Mẹ bỏ con sơ sinh vì tin lời thầy bói và tháng ngày đòi lại con

17/07/2016 09:06 GMT+7

Đứa bé bị vờ bỏ rơi được ngã giá rồi chuyền tay nhiều người trước khi được đưa vào trại dành cho trẻ cơ nhỡ. Còn người mẹ sau gần 8 tháng trầy trật, giờ đang chờ ra tòa đòi con.

Trả lời chuyện cháu bé sơ sinh con chị Trân bị chị vờ bỏ rơi trước nhà em gái, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch xã Đông Phước, cho biết sau khi lập biên bản về đứa bé bị bỏ rơi trước nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Chi, tạm trú tại địa phương, UBND xã đã báo về Phòng LĐ-TB-XH H.Châu Thành, Hậu Giang, Trung tâm dân số KHHGĐ huyện và Trung tâm y tế huyện để giải quyết.
“Nghe cấp trên chỉ đạo phải đưa cháu bé về tỉnh nên chúng tôi không thể giao cho chị Nguyễn Thị Ngọc Chi, tức người đầu tiên tìm thấy cháu bé”, ông Hoàng phân trần.
Vào nhà giàu
Đứa bé được chuyển đi trong sự bức xúc của vợ chồng chị Chi, lúc đó chị cũng chưa biết đứa trẻ này chính là cháu mình. “Họ mời chúng tôi lên gặp một ban bệ hơn mười người, ai cũng làm nghiêm trọng, rồi yêu cầu vợ chồng tôi phải bàn giao em bé nếu không sẽ cưỡng chế, không cho ở địa phương. Mặc dù chúng tôi cam kết là đủ khả năng nuôi cháu nhưng họ nhất quyết không cho”, chị Chi ấm ức.
Ngay sau khi chuyển về H.Châu Thành, đứa bé được đưa qua Trung tâm y tế, rồi gửi tạm ở một nhà thuốc; sau đó chuyển đến nhà bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang, nuôi tạm. Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh xác nhận bà đã liên hệ với bà Xương vì biết bà Xương cũng đang muốn tìm con nuôi. “Tôi thấy vợ chồng Chi chỉ có sổ tạm trú ở xã Đông Phước, điều kiện kinh tế cũng không khá, lại có con nhỏ nên thấy đưa vào nhà bà Xương sẽ tốt hơn”, bà Oanh phân trần.
Bất ngờ phút... 89
Cháu bé ở nhà bà Xương được hơn 1 tháng và chỉ còn đúng 1 ngày nữa, thủ tục nhận con nuôi chính thức sẽ hoàn tất, thì mẹ ruột bé là Nguyễn Thị Huyền Trân xuất hiện. Sau đó, chị Trân nhiều lần đến nhà bà Xương gào khóc để xin gặp con, nhận con, nhưng bà Xương không dám giao vì giấy tờ chứng sinh và CMND của chị Trân đưa ra không khớp. Chị Trân gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, lặn lội ra Hà Nội gõ cửa các cơ quan T.Ư.
Đặc biệt, sau khi tìm hiểu đúng là chị Trân từng mượn CMND của Nguyễn Thị Thúy An để làm hồ sơ xin việc rồi khai trong giấy chứng sinh, trong một cuộc điện thoại với chị Trân, ông Phạm Văn Thuận, chồng bà Xương, đã đề nghị chị Trân nhường lại quyền nuôi đứa bé, đổi lại sẽ giúp chị có tiền để trị bệnh, nhưng chị Trân từ chối. Cuối cùng, vợ chồng bà Xương cũng xin trả lại cháu bé cho Trung tâm y tế và Phòng LĐ-TB-XH H.Châu Thành. Rời nhà bà Xương, đứa trẻ được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hậu Giang, nhưng ở đây không nhận trẻ từ 0-6 tuổi. Cháu lại được gửi lên Trung tâm CTXH Cần Thơ với hồ sơ trẻ bị bỏ rơi không ai nhận nuôi.
Khởi kiện đòi con
Trung tâm CTXH Cần Thơ có lẽ là nơi bị “vạ lây” nhất trong vụ việc này khi bỗng dưng bị khởi kiện ra tòa. “Khi phía Hậu Giang chuyển hồ sơ lên là trẻ bị bỏ rơi không người nuôi dưỡng, trung tâm tiếp nhận bình thường. Sau đó chúng tôi mới biết là cháu đang bị tranh chấp”, ông Bùi Đức Trung, Phó giám đốc trung tâm, nói.
Đến tháng 4.2016, chị Trân gửi đơn khởi kiện Trung tâm CTXH Cần Thơ ra TAND Q.Ninh Kiều để xác định mẹ cho con và quyền nuôi con. Lúc này, cơ quan pháp y tỉnh Hậu Giang mới lên hỗ trợ lấy mẫu thử ADN. Kết quả ADN (ngày 6.6) đã chứng minh chị Trân là mẹ ruột cháu bé. Tưởng như từ đây câu chuyện sẽ dễ dàng vì chỉ cần có đơn của người mẹ, chứng nhận của địa phương, Phòng LĐ-TB-XH H.Châu Thành cùng lên là có thể bàn giao cháu cho mẹ. Tuy nhiên, khi Trung tâm CTXH Cần Thơ hướng dẫn chị Trân làm đơn, về địa phương xác nhận thủ tục nhận con thì lại bị địa phương từ chối.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh nói: “Do chị Trân thưa kiện ra T.Ư nên bây giờ dù có kết quả ADN cũng phải chờ công an điều tra rồi tỉnh quyết định”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Đông Phước, nói: “Sau khi đưa đứa bé ra đến huyện thì xã đã hết trách nhiệm rồi”. Trước tình cảnh này, Trung tâm CTXH Cần Thơ đã hướng dẫn Trân nhờ đại diện Tòa án Q.Ninh Kiều bảo lãnh để trung tâm làm giấy tạm bàn giao cháu bé cho mẹ chăm sóc, chờ ngày ra tòa.
Sau 232 ngày, chị Trân đã được thoải mái ôm ấp con mình nhờ tấm giấy tạm giao trên. Tuy nhiên, ngày 18.7 sắp tới, chị Trân sẽ phải ra tòa để dự phiên xét xử xác định quyền nuôi đứa con của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.