Kỳ tích cậu bé 8 năm ngậm ống thở vẽ tranh bên giường bệnh

16/05/2016 11:08 GMT+7

Một tuổi, phải vào bệnh viện vì căn bệnh teo cơ tỷ bẩm sinh và phải ngậm ống thở liên tục nhưng cậu bé vẫn phát triển bình thường. Đây là một trường hợp hiếm gặp trên thế giới.

Chào đời tháng 2.2007, chưa đầy một năm sau, tháng 1.2008 cháu Nguyễn Quang Khang (ở thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn, Bình Định) phải nhập viện điều trị bệnh teo cơ tỷ bẩm sinh.
Từ đó đến nay đã 8 năm, Khang chưa một lần về lại nhà, trên giường bệnh cậu bé đã lớn dần lên trong tình thương mênh mông của mẹ (chị Lê Thị Trò, 43 tuổi) và sự yêu thương chăm sóc tận tình của các thầy thuốc, nhân viên y tế Khoa Hồi sức cấp cứu nhi, Bệnh viện đa khoa Bình Định.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng (47 tuổi, cha của Khang) đã suy sụp, hoang mang cùng cực khi biết Khang bị teo cơ tỷ bẩm sinh và cũng từ đó bệnh tiểu đường của anh chuyển biến nặng hơn.
Khang học chữ từ mẹ. Từng ngày, từng ngày bên giường bệnh người mẹ trẻ này đã kiên trì, tỉ mẩn chỉ cho con học, cầm tay con tập viết, giúp con làm toán. Bây giờ cậu bé đã có thể ghép vần những từ đơn giản và làm được toán cộng, trừ 3 con số. Còn vẽ, không ai chỉ dạy. Thấy Khang thích chị Trò đã tìm giấy bút, làm giá vẽ cho con.
Từ năm 2014 đến nay, trên giường bệnh Khang nằm vẽ hàng trăm bức tranh về phong cảnh, về chó, mèo, chim muông, hoa lá… Lúc đầu nét vẽ còn ngây ngô, đơn điệu nhưng càng về sau càng cứng cáp và đến nay thì mỗi bức tranh dù không được chú thích nhưng đều có tiếng nói riêng.
Một bức tranh của Khang Ảnh: Bảo Văn (chụp lại)
Mẹ cháu Khang cũng là một điển hình về tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. 8 năm qua chị đã cần mẫn, tận tụy chăm sóc con, phối hợp rất tốt với y, bác sĩ, không để cháu Khang bị lở loét do phải nằm thường xuyên. Hiện nay, đối với bệnh teo cơ tỷ trên thế giới chưa có phương pháp nào điều trị để bệnh nhân bớt hoàn toàn, trở lại bình thường.
BS Phạm Văn Dũng
Hàng trăm bức tranh màu Khang nằm vẽ trên giường bệnh được nhiều người đón nhận, gìn giữ như gìn giữ niềm tin và sức sống mãnh liệt của mẹ con Khang.
Và đây là bản “dịch” nội dung Khang trả lời câu hỏi của tôi: “Cháu có vẽ bức tranh nào cho riêng mình không”: Dạ có! Cảnh đi chơi với bạn là mơ ước của cháu và cảnh chữa bệnh là lời cảm ơn của cháu dành cho các cô, chú bác sĩ đang chữa bệnh cho cháu là những bức tranh cháu vẽ cho riêng mình. Mai mốt cháu sẽ vẽ cảnh mẹ cháu chăm sóc cho cháu nữa. Khi hết bệnh cháu sẽ học làm họa sĩ.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Hồi sức - cấp cứu nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết: Cháu Khang là bệnh nhân đặc biệt, nhập viện khi chưa đầy một tuổi và ở luôn tại đây cho đến nay đã 9 tuổi, thể trạng phát triển bình thường như những cháu bé khác. Trong suốt 8 năm liên tục phải thở máy tuy đã 2 lần ngừng tim do viêm hô hấp, nhiễm trùng phổi nhưng sau khi được hồi sức cấp cứu cháu Khang đã trở lại bình thường. Đây là một trường hợp hiếm gặp không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, bởi lẽ chưa có bệnh nhân nào phải thở máy liên tục mà sống được trong thời gian dài như vậy. Có thể nói cháu Khang có nghị lực thật phi thường.
Nói về mẹ bé Khang, BS Dũng nhận xét thêm: Mẹ cháu Khang cũng là một điển hình về tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. 8 năm qua chị đã cần mẫn, tận tụy chăm sóc con, phối hợp rất tốt với y, bác sĩ, không để cháu Khang bị lở loét do phải nằm thường xuyên.
Theo BS Dũng, hiện nay, đối với bệnh teo cơ tỷ trên thế giới chưa có phương pháp nào điều trị để bệnh nhân bớt hoàn toàn, trở lại bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.