Từ một người chuyên đi bắt rắn nổi tiếng khắp Sài Gòn, gần 10 năm trước, lão nông Võ Văn Dũng (hiện 56 tuổi, ngụ Củ Chi, TP.HCM) chuyển sang nghề đào hang bắt chuột đồng. Với khả năng “nhìn hang, đoán chuột” của mình, ông Dũng một lần nữa nổi tiếng vì biệt tài bắt chuột đồng với số lượng lên đến hơn 100 con mỗi ngày.
Biệt tài bắt chuột
Sáng sớm một ngày giáp Tết, tôi theo ông Dũng ra một khu ruộng lúa đang chín vàng ở ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi. Ông Dũng nhỏ thó trong bộ áo rộng thùng thình, lấm lem bùn đất bước thoăn thoắt giữa cánh đồng. Vừa đi, ông Dũng vừa quay lại cười sảng khoái: “Tao sợ bây đi không nổi theo tao, tao dân nhà nông, tụi bây dân thành phố mà. Chừng nào mệt nói tao dừng lại nghỉ nha”.
|
Bỗng, ông dừng lại, nói: “Tao cá trong này có chuột. Bây coi nè”. Rồi ông Dũng đặt giỏ xuống, lấy cuốc đào theo dấu hang. Theo lời ông thì chuột mẹ thường đào hang sâu hoặc loằng ngoằng để sinh con. Để bảo vệ đàn con an toàn khỏi rắn, chuột mẹ thường đắp hang lại.
1 phút sau, ông Dũng đã cuốc đến tận trong cùng hang, đàn chuột đang bò lúc nhúc thấy ánh sáng thì kêu chít chít. Nắm đuôi từng con cho vô chiếc giỏ tre đan, ông Dũng cười khà khà: “Tao nói có sai đâu”.
|
Công việc bắt chuột không phải lúc nào cũng thuận lợi như thế, có những đoạn bờ dù phát hiện liên tiếp 4-5 hang, hang nào ông cũng hì hụi cuốc đất nhưng không thấy ổ chuột. Ông đoán, có thể bờ này có rắn nên các ổ chuột đều trống vắng.
|
|
Trong khoảng 3 tiếng buổi sáng, ông Dũng đã bắt được khoảng 150 con chuột, nhưng ông vẫn chưa vừa ý vì: “Nay mối quen đặt 200 con mà chưa đủ, nhưng lại gần tới giờ hẹn giao rồi, chắc phải chạy về”, ông Dũng nói.
Sắm vàng, chơi vé số thoải mái
Để vạch trước lộ trình cho công việc ngày hôm sau, mỗi buổi chiều ông Dũng thường chạy xe đi rọ đồng để tìm nơi lúa chín. Có bữa, ông đi cách nhà 20-30km, thậm chí có những lần ông còn chạy hơn 60km đi tới Tho Mo (Long An) để bắt chuột.
Hoạch định sẵn kế hoạch là vậy, nhưng ngày nào ông cũng dậy từ 3 giờ sáng, đeo theo chiếc giỏ tre, cái cuốc rồi “cưỡi ngựa sắt” của mình ra chợ uống cà phê chờ trời sáng, tranh thủ ủng hộ luôn những người bán vé số.
|
|
Cà phê, vé số đến tầm 5 giờ 30, ông bắt đầu chạy xe đến cánh đồng lúa chín, làm đến khoảng 9 giờ sáng thì về nhà bán chuột. Ngày nào khách cần gấp, ông cũng đi bắt thêm buổi chiều, nhưng ông bảo, làm vì đam mê nên mối quen năn nỉ dữ lắm ông mới đi thêm.
Ông Dũng tự hào: “Ngày trước rắn cả triệu một ký nên đi bắt, riết người ta bắt nhiều quá rắn còn có ba, bốn trăm nên tao bỏ qua nghề bắt chuột đồng. Mỗi con chuột con là 4.000 đồng, ngày nào bèo lắm cũng được 400 ngàn. Như hôm nay được 150 con là chắc chắn có 600 ngàn bỏ túi rồi nè. Ngày nào nhiều còn được 1 triệu rưỡi hoặc 1 triệu bảy”.
|
|
“Nói nghe, năm 2017, sắm được 15 chỉ, 2018 mua được 8 chỉ, 2019 thì vàng lên, mới mua được 2 chỉ. Tiền mình làm mình xài chứ có vay mượn của ai đâu nên vợ cũng vui vẻ. Bởi vậy nên quyết chỉ theo nghề này, không tội gì phải đi làm thuê, làm mướn cho ai cả”, ông tâm sự.
Quyết không truyền nghề
Nhiều người nghe danh ông Dũng bắt chuột giỏi, chạy tới tận nhà mong ông chỉ nghề để kiếm ít đồng nhưng ông không chịu vì cũng sợ bị giật mối như người ta hay nói: “Thà cho vàng, không ai dẫn đàng đi buôn”.
|
|
Nói về nghề bắt chuột của chồng, bà Trần Thị Nguyệt (52 tuổi, vợ ông Dũng) chia sẻ: “Chuyện của ổng ổng làm, cản cũng đâu được. Nay chuột nhiều nên bắt chuột được hơn, làm đủ ổng xài. Ngày trước ông bắt toàn rắn hổ mang về treo lên ở nhà nhìn ghê lắm, tôi toàn phải kêu ổng đi bán liền chứ nhìn ớn quá. Giờ ổng bắt chuột thì đứa cháu nhỏ cũng dám cầm chuột chơi luôn".
Ông Nguyễn Tấn Tài (40 tuổi, ngụ Hóc Môn) là khách quen của ông Dũng cho biết, mỗi lần mua 100 con. “Tôi mua của chú suốt 4 năm nay, từ nào giờ đến giờ bán 4.000 là vẫn đúng 4.000. Khi nào cần gấp cứ điện thoại chú là sẽ có ngay trong ngày. Chú là bắt chuột nổi tiếng Sài Gòn này luôn đó”, ông Tài nói.
Bình luận (0)