Những bà mẹ không mang tên khi mang thai hộ

27/08/2017 12:20 GMT+7

Trước thông tin Kim Kardashian đang rậm rịch chào đón đứa con thứ 3 bằng cách nhờ mang thai hộ, chuyện sinh nở lại trở thành đề tài nóng.

Phụ nữ, vốn không thể san sẻ nỗi đau vượt cạn… giúp người khác, phải đối mặt với bao sóng gió cả sau cuộc “đi biển một mình” ấy.
Sự màu nhiệm của khoa học
Những nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới khiến việc mang thai hộ nghe có vẻ bình thường như chuyện xảy ra hằng ngày ở huyện. Đâu phải đơn giản thế, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những chuyển biến về chính trị và văn hóa dẫn đến việc chấp nhận, dù có lúc miễn cưỡng, những cấu trúc gia đình kiểu mới.
Và mang thai hộ đã mang lại niềm vui không tả xiết cho những cặp vợ chồng vô sinh hay cho những cặp đôi thuộc thế giới LGBTQ. Nhưng đằng sau đó là những câu chuyện rơi nước mắt về những bà mẹ không chính danh ngôn thuận, phải âm thầm chịu bao đắng cay và áp lực dư luận.
Thập niên 1990 mở ra làn sóng mang thai hộ trên thế giới vốn khởi đầu năm 1976 khi Noel Keane, luật sư người Mỹ, thảo hợp đồng mang thai hộ đầu tiên. Theo đó, 11 năm sau, chị Mary Beth Whitehead (New Jersey) đồng ý nhận 10.000 USD để thụ thai với tinh trùng của anh William Stern. Sự việc bỗng dưng xoay chuyển ngoài ý muốn của cả hai bên khi chị Whitehead thay đổi ý định và bỏ trốn cùng đứa bé.
Bản hợp đồng này diễn ra cùng thời điểm với cột mốc em bé ống nghiệm đầu tiên của thế giới - Louise Joy Brown chào đời, khiến thế giới hoảng hốt không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông Stern và vợ quyết liệt phát động một cuộc chiến pháp lý, gây áp lực đòi bắt mẹ con Whitehead không khác gì chuyện xảy ra trong phim (và sau này đã được lên màn ảnh). Cuối cùng thì Whitehead vẫn được tòa trả lại quyền làm mẹ dù gia đình Stern hoàn toàn được quyền nuôi nấng đứa bé được đặt tên là “Baby M”.
Những bà mẹ không mang tên 1
Chị Kim Button với đứa bé có tên gọi Baby Button năm 1985
Trường hợp này, được đặt tên là Baby M, chính là lý do khiến New Jersey, cũng như Canada và đa số các nước ở châu Âu không cho phép mang thai hộ trả tiền. Những bậc cha mẹ, không phải sinh nở ấy, chỉ phải trả các chi phí về y tế có liên quan bởi trên hết mang thai hộ phải hoàn toàn là vì mục đích nhân đạo.
Trở lại với chuyện của Whitehead, tờ The Nation từng bình luận: “Khi Whitehead đặt bút ký hợp đồng, cô ấy đang hứa một điều mà không một ai trên đời có quyền năng làm được: không được yêu thương đứa bé mà cô sinh ra”.
Và sự mất mát của người trong cuộc
Hạnh phúc như một tấm chăn hẹp, người này ấm thì kẻ kia phải chịu lạnh, đó chính là những ẩn ức tinh thần đằng sau mỗi hợp đồng mang thai hộ. “Sinh ra để được bán đi”, “Chẳng tốt đẹp hơn gì chuyện bán dâm”… là những cái tít trên báo mà cho đến nay vẫn ám ảnh chị Kim Cotton.
Khi Cotton đồng ý mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Thụy Điển năm 1985 thông qua một công ty môi giới Mỹ, chị không nghĩ rằng mình sẽ là người mẹ thay thế đầu tiên của Anh và không ngờ đến những hệ lụy về mặt tinh thần và những soi xét về mặt pháp luật. Có chồng, có 2 con, chị Cotton lần đầu nghe đến khái niệm mang thai hộ khi đang xem một bộ phim tài liệu trên truyền hình. “Lúc đó tôi không hình dung được chuyện phụ nữ không thể sinh con. Tôi gặp chồng tôi năm 15 tuổi, rồi 18 tuổi đính hôn, 19 tuổi kết hôn và 20 tuổi có con đầu lòng”, chị kể lại.
Những bà mẹ không mang tên 2
Chị Kim Button hiện nay
Những bà mẹ không mang tên 3
Baby M và mẹ “đẻ”
Đối với chị Cotton, thỏa thuận có giá 6.500 bảng Anh ấy là đôi bên cùng có lợi bởi “gia đình người Mỹ kia sẽ có được niềm vui có con còn gia đình tôi sẽ có tiền xây nhà riêng, không phải ở chung với mẹ nữa”. Nhưng chị đâu biết chị được pháp luật “để mắt đến” bởi đây cũng là trường hợp mang thai hộ trả tiền đầu tiên của Anh.
Khi đứa bé chào đời, nó ngay lập tức được đặt dưới sự bảo hộ của pháp luật và được giữ lại trong bệnh viện suốt một tuần để tòa án quyết định chị Cotton hay cặp vợ chồng người Thụy Điển kia sẽ được quyền chăm sóc nó.
Chuyện gì đến cũng phải đến. Suốt hơn 30 năm qua, người phụ nữ “chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện chị sinh con cho người khác lại gây ầm ĩ đến thế” vẫn không quên được đứa con được báo chí lúc đó đặt tên là “Baby Cotton” dù chưa bao giờ được gặp lại nó.
“Tôi luôn nghĩ về con bé mỗi khi đến ngày sinh nhật của nó - ngày 4.1. Và rồi tôi phải đóng cánh cửa ấy lại bởi vì mỗi khi mở ra, nó khơi lại nỗi đau trong tôi”, chị tâm sự. “Điều tôi hối tiếc duy nhất là không gặp lại vợ chồng đó (sau trường hợp này, được gọi là cha mẹ nuôi - NV). Còn lại chẳng có gì phải hối tiếc bởi tôi đã giúp họ tạo nên một gia đình”, chị nói. “Nhưng, tôi vẫn còn cô đơn, cô đơn lắm. Tôi không muốn ai phải trải qua cảm giác ấy”.
Và chị quyết định “làm người đứng ở tiền tuyến” khi lập ra tổ chức phi lợi nhuận Childlessness Overcome Through Surrogacy (COTs) năm 1988, hoạt động với số tiền ủng hộ của các mạnh thường quân nhằm giúp những ai muốn mang thai hộ hay những ai muốn được làm cha mẹ bằng phương pháp này hiểu rõ sự phức tạp trước khi thực hiện.
Còn với chị Cotton, chị đã để lại sau lưng nỗi buồn ấy và ba năm sau ngày lập ra COTs, chị tình nguyện làm mẹ giúp cho vợ chồng một người bạn. “Khi tôi sinh, họ cũng có mặt. Đứa bé ra đời, nhận được cái ôm của tất cả chúng tôi”, chị cho biết. “Điều này thật kỳ diệu!”.
Những câu chuyện “mẹ ruột, mẹ đẻ” vẫn tiếp diễn hằng ngày và người ta mong cảm xúc kỳ diệu sẽ đọng lại khi những tấm màn buông xuống, ai về nhà nấy dù những đứa trẻ có thể chẳng biết chúng đến từ đâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.