Lao động Việt Nam tại Angola liên tục bị cướp tấn công

25/09/2014 15:20 GMT+7

(TNO) Liên tiếp trong những tháng gần đây, nhiều lao động làm việc tại Angola bị cướp tấn công, đánh đập, sát hại dã man.

(TNO) Liên tiếp trong những tháng gần đây, nhiều lao động làm việc tại Angola bị cướp tấn công, đánh đập, sát hại dã man.

>> Cướp chém chết một lao động Việt Nam tại Angola
>> Khởi tố 2 kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động sang Angola
>> Đình chỉ hoạt động 6 tháng DN đưa lao động sang Angola trái phép
>> Thêm một người đi xuất khẩu lao động "chui" tử vong ở Angola
>> Chưa cấp phép tuyển lao động sang Angola
>> Hai lao động Việt Nam tử vong tại Angola
>> Vụ lao động bị sát hại: Đưa người sang Angola lao động chui

Ám ảnh nạn cướp bóc

Rạng sáng ngày 17.9, một toán cướp khoảng 5 - 6 tên đã tấn công một lán xây dựng của người Việt tại thành phố Luanda (Angola). Không chỉ cướp tài sản, gồm toàn bộ điện thoại, tiền của người lao động, những tên cướp hung hãn này còn chém trọng thương 5 người. Không may mắn, Nguyễn Văn Thế, sinh năm 1977 quê Yên Thành (Nghệ An) bị chấn thương sọ não và đã qua đời tại bệnh viện.

Theo gia đình nạn nhân, để sang Angola, anh Thế đã phải bỏ ra gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do đi bằng con đường bất hợp pháp, không có người thân nên không có ai đứng ra lo chi phí đưa anh về quê nhà. Chi phí lên tới hàng trăm nghìn USD. Cộng đồng người Việt tại Angola làm thủ tục gửi anh tại nhà xác bệnh viện kêu gọi quyên góp ủng hộ đưa thi hài anh về Việt Nam.

 Lao động Việt Nam tại Angola liên tục bị cướp tấn công
Thi thể của một lao động bị giết trong một vụ cướp - Ảnh do cộng đồng người Việt tại Angola cung cấp

Trước đó, ngày 26.8, một toán cướp gồm 4 tên đã tấn công 7 người Việt tại Camama 1 - Luanda khi nhóm anh em này vừa ăn cơm xong. Bọn cướp lấy đi toàn bộ điện thoại và tiền trị giá khoảng 4.000 USD. Rất may, các lao động không ai bị thương nặng.

Tình trạng cướp bóc tài sản xảy ra thường ngày khiến cho những lao động ở đây luôn trong tình trạng lo lắng. Liên lạc qua mạng xã hội, anh Hoàng Ngọc Anh quê ở Hà Tĩnh kể: “Chỉ trong một ngày tôi chứng kiến 2 vụ cướp. Buổi sáng khi đi ăn về đến cổng, tôi thấy 8 tên cướp có vũ trang đánh đập bảo vệ và hăm dọa hãm hiếp chị nấu ăn. Lấy đi tiền, điện thoại, laptop, máy móc trong xưởng... Chiều cùng ngày một toán cướp cũng trấn áp một người Việt vơ vét tài sản".

Một nạn nhân khác là anh Bảo Ngọc, quê Con Cuông (Nghệ An) cho biết: “Sống ở nơi đất khách quê người, ranh giới giữa sống và chết 50 - 50. Tôi bị bọn cướp đánh dã man, chúng dùng ổ khóa và chai nước đập vào đầu. Đau lắm, chẳng dám làm gì, chỉ biết chịu trận. Giờ trắng tay, muốn về cũng không được”.

 Lao động Việt Nam tại Angola liên tục bị cướp tấn công
Hung khí bọn cướp dùng để đánh đập anh Bảo Ngọc - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tình trạng cướp bóc tại Angola lên mức báo động. Theo trang Facebook của cộng đồng người Việt ở Angola, tại thành phố Luanda, chỉ trong trong tháng 5 và tháng 6.2013, đã xảy ra gần 5 vụ cướp, bắt cóc và thậm chí là giết người. Thủ đoạn của nhóm này thường là lừa nạn nhân ra khỏi nhà, hoặc lợi dụng sơ hở ập vào cướp. Tuy nhiên, do người Việt sang Angola đa phần đi theo con đường lao động “chui” nên chỉ biết âm thầm chịu đựng, không dám báo cáo cơ quan chức năng.

Thận trọng khi đi lao động tại Angola

Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện có gần 40.000 công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Angola.

Mặc dù đây là thị trường tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lại khá thận trọng khi khai thác thị trường này bởi tình hình an ninh khá phức tạp. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Vinaconex mec cho biết, trước đây công ty cũng nhận được những lời mời hợp tác, đưa lao động sang Angola. Tuy nhiên, khi thỏa thuận ký kết lao động dài hạn, chế độ bảo hiểm lúc ốm đau, bệnh tật phía đối tác không đảm bảo nên cho tới nay công ty vẫn chưa tiến hành đưa người sang Anglola. Thêm vào đó tình hình an ninh bất ổn khiến doanh nghiệp không dám mạo hiểm.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài cho hay: “Thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, những người sang Angola tìm việc bằng visa lao động chủ yếu được một số cá nhân người Việt tại Angola “mua lại” giấy phép lao động nước ngoài để nhập cảnh nhưng sau đó lại làm cho các cá nhân và doanh nghiệp không đứng tên trong visa bảo lãnh”.

Theo luật pháp Angola, các lao động này trở thành lao động bất hợp pháp và khi bị phát hiện đều tìm cách “chạy chọt” để không bị bắt và trục xuất. Bên cạnh đó, có nhiều công dân sang Angola bằng visa du lịch hoặc thăm thân và khi sang đến Angola thì tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ để ở lại kiếm việc làm.

Tháng 6.2013, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác sang Angola để khảo sát, đề xuất các biện pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam làm việc tại đây.

Để đảm bảo quyền lợi cho các lao động, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao thực hiện các biện pháp xúc tiến, khai thác thị trường này để đưa lao động sang làm việc một cách có tổ chức. “Tại kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Angola năm 2010, phía Việt Nam đã chính thức đề xuất Angola ký Thỏa thuận về hợp tác lao động để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc cung ứng và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Angola nhưng phía Angola chưa ủng hộ”, ông Quỳnh nói.

Ông Quỳnh khuyến cáo: “Lao động chui gặp rất nhiều rủi ro. Lao động chỉ nên đi theo con đường hợp pháp. Nếu không có hợp đồng, người lao động không nên đi. Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán tại Angola cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cổng thông tin điện tử về thực trạng tình hình cộng đồng lao động ta tại Angola để cảnh báo người lao động. Phối hợp với Bộ Công an để phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch cho người lao động về các điều kiện tại thị trường Angola và tổ chức đưa người lao động sang Angola trái pháp luật”. 

Chỉ có 4 doanh nghiệp thí điểm đưa lao động sang Angola

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, trong khi chờ hiệp định hợp tác lao động giữa 2 nước ký kết, Bộ LĐ-TB-XH đang tích cực tìm các biện pháp đưa lao động sang Angola hợp pháp và có tổ chức. Hiện Bộ đã cho phép thí điểm 4 doanh nghiệp (Công ty HLC, IMS, VTC Corp, OLECO) được đưa 300 lao động sang làm việc tại Angola. Bộ đang chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm các hợp đồng phù hợp với điều kiện thực tế tại Angola, với pháp luật hai nước và đảm bảo được quyền lợi cho người lao động để đưa lao động đi.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.