Mỗi năm, cứ đến những ngày cận Tết Trung Thu thì không khí tại các cơ sở sản xuất lân Hội An lại trở nên nhộn nhịp, nghệ nhân chế tác đầu lân tại đây phải tất bật với công việc cho kịp theo đơn hàng đã đặt từ đầu năm.
Những ngày này, khi đến với cơ sở làm lân sư rồng của anh Nguyễn Hưng tại P. Cẩm Hà, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi thấy rõ không khí sản xuất và mua bán đã nhộn nhịp hẳn lên. Từ phố cổ cho đến miền quê xa, những người mê chơi lân thường gọi anh Hưng với biệt danh khá gần gũi: “Ròm em đầu lân". Cứ đến những ngày cận Tết Trung Thu thì “Ròm em đầu lân” cùng những người thợ vô cùng bận rộn.
VIDEO: Nghề làm lân ở Hội An
Đầu lân và mặt ông địa đã được dán giấy chờ vẽ đường nét, hoa văn.
Tại đây, lân sư rồng được tất bật sản xuất từ đầu năm cho đến cuối tháng 7 âm lịch để kịp cho những đơn hàng đến từ mọi miền đất nước.
Hằng ngày cơ sở của anh Hưng có hơn 20 nhân công tất bật làm việc để kịp hàng.
Có kinh nghiệm hơn 25 năm làm đầu lân, những con lân anh Hưng làm ra nhìn đẹp mắt và đặc biệt chứa được cái hồn của một linh vật khiến những nhiều người mê tít. Bình quân hằng năm cơ sở anh Hưng sản xuất từ 2.000 đến 3.000 đầu lân các loại và hơn 1.000 mặt ông địa để xuất ra thị trường cả nước.
Tùy vào từng loại lân sẽ có giá bán khác nhau: lân đắp cốt có giá dao động từ 45.000 đồng đến 2 triệu đồng/sản phẩm. Giá bán của đầu lân bằng khung mây giao động từ 3 triệu đến 7 triệu/sản phẩm. Giá mặt ông địa cũng dao động từ 50 nghìn đến 250.000 đồng/sản phẩm.
Hình ảnh lân - sư - rồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng. Thế nhưng, mấy ai biết để có được những màn biểu diễn ấn tượng là cả một quá trình tập luyện khổ cực của những người theo nghề.
Vẽ những đường nét cơ bản, đặc biệt nhất là vẽ mắt bởi đây là công đoạn quan trọng giúp toát lên được cái hồn của linh vật.
Khi được hỏi về kinh nghiệm làm lân, anh Hưng chia sẻ: “Để làm được đầu lân, người làm nghề không chỉ khéo tay mà còn phải có năng khiếu nghệ thuật, từ khả năng pha màu cho tới những đường nét thanh mảnh khi vẽ. Nét vẽ sẽ mang cái thần thái nhất định và quan trọng nhất là đôi mắt của lân. Lân có mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành… đều được thể hiện qua đôi mắt. Do đó muốn thể hiện được cái hồn của một linh vật đòi hỏi người thợ phải làm bằng cả tâm hôn và cảm xúc của bản thân.”
Lân được phơi dưới nắng.
Để hoàn thiện một chiếc đầu lân phải mất hơn 3 ngày, với 6 công đoạn chính: làm khung mây tạo hình cho lân, dán giấy, dán vải, sơn phủ, sơn dạ quang; trang trí hoa văn, dán lông vũ và viền màu sắc để tạo điểm nhấn cho lân. Công đoạn cuối cùng là trang trí nội thất, đèn LED giúp lân bắt mắt hơn. Mỗi ngày trung bình anh Hưng làm được khoảng 5-6 đầu lân các loại và khoảng 12 mặt nạ ông địa lớn nhỏ.
Đầu lân và mặt ông địa nhìn rất bắt mắt.
Nhờ sự sáng tạo trong nghề làm lân nhằm cải tiến mẫu mã nên những năm gần đây sản phẩm đầu lân Hội An khá đắt hàng, doanh thu của gia đình anh Hưng mỗi năm khoảng 200 triệu. Các cơ sở làm lân kỳ vọng thời tiết trung thu năm nay được thuận lợi để việc tiêu thụ lân tăng hơn mọi năm.
Mỗi nghề nghiệp ở Việt Nam đa phần đều có tục lệ kiêng kỵ tâm linh riêng biệt. Tuy nhiên, đối với người Việt gốc Hoa chuyên múa lân - sư - rồng thì việc ăn thịt gà trống là điều đại kỵ.
Những đầu lân đã hoàn thành
Tết Trung Thu sắp đến, tiếng trống rộn ràng khắp nơi và lân sẽ xuất hiện từ thành thị đến thôn quê. Để trẻ nhỏ lại tô thêm vào bức tranh tuổi thơ những gam màu mới, để người lớn gợi nhớ biết bao kỷ niệm một thời đã qua, để những người chế tác lân sư rồng cảm thấy yêu nghề hơn khi những sản phẩm họ làm ra góp phần mang đến niềm vui cho mọi nhà.
Bình luận (0)