Những đứa bé dễ thương, sao cha mẹ nỡ bỏ con - Kỳ 1: Giận nhau là... bỏ!

Đằng sau nụ cười hồn nhiên, ánh mắt ngây thơ lại là những số phận đáng buồn bởi cuộc đời các em vốn gắn với nỗi đau 'bị bỏ rơi'. Nhiều người cầu con hoài không được trong khi những đứa trẻ ở đây lại cầu mong cha mẹ.

Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi ghé thăm các em nhỏ mồ côi và bị cha mẹ bỏ rơi tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp TP.HCM.
Những tiếng ru buồn...
Tiếng ru phát ra từ phía khu vực phòng sơ sinh nghe cứ lạc lõng giữa cái nắng ban trưa gay gắt, rát da rát thịt. Chủ nhân của tiếng hát ru là một điều dưỡng tuổi ngoài 50, tên Vũ Thị Loan Phượng. Ở cái tuổi ngũ tuần, cô Phượng đã làm “mẹ” của không biết bao nhiêu em nhỏ bị bỏ rơi.
VIDEO: Những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng 
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân
“Các em thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, ngay khi cất tiếng khóc chào đời đã không kịp biết cha mẹ mình là ai, có em thì phải chứng kiến cảnh từng người thân yêu nhất của mình ra đi, cũng có trường hợp gia đình không đủ điều kiện nuôi nấng nên đem con bỏ đây rồi đi luôn không quay lại”, cô nói.
Đưa mắt nhìn khắp phòng, tôi bị thu hút bởi đứa bé nằm ở giường trong cùng. Em nằm im, không quấy khóc như những đứa trẻ khác.
Trẻ em như những mầm cây vừa chớm, đáng ra các em cần được nâng niu hơn bất kì ai
Theo lời cô Phượng, em là trường hợp sinh non và được chẩn đoán suy hô hấp. “Có lẽ gia đình không đủ điều kiện chữa bệnh nên sinh xong đã bị mẹ bỏ bé lại bệnh viện, bên đó người ta chuyển qua trung tâm”, cô Phượng cho biết.
Ngày đưa em về mái nhà chung, trời mưa tầm tã, em lạnh co ro nhưng không khóc. Chắc cũng vì lý do đó là cô giám đốc đã đặt cho em cái tên Triều với hy vọng “sau này lớn lên, em sẽ trở thành một người mạnh mẽ, kiên cường, có lập trường, chí hướng và có bản lĩnh”.
Nằm cạnh giường của Triều là Mai, là Tiên, là Hùng… Có em bị não úng thủy, em thì bị tim bẩm sinh... cũng có những em hoàn toàn bình thường. Chỉ có điều, tất cả các em có một điểm chung là kể từ nay về sau có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại cha mẹ ruột của mình nữa.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi dường như rất "biết thân biết phận", chẳng bao giờ quấy khóc hay đòi hỏi quá mức Ảnh: Lê Nam
Cô Lê Thị Nguyệt (Phó Giám đốc trung tâm) cho biết, hiện nay trung tâm đang chăm sóc và nuôi dưỡng 236 em nhỏ, ở độ tuổi từ sơ sinh cho đến 18 – 20 tuổi. Toàn bộ trung tâm có tổng cộng 139 cán bộ, được chia thành nhiều bộ phận, phòng ban để trực tiếp chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe và quản lý các em nhỏ.

100% các em được đưa về trung tâm đều không nơi nương tựa, không được chăm sóc, một số em không được đi học hoặc đi học không đúng độ tuổi.

Sự rụt rè, sợ hãi của cậu bé chưa tròn 7 tháng tuổi khi gặp người lạ Ảnh: Lê Nam
“Có nhiều trường hợp vợ chồng còn trẻ quá, giận hờn nhau chút thì đem con cái tới cửa trung tâm bỏ đó. Vài ngày sau hết giận thì quay lại xin con. Nhưng cũng có những trường hợp chúng tôi lưu số điện thoại của gia đình các em lại, nhưng khi liên lạc thì chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: “chúng tôi bỏ rồi”… Xót xa lắm”, cô nói thêm.
'Biết thân biết phận'
Được biết, trẻ em ở đây đa số từ phía các bệnh viện chuyển đến. Theo lời cô Nguyệt: “Sau khi bên đó đã tìm mọi cách để liên lạc với phụ huynh, báo cho chính quyền địa phương cũng như nhờ đến truyền thông nhưng không nhận được kết quả thì trung tâm mồ côi, mái ấm tình thương chính là “nhà” mới của các con”.
Làm sao không xót xa khi chứng kiến cảnh như thế này?
Ở trung tâm, từ Giám đốc cho đến các cô điều dưỡng, giáo viên, nhân viên đứng bếp… đều sẽ xưng hô “mẹ, con” với các em nhỏ. Ngoài công việc chuyên môn thì các “mẹ” đều sẽ thay phiên nhau lo cho các em uống sữa và thay tã.
Cũng có những em bị ám ảnh về việc cha mẹ bỏ rơi nên dù đã được đưa về trung tâm một thời gian nhưng vẫn thường khóc và đòi về nhà mỗi khi thấy có tình nguyện viên bên ngoài đến thăm.
Cô Đặng Thị Kim Loan, Phòng Hành chính cũng cho biết thêm thêm: "Trung tâm tiếp nhận rất nhiều trẻ em, khuyết tật có, bình thường có. Đối với các em khuyết tật thì nhà nước sẽ phân theo các dạng khuyết tật nặng, khuyết tật trung bình và nhẹ, khẩu phần dinh dương tương ứng cho các em tuỳ theo mức độ sẽ là 60.000 - 65.000 đồng/ngày/người. Đối với các em bình thường thì 50.000 đồng/ngày/người. Bên trung tâm chúng tôi có một phòng dinh dưỡng dành cho trẻ sơ sinh. Trung bình mỗi ngày các bé sơ sinh sẽ được cho bú từ 6 - 8 lần. Khẩu phần của trẻ từ 1 - 18 tháng tuổi tương đương với mức của trẻ khuyết tật nặng là 65.000 đồng/người/ngày".
Tuy nhiên, phía trung tâm cũng khẳng định nếu những ngày cuối khẩu phần nhà nước cho các em ăn không đủ thì trung tâm vẫn tự bù thêm vào từ các khoản được từ thiện, "miễn sao các em ăn đầy đủ chất là được".
“Tôi rất đau lòng khi dùng từ “biết thân biết phận” để nói về các con. Người ta có 1 thì đòi 10, còn các con thì ngược lại. Giống như con hiểu được hoàn cảnh của mình nên rất ít khi la khóc, đòi hỏi hay quấy phá quá mức. Chỉ cần được ôm, dỗ dành hay nghe các mẹ nựng yêu là con nín khóc ngay”, cô Phượng vừa cho Triều uống sữa vừa kể.
Hình các bé vẽ tặng "mẹ" Phượng nhân dịp 20.10 Ảnh: Lê Nam
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của một cô bé đang lấp ló ngoài cửa kia. Em là Ngân, mắc hội chứng Down bẩm sinh.
“Ngân cũng là trường hợp bị cha mẹ bỏ ngay từ lúc mới sinh luôn. Hồi đầu về trung tâm là con còn nhỏ xíu, giờ được 8 tuổi rồi. Lúc trước con chỉ ngồi 1 chỗ, không nói năng hay tiếp xúc với bạn bè, thầy cô nào hết. Thời gian sau này được học các lớp chuyên biệt nên con cũng chịu cười rồi”, cô Phượng nói bằng giọng trìu mến.
Nghe cô nói vậy, tôi nảy ra ý định sẽ thử vẫy tay xem Ngân có đi lại chỗ chúng tôi không. Sau vài giây ngạc nhiên, em bắt đầu rời cánh cửa rồi chạy đến ôm chầm chúng tôi. Tự dưng tôi thấy nơi sống mũi mình cay cay.
Nhớ ngày trước khi còn là sinh viên, tôi có tham gia một câu lạc bộ từ thiện của trường nên đã được dịp đến thăm các em nhỏ tại những mái ấm, nhà tình thương ở Sài Gòn. Lúc đó, lần nào trước khi ra về chúng tôi cũng hứa với các em: “Sau này rảnh tụi chị lại đến thăm các em nữa nha”. Rồi việc học hành, những thứ diễn ra trong cuộc sống thường nhật vô tình làm chúng tôi quên bẵng đi lời hứa của chính mình.
Nhiều điều dưỡng nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ bị bỏ rơi chưa hề lập gia đình. Các cô, các chị vẫn coi những đứa trẻ cơ nhỡ ở đây như con Ảnh: Lê Nam

tin liên quan

Sản phụ hạnh phúc sinh bé trai dù lớn tuổi và mang cả u xơ tử cung
Chị H.T.Ngộ (37 tuổi, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) mang thai nhập viện trong tình trạng bụng quặn đau và xuất huyết âm đạo bất thường. Nhưng may mắn mẹ tròn con vuông nhờ sự tận tâm của các thầy thuốc ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam (BV).
Để hôm nay, khi đứng trước câu hỏi ngắt quãng của Ngân: “Chị… chị… Tới nữa không?”, tôi chẳng dám gật đầu hay nói dứt khoát một câu: “Chị sẽ quay lại thăm em” như ngày trước…
Rời trung tâm khi đã quá giờ nghỉ trưa của mọi người, chúng tôi đi mà lòng cứ nặng trĩu. “Tiếng ru mồ côi” lần nữa lại cất lên, nghe buồn não ruột:
“À ơi giấc ngủ mồ côi
Lời ru êm tiếng ru hời dịu êm
À ơi câu hát đưa nôi
Như lời của mẹ ai vừa hát ru”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.