Cơ quan hữu trách và chính quyền địa phương đang vận động nông dân ngoại thành Hà Nội không đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng.
Nông dân Hà Nội đang thu hoạch vụ lúa chiêm xuân. Tình trạng đốt rơm, rạ trên các cánh đồng và dọc các con đường xảy ra khá phổ biến ở khu vực ngoại thành.
Anh Nguyễn Văn Toản (ngụ tại TT.Quang Minh, H.Mê Linh) cho biết, mỗi năm 2 mùa thu hoạch lúa, người dân ở thị trấn đều khổ sở với khói rơm, rạ. Trên các cánh đồng dọc quốc lộ 23B qua các xã Tiến Thắng, Tự Lập và Liên Mạc, người ta ồ ạt đốt rơm vào cuối buổi chiều. Gió thổi khói vào các khu dân cư khiến người dân rất khó chịu.
VIDEO: Hà Nội mịt mù khói rơm từ ngoại thành
Theo chị Nguyễn Thu Hà (ngụ tại xã Hạ Mỗ, H.Đan Phượng), rơm, rạ được người dân chất đống đốt ở hai bên đường gần cánh đồng thuộc các xã Hạ Mỗ, Tân Hội và Thượng Mỗ. Nhiều gia đình phải đóng kín cửa nhà để tránh khói.
Khảo sát của Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, mỗi năm Hà Nội phát sinh khoảng trên 1 triệu tấn rơm, rạ và phụ phẩm nông nghiệp, trong đó lượng đốt bỏ ngoài đồng khoảng 352.000 tấn (chiếm 33,7%). Chỉ riêng H.Đan Phượng, với 31.200 tấn rơm, rạ và phế phẩm nông nghiệp bị đốt đã thải ra môi trường khoảng 12.000 tấn khí CO2, 290 tấn khí CO, 10 khí tấn CH4, 17 tấn SO2, 1 tấn N20 và hàng trăm tấn tro bụi, gây ô nhiễm không khí.
Theo bà Lưu Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trước các vụ thu hoạch lúa, chi cục đều gửi văn bản đề nghị các địa phương tuyên truyền để người dân không đốt rơm, rạ. Tuy nhiên, mùa thu hoạch lúa chiêm xuân này, tình trạng đốt rơm, rạ vẫn diễn ra phổ biến. Cuối tháng 5 vừa qua, chi cục tổ chức cho 100 hộ nông dân xã Thọ Xuân (H.Đan Phượng) ký cam kết không đốt rơm, rạ mà sử dụng chế phẩm sinh học được tặng miễn phí để xử lý thành phân hữu cơ và vi sinh.
(TNO) Bây giờ đang là thời điểm nông dân ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận thu hoạch lúa vụ xuân. Liên tiếp những ngày qua, theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, nông dân ngoại thành sau khi thu hoạch lúa đã đồng loạt đốt rơm rạ, khói bay mù mịt trên các cánh đồng.
Sở NN-PTNT Hà Nội cũng đang hướng dẫn người dân sử dụng rơm, rạ để trồng khoai tây trên đất hai vụ lúa với diện tích 110 ha và có hơn 1.410 hộ dân tham gia, đã xử lý 2.500 tấn rơm, rạ. Các mô hình xử lý rơm, rạ thành nguyên liệu trồng nấm, làm phân bón hữu cơ cũng đang được triển khai và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ bừa bãi trong mùa thu hoạch lúa.
Bình luận (0)