Mẹ Việt lý giải vì sao phụ huynh Nhật cho con tự đến trường từ nhỏ

29/03/2017 12:36 GMT+7

Sau vụ việc đau lòng bé Nhật Linh học sinh lớp 3 bị bắt cóc và giết khi đang tới trường, hẳn nhiều người Việt Nam đặt dấu hỏi tại sao phụ huynh bên Nhật hay cho con mình tự đến trường dù bé còn nhỏ? Sau đây là lý giải của một bà mẹ Việt đang sống bên đó.

Nếu bạn sống ở Nhật chắc hẳn sẽ thường chứng kiến cảnh các em học sinh cấp một nhỏ bé đội mũ cùng màu, đeo những chiếc cặp to giống nhau, nối đuôi nhau tới trường mà không có phụ huynh đưa đón.
Ở Nhật, việc trẻ em cấp một, cấp hai tự đi bộ đi học hay đi tàu điện tới trường là chuyện diễn ra thường ngày không có gì đặc biệt cả.
VIDEO: Bé gái Việt 9 tuổi ở Nhật bị chết sau 2 ngày mất tích

tin liên quan

Vì sao trong thiên tai, người Nhật vẫn xếp hàng bình thản như vậy?
Cuối tháng 11 vừa qua, ở các tỉnh phía đông Nhật Bản đã xảy ra trận động đất lớn kèm theo cảnh báo sóng thần, nơi mà 5 năm trước đã xảy ra thảm hoạ kép lịch sử. Dù đang ở trong tình cảnh khẩn cấp thì họ vẫn bình tĩnh đi lánh nạn chứ không hề chen chúc xô đẩy.
Thế nhưng ở các nước Mỹ, Châu Âu hay Việt Nam thì chuyện đó lại rất hiếm thấy bởi vì an ninh và giao thông không đảm bảo khiến trẻ đi học một mình có thể bị bắt cóc, tai nạn.
Sau vụ việc đau lòng vừa qua là bé Nhật Linh học sinh lớp 3 bị bắt cóc và giết khi đang tới trường, hẳn nhiều người Việt Nam đặt dấu hỏi tại sao phụ huynh Nhật lại để con mình tự đến trường như vậy? Bản thân tôi cũng phải tự hỏi mình sau này có dám để con tới trường một mình như thế hay không?
Xã hội Nhật, các bậc phụ huynh Nhật để con nhỏ của mình tự tới trường từ trước đến nay có rất nhiều lí do.
Thứ nhất, Nhật Bản là đất nước gần như an toàn nhất thế giới, nơi mà người ta đi ra khỏi nhà còn không phải khoá cửa, rất ít khi có trộm cắp, móc túi, cướp giật, tỉ lệ tội phạm ở Nhật so với các quốc gia khác cũng rất thấp.
Thứ hai, trẻ em được khuyến khích tự lập từ nhỏ, tự mình làm mọi việc của mình trong phạm vi có thể, lên lớp Một nghĩa là trẻ đã lớn, nếu trường không quá xa nhà và đi lại không quá khó khăn thì trẻ đi tới trường một mình cũng thể hiện sự trưởng thành (so với hồi học nhà trẻ và mẫu giáo bố mẹ đưa đi đón về).
Thứ ba, điều kiện làm việc của nhiều gia đình không cho phép họ có thể đưa đón con tới trường. Nếu cả bố và mẹ đều đi làm giờ chính quy và phải đi tàu tới công ty ở xa nhà thì việc bố mẹ phải ra khỏi nhà trước khi trẻ đi học và về nhà sau khi trẻ tan học là phổ biến.
Trẻ thường đi học khoảng 8 giờ sáng và tan học vào khoảng 15 giờ chiều. Vì thế nếu bố mẹ cùng đi làm trọn thời gian thì không ai bỏ việc đi đón con về được. Dù xong việc sớm thì bố mẹ cũng phải 18 - 19 giờ mới về đến nhà.
Hoạt động đi học tập thể của trẻ ở thành phố Sizuoka
Vì 3 lý do trên mà việc trẻ nhỏ tự mình đi học ở Nhật là cực kỳ bình thường. Để trẻ có thể tới trường an toàn, các trường học và địa phương khuyến khích trẻ đi học theo từng nhóm nhỏ dưới 10 người.
Bình thường là khoảng 5-6 em. Các nhóm nhỏ này là các em học sinh cùng tuổi quen nhau hoặc các em học sinh khác độ tuổi để em lớn hướng dẫn em nhỏ hơn như học sinh lớp 5 bảo ban các em lớp 1.
Bằng việc đi học theo nhóm này, các em nhỏ được rèn kĩ năng sinh hoạt cộng đồng và việc đúng giờ từ khi còn nhỏ.
Hơn nữa, có những đoạn đường, khung đường dành riêng cho trẻ tới trường. Khung đường này thường có vạch ngăn cách hoặc song chắn với làn xe cộ để trẻ có thể đi nối đuôi nhau an toàn mà không bị tai nạn. Mặt khác, trên khung đường tới trường, cũng có nhiều người tình nguyện của địa phương hay nhân viên an ninh đứng hướng dẫn giao thông và canh chừng sự an toàn của trẻ.
Mọi việc từ rất lâu nay đều diễn ra như vậy. Đáng tiếc là vụ việc đau lòng vừa qua đối với bé Nhật Linh đã xảy ra.
Và không phải bất cứ lúc nào trẻ cũng có thể đến trường theo nhóm được (khi trẻ đi muộn hơn nhóm chẳng hạn, trẻ sẽ phải đi một mình; hoặc bạn đi học cùng bị ốm phải nghỉ ...) Vụ việc bé Linh bị bắt cóc là một ví dụ đáng buồn khiến nhiều người suy nghĩ và lo lắng.
Mẹ của đồng nghiệp tôi là một bà nội trợ dù trước đây học vấn rất cao và từng đi làm ở ngân hàng lớn nơi mà nhiều phụ nữ khác mơ ước. Thế nhưng sau khi có con, bà đã bỏ việc và lui lại để chăm sóc gia đình.
Bà có thể nấu những bữa ăn ngon và hàng ngày đưa con đến trường được. Đồng nghiệp của tôi nói rằng, hồi bé, mỗi khi đi học về có mẹ ở nhà là thấy thật ấm áp hạnh phúc.
Thế nhưng, những gia đình bố mẹ cùng đi làm chính quy thì không thể đưa đón con và ở nhà khi con tan học như thế. Vậy mới biết, đưa được con đến trường ở Nhật là cả một sự hi sinh của bậc phụ huynh.
Nước Nhật với lực lượng lao động đang giảm đi nhanh chóng do dân số già hoá đang khuyến khích cao độ phụ nữ tiếp tục đi làm sau khi có gia đình và con nhỏ.
Nhưng với tình trạng nguy hiểm rình rập con trẻ đang ngày một tăng lên như hiện nay thì việc người mẹ phải lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp vẫn còn là một câu hỏi khó chưa có lời đáp viên mãn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.