Người phụ nữ nặng lòng với các hài nhi xấu số

04/07/2017 08:15 GMT+7

Chị Nguyễn Thị Thuỷ (40 tuổi, ngụ tại xóm 7, xã Thạch Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) hơn 10 năm qua đã âm thầm chôn cất các hài nhi xấu số , cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi.

Trò chuyện với chúng tôi về những việc làm của mình, chị Thủy nói đó chẳng phải là điều gì to tát . “Đó là việc nên làm”, người phụ nữ có dáng người khá đậm, khuôn mặt phúc hậu này, nói.
Theo lời chị Thủy, hơn 10 trước, nhiều lần chị vô tình bắt gặp những hài nhi bị vứt bỏ nơi bãi rác của phòng khám sản rồi được nghe chuyện về những cô gái trẻ lầm lỡ trong tình yêu buộc phải đi phá thai Nỗi day dứt về những sinh linh bé nhỏ bị chính người mẹ của mình chối bỏ cứ ám ảnh chị để rồi sau đó chị quyết định đi “xin” các hài nhi xấu số về chôn cất tại nghĩa trang của thôn. “Không làm vậy thì tội các cháu lắm”, chị Thủy nói.

tin liên quan

Mẹ 92 tuổi nhặt ve chai nuôi con gái trong nhà 8 mét giữa trung tâm
Căn nhà chật hẹp, chỉ gần 8m² thấp trũng, nhưng chất đầy đồ đạc. Lúc mọi người chưa thức giấc thì bà Trương Thị Biết (92 tuổi, ngụ hẻm 42 Hồ Hảo Hớn, P.Cô Giang, Q.1) lại đi khắp xóm tìm kiếm nhặt nhạnh lon nước ngọt, chai nhựa bán kiếm tiền nuôi con gái mắc bệnh tâm thần…
Thời gian đầu, nhiều người nói chị làm việc bao đồng, thậm chí có những lời đàm tiếu này nọ nhưng chị vẫn âm thầm làm công việc của mình. Bất kể nắng hay mưa, chị vẫn đều đặn tìm đến các phòng khám để “xin” các hài nhi xấu số về khâm liệm và đem ra nghĩa trang chôn cất. Và rồi, nhiều người đã hiểu được ý nghĩa của công việc chị làm, cảm được tấm lòng của chị nên tìm tới động viên, sẻ chia.
Trong những lần đến các phòng khám sản, chị được bác sĩ giới thiệu và trực tiếp trò chuyện với những người có ý định phá thai nên thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Theo chị Thủy, có người vì đông con không đủ khả năng nuôi dưỡng, người thì do hoàn cảnh không muốn sinh em bé. Cũng có bạn trẻ muốn dùng cái thai trong bụng để ép gia đình chấp nhận cuộc hôn nhân bị phản đối nhưng không thành…
Từ những lần gặp gỡ ấy mà chị Thủy có thêm công việc mới là trò chuyện, tư vấn, khuyên nhủ những người có ý định phá thai. Chị còn đưa những “bà bầu” có hoàn cảnh éo le về nhà, rồi tự tay chăm sóc cho đến ngày sinh nở.
Cưu mang những đứa trẻ bị chối bỏ
Cách đây gần 6 năm, chị Thủy gặp một cô bé (quê H.Thanh Chương, Nghệ An) đang rụt rè bước vào phòng phá thai. Sau khi trò chuyện, biết cô bé đang mang thai tháng thứ 5, chị khuyên can rồi đưa về nhà chăm sóc. Sinh con chưa được 2 tuần, người mẹ trẻ ấy bỏ đi, để lại đứa bé cho chị Thủy. Chị đặt tên cháu là Hoài Thu và khai sinh bé theo họ của mình.
2 tháng sau, chị lại cưu mang một cô gái 19 tuổi (quê H.Tương Dương, Nghệ An; sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội), cũng vì yêu đương nên trót dại mang bầu. Sau khi sinh bé trai kháu khỉnh và đặt tên là Trần An, cô gái ấy cũng lặng lẽ ra đi, để con lại cho chị Thủy nuôi dưỡng.
Một mình nuôi 2 đứa con nuôi khiến chị gặp nhiều khó khăn, nhất là những khi con cái đau ốm. “Nhiều lúc thấy khó khăn lắm, bởi nguồn thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng. Nhiều lần tôi phải mượn tiền họ hàng để lo cho mẹ các bé đi sinh. Lúc lên 1 tuổi, cháu Trần An bị viêm phổi cấp, tôi phải cầm cố ngôi nhà vay ngân hàng 30 triệu đồng chạy chữa cho con…
Ngoài những người hiểu chuyện động viên, chia sẻ với mình thì cũng có những người buông lời đàm tiếu không hay. Có lúc buồn lắm nhưng rồi nghĩ về các cháu, tôi thấy lòng thanh thản và nhẹ nhõm hơn, càng có thêm nghị lực để làm lụng nuôi nấng các con”, chị Thủy chia sẻ.

tin liên quan

Ám ảnh nghĩa trang có ngôi mộ 30.000 hài nhi ở Hà Nội
Cá biệt có dịp cuối tuần, số lượng hài nhi nhặt được tại các bệnh viện, phòng khám có dịch vụ nạo phá thai, chất vừa đủ chiếc xe cải tiến... Đó là câu chuyện diễn ra tại nghĩa trang Đồi Cốc ở Hà Nội.
Hiện 3 mẹ con chị Thủy phải ở nhờ nhà anh trai vì căn nhà mẹ chị để lại đã chẳng còn ở được nữa. Hằng ngày, ngoài công việc đồng áng vất vả, chị Thủy còn nuôi thêm lợn, gà và trồng rau. Những lúc nông nhàn, chị tranh thủ đi làm thuê hoặc nhặt ve chai đem bán kiếm thêm đồng ra đồng vào.
“Tôi thương hai đứa nó như con ruột của mình. Mong sao các con ngoan ngoãn và mạnh khoẻ, sau này lớn lên sẽ là người có ích cho xã hội. Cầu mong ông trời ban cho tôi sức khỏe để làm việc và chăm sóc các con đến khi chúng trưởng thành”, chị Thủy nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: “Chị Thủy là một người phụ nữ đôn hậu, đã cưu mang nhiều cô gái trẻ lỡ lầm trong tình yêu và nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi. Chúng tôi đã gặp gỡ, động viên chị Thủy tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng để những đứa trẻ ấy có một mái ấm gia đình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.