Những đứa bé dễ thương, sao cha mẹ nỡ bỏ con: Mồ côi thành mẹ 'đặc biệt'

Với những 'người mẹ cộng đồng' này, hạnh phúc đơn giản chỉ là nhìn những đứa con của mình ngày càng lớn khôn, trưởng thành, có thể tự lo cho bản thân.

Người ta dễ dàng thốt ra câu thương cảm khi nhìn thấy một em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng có thể rơi nước mắt khi nghe câu chuyện về cuộc đời buồn của các em nhỏ bị bỏ rơi… Nhưng mấy ai dám hi sinh cả cuộc đời mình để lo lắng, chăm sóc cho những mảnh đời vốn chịu nhiều bất hạnh đó… Tôi nghĩ vậy!
VIDEO: Từ trẻ mồ côi đến "mẹ" của những đứa con không gia đình
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
Và rồi chính tôi lại tự bác bỏ cái suy nghĩ đó khi được tiếp xúc và chứng kiến một ngày làm việc của những cô giáo, những điều dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp này.
Theo chân cô Nguyệt (Phó Giám đốc trung tâm), tôi đến phòng sinh hoạt chung nằm gần cuối dãy hành lang hun hút trên tầng 2.
Cô giáo Mai Thanh Thủy (33 tuổi) chia sẻ lý do muốn quay về làm việc cho trung tâm vì "ngoài nơi này thì không đâu có thể cho tôi cảm giác yên bình và thoải mái bằng"
Lúc này, các em nhỏ đang trong giờ tập nhạc. Thấy người lạ đến thăm, một cậu nhóc quay lại cười thật tươi, em có vẻ muốn chạy ra ngoài nhưng đang lưỡng lự khi cứ nhìn sang cô giáo rồi nhìn ra chỗ chúng tôi… cuối cùng em chọn tiếp tục ngồi tập hát.
Cô Nguyệt cho biết: “Mấy đứa nhỏ ở đây ngoan lắm, không bao giờ các con tự ý làm việc gì nếu chưa được sự đồng ý của cô giáo, đặc biệt là cô Thủy”.
Đã 41 năm trôi qua, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp đã trở thành mái nhà chung ấm áp cho hàng trăm, hàng nghìn mảnh đời bất hạnh
Không để chúng tôi kịp thắc mắc, cô nói tiếp: “Tại ngày xưa cô Thủy cũng là trẻ mồ côi, lớn lên tại trung tâm này. Nên tính ra là Thủy về công tác cũng gần 10 năm, nhưng thời gian cô ở đây thì lên đến mấy chục năm rồi, từ cái ngày trung tâm còn cái tên Cô nhi viện Gò Vấp”.
Những "người cha, người mẹ" luôn hết lòng vì các con Ảnh: Lê Nam
Căn phòng tập thể vốn chật hẹp, nhưng tôi cảm nhận một khoảng không gian bao la, đầm ấm tình người qua câu chuyện về những em nhỏ bị bỏ rơi mà các cô cưu mang, chăm sóc. Dù đã cố gắng bù đắp phần nào những bất hạnh, thiệt thòi của các em, nhưng trái tim những “người mẹ” ấy vẫn chưa một ngày thôi trăn trở.
“Các em có tâm lý khá đặc biệt, một phần cũng do sự mặc cảm khi bị gia đình bỏ rơi. Nhưng có lẽ việc xuất thân là trẻ mồ côi khiến tôi có sự đồng cảm sâu sắc với các em, các con hơn. Tôi hiểu cảm giác một đứa trẻ khao khát được có ai đó để gọi là cha là mẹ nó mãnh liệt như thế nào. Chỉ vậy thôi, tôi về với các con cũng như cái cách ngày xưa các mẹ ở đây đã yêu thương tôi vậy”, cô giáo Thủy xúc động.
Mỗi đứa con sẽ có một cảnh ngộ, một số phận nhưng đều giống nhau, đó là ký ức tuổi thơ đầy nước mắt với những tổn thương, mất mát
Cùng hoàn cảnh với cô Thủy là cô điều dưỡng Bùi Ngọc Thảo (33 tuổi), vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ lại bệnh viện. “Lúc nhỏ thì bệnh viện chuyển tôi tới Trung tâm Thị Nghè, đến năm 7 tuổi thì tôi được chuyển sang Trung tâm Gò Vấp rồi học tập, sinh sống ở đây cho tới lớn luôn”, cô Thảo kể lại.
Hạnh phúc đời thường mà biết bao nhiêu em nhỏ ở đây luôn ao ước có được
Trong trí nhớ của cô, ngày còn bé có rất đông các anh chị em ở trung tâm, mỗi chiều mọi người sẽ cùng nhau chơi các trò như nhảy dây, trốn tìm, bắn bi… “Với tuổi thơ của tôi thì đó là khoảng thời gian vui vẻ nhất. Sau này mọi người lớn lên đều có cuộc sống riêng, có người đi làm rất xa, người thì mất vì bệnh, chỉ còn mỗi tôi với Thủy còn ở đây”, Thảo nói bằng giọng buồn buồn.
Tuổi thơ của những đứa trẻ như chị Thảo, mặc dù thiếu thốn hơi ấm của cha mẹ nhưng lại đầy ắp niềm vui, bè bạn
Thời gian thấm thoắt trôi, Thảo bây giờ đã có một gia đình hạnh phúc với chồng và con gái nhỏ. Nói về quyết định quay trở lại đây làm việc, Thảo cho biết: “Công việc chiếm của tôi khá nhiều thời gian, tôi ở trung tâm nhiều hơn ở nhà. Nhưng may mắn là chồng và con đều hiểu và ủng hộ tôi hết mình”.
Chấp nhận dành phần lớn thời gian của mình cho trung tâm, cho các con...
Công việc điều dưỡng của cô Thảo bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt, từ việc vệ sinh và cho các bé sơ sinh uống sữa, chuẩn bị đồ ăn cho các em lớn hơn và cả chăm sóc cho các em nhỏ khuyết tật.
Kéo tay áo cho chúng tôi coi những vết bầm tím, cô Thảo chia sẻ: “Đây là vết tích các em bị thiểu năng để lại. Mỗi lần lên cơn, có em nắm lấy tóc của bảo mẫu mà la hét. Nhiều đêm các em không ngủ, thức quậy phá hay khóc lóc thì mình cũng phải thức theo”.
Dẫu khó khăn, vất vả là vậy, nhưng trong những câu chuyện của những người “làm cha, làm mẹ” ở đây, chúng tôi chẳng hề nghe một lời than phiền. Với họ, hạnh phúc đơn giản vô cùng, chỉ cần nhìn những đứa con của mình ngày càng lớn khôn, trưởng thành, có thể tự lo cho bản thân là đủ.
Ngồi trong lòng "mẹ Thảo", đứa bé tên Tiên thủ thỉ: "Mẹ Thảo cho con đi chơi chút nha, con thương mẹ Thảo bự như cái sân luôn nè".
Từ mái ấm tình thương này, những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn năm nào đã tự tin bước vào đời, trở thành người có ích cho xã hội Ảnh: Lê Nam
Nhìn cảnh 2 mẹ con họ ôm nhau cười khúc khích, tôi chợt thấy thấm ý nghĩa câu trả lời của những “người mẹ” này, khi chúng tôi hỏi, có bao giờ họ nghĩ đến việc tìm gặp lại cha mẹ ruột của mình không?
“Có lẽ là không. Ngày còn nhỏ mình thèm được có gia đình, có cha mẹ như người ta lắm. Nhưng bây giờ thì cái mong muốn đó phai dần rồi. Nó không mất đi hẳn, nhưng không còn tha thiết nữa. Cha mẹ có thể đang có cuộc sống riêng rất tốt, và mình cũng đã có riêng cho bản thân một gia đình lớn như vậy rồi, còn gì mà mong cầu nữa đâu”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.