chăn trâu thường đeo một chiếc túi, trong đó đựng 3 dụng cụ không thể thiếu: áo mưa, chai nước ngọt và cây gậy
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 5
Đàn Trâu di chuyển về phía bãi cỏ ở bờ sông Hồng. Bác Minh chia sẻ, bãi thả thì có nhiều, chủ yếu là cánh đồng, bãi soi ngoài sông, khu dự án bỏ hoang, ven đê,… Đối với mỗi địa điểm, mình luân phiên, khoảng 1 tuần sau mới lại trở lại điểm cũ. Bởi đó là khoảng thời gian để cỏ kịp sinh sôi.
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 6
Bác Hùng đuổi trâu ra khỏi khu vực trồng hoa màu của người dân. Để điều khiển được đàn trâu, người chăn trâu phải sử dụng cả tiếng nói và hành động. Tiếng nói ở đây, gọi trâu là bằng tiếng “nghẹ”, hoặc quát khi trâu định tiến về phía hoa màu. Hành động ở đây được biểu thị thông qua cây gậy – có cán làm bằng tre, phần đầu làm bằng dây cao su, dùng để quật vào trâu khi trâu đi sai ý đồ của mình. Nhưng sau cùng, việc quan trọng nhất vẫn là phải điều khiển được con đầu đàn, bởi chỉ cần điều chỉnh được nó thì cả đàn sẽ nghe theo.
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 7
Thuốc lào là một thứ không thể thiếu để giải sầu cho người chăn trâu
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 8
Nghé con bú mẹ, nghé từ khi đẻ, đến khoảng 1 tuần là có thể cùng mẹ đi theo đàn
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 9
Trâu ăn cỏ ở bãi sông Hồng, mỗi con trung bình ngày ăn 30kg cỏ, vị chi đàn trâu 1 ngày ăn 6 tấn cỏ. Vào những ngày mùa đông, cỏ mọc ít nên trâu thường xuyên đói, gầy hơn so với  dịp mùa xuân.
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 10
Con Trâu đầu đàn là trâu trắng, nặng 3 tạ, giá bán thường cao hơn trâu đen. Con Trâu đầu đàn không phải do người chủ trâu lựa chọn, mà do sự phân cấp của đàn trâu, thường là những con to, khỏe, sống lâu năm. Trâu đầu đàn có vai trò thống lĩnh đàn, đưa đàn đi ăn, hoặc là chiếm lĩnh những con cái. Từ khi con đầu đàn là trâu trắng, lượng trâu trắng trong đàn đã tăng đáng kể.
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 11
Trâu đen trong đàn có 220 con
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 12
Mỗi năm đàn trâu đẻ thêm 60-70 con nghé
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 13
Sau khi lùa được đàn trâu ra bãi cỏ ở bờ sông, cũng là lúc người chăn trâu được nghỉ giải lao. Bởi vì lúc này trâu ăn cỏ
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 14
Trâu mẹ và trâu con. Khi trâu vừa đẻ, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, người chăn trâu phải buộc chúng vào gốc cây để tránh trâu mẹ và trâu con đi theo đàn
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 15
Trại trâu có diện tích hơn 400 mét vuông, tối đàn trâu được lùa về đây
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 16
Trại trâu được chia làm hai phần: phần ngoài trời, phần trong lán. Ngoài trời để trâu nằm những lúc không mưa, còn những khi mưa lạnh, trâu có thể nằm trong lán để tránh rét. Bên cạnh đó, trong lán còn có khu vực để cho trâu đi vệ sinh
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 17
Trong khu vực này có 2 người làm, họ có nhiệm vụ, dọn vệ sinh cho trâu và lo thức ăn cho trâu. Họ đi cắt cỏ hoặc trồng ngô để lấy thức ăn cho trâu
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 18
Đàn Trâu khổng lồ nhìn từ cầu Vĩnh Tuy xuống
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 19
Ngoài nuôi trâu, cô Hải và chú Tiến còn trồng thêm cam và bưởi để bán
Đàn trâu 200 con dưới cầu Vĩnh Tuy 20
Bác Minh (58 tuổi, quê ở Yên Bái), làm tại đây đã được 6 tháng, chia sẻ về những khó khăn: “Chăn trâu ở đây đúng như người ta nói là chăn trâu ở giữa Hà Nội, gặp khó khăn cũng không phải ít. Vì khi mình di chuyển đàn trâu từ điểm nọ đến kia, có khi phải đi qua đường, gây ách tắc giao thông. Thứ 2, con trâu có thể làm mất vệ sinh đường. Nói chung cơ bản người ta cũng thông cảm, không may nó có bừa bãi ra đường thì mình quét dọn sạch sẽ cho người ta. Di chuyển trên đường, người ta dừng lại đợi, mình cũng có câu cảm ơn, người ta cũng rất vui vẻ. Và người cũng thích cảnh giữa Hà Nội có một đàn trâu rất đông, đi trùng trùng.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.