Người Việt tại Nhật đón tết theo lịch dương

28/01/2017 10:31 GMT+7

Năm hết, tết đến là dịp để người người nhà nhà sum họp với nhau. Tuy nhiên, khác với một vài nước ở Châu Á thì Nhật Bản lại ăn tết theo lịch dương chứ không phải lịch âm.

Có gì khác ở cách đón chào năm mới của những người con xa xứ, những kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản?
Tết tại xứ sở mặt trời mọc
Cũng như khắp nơi trên thế giới, tại Nhật người dân cũng đón năm mới cùng người thân và gia đình. Đây là dịp để những người con đi làm xa quê, những ông bố phải đi công tác xa nhà, nườm nượp về quê nhà để sum họp với gia đình hoặc có những gia đình cùng nhau đi du lịch xa vào kỳ nghỉ tết dài ngày.
Do đó, không khác gì Việt Nam, vào thời gian này các nhà ga tàu điện, sân bay hầu như bị quá tải.
Tiết mục múa lân ở buổi tiệc đón tết âm lịch
Tại các ngôi nhà vào thời điểm này, các thành viên trong gia đình cùng nhau xắn tay lên để dọn dẹp trang hoàng lại nhà cửa chuẩn bị đón năm mới. 
Trước cửa nhà vào dịp năm mới người Nhật thường hay treo vòng tròn Shimekazari được tết bằng rơm mang ý nghĩa may mắn nằm ở trong những sợi rơm, hy vọng sẽ đón được những vị thần vào nhà và thần sẽ không đi ra ngoài được.
Ngoài ra, người Nhật còn trang trí tháp bánh nếp mochi - Kagamimochi ở những nơi trang trọng, bắt mắt (Kagami có nghĩa là chiếc gương).
Ngày xưa những chiếc gương được làm bằng đồng dày cộm chứ không mỏng như bây giờ. Do đó người dân tại đất nước Mặt trời mọc đã tạo hình chiếc gương từ bánh mochi làm bằng gạo nếp.
Hai chiếc bánh được xếp chồng lên nhau, trên cùng là một quả quýt. Nó tượng trưng cho nơi cư ngụ của các vị thần khi họ ghé thăm nhà vào dịp đầu năm mới.
Vào ngày cuối năm, mọi người sẽ cùng nhau đi mua sắm và làm thức ăn để dành ngày tết. Họ sẽ cùng nhau quây quần làm mochi (một loại bánh dày của Nhật), dùng để làm Kagamimochi hoặc nấu món súp Zouni vào ngày mùng 1.
Nhưng hiện nay hầu như các bà nội trợ trẻ đều mua mochi khô làm sẵn trong siêu thị để nhanh chóng và tiện lợi hơn. Siêu thị hoặc khu mua sắm vào thời điểm này cũng đông đúc tấp nập người ra người vào mua sắm tết.
Tháp bánh nếp Kagamimochi Ảnh: Nhiêu Trang
Vào ngày 31 cuối năm, cả gia đình sẽ cùng ăn mì soba gọi là Toshikoshi Soba (hay còn gọi là mì trường thọ) với mong muốn tuổi tác sẽ được kéo dài như những sợi mì, mì Soba là loại mì dễ đứt nên người Nhật cũng hy vọng những điều xui xẻo, không may mắn trong năm cũ sẽ được cắt đứt như sợi mì.
Nơi mình ở là Hokkaido, khác so với các vùng còn lại của nước Nhật, thay vì ăn vào mùng 1 tết như phong tục ở những nơi khác thì vào tối ngày 31 cuối cùng của năm, gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức Osechi (món ăn ngày tết ) hoặc là Sushi, cùng nhau uống rượu Sochu, Sake đặc trưng của Nhật Bản...
Những món ăn trong khay Osechi đều mang các ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như món đậu đen hầm ngọt có ý nghĩa cầu mong cho gia đình trong năm luôn mạnh khoẻ, món trứng cá Kazunoko mang ý nghĩa mong muốn có em bé trong năm mới hoặc món tôm với ý nghĩa hy vọng người già trong gia đình có thể sống lâu, sống thọ dài như những chiếc râu tôm...
Trong thời khắc giao thừa hoặc sáng ngày mùng 1, mọi người sẽ cùng nhau đi đền chùa gọi là Hatsumoude (đi chùa đầu năm) để xin lộc may mắn và xin quẻ xăm Omikuji cho chính mình.
Nếu quẻ bói tốt người ta sẽ đem về bỏ ví mang theo bên người, tuy nhiên nếu xin nhầm quẻ xăm xấu thì hầu như đều cột lá xăm đó vào lại những cành cây ở ngay chỗ xin xăm.
Khay món ăn ngày tết Osechi Ảnh: Nhiêu Trang
Ở Nhật cũng có phong tục tặng tiền lì xì mừng tuổi. Ông bà, cha mẹ sẽ lì xì cho các bé nhỏ vài nghìn Yên, thông thường là 5000¥ (cỡ 1 triệu đồng Việt Nam). Các bé sẽ để dành để mua truyện tranh hoặc đồ chơi cho mình.
Vào thời điểm cuối năm hoặc đầu năm mới, khi vào các khu trung tâm mua sắm, mọi người có thể mua những chiếc túi Fukubukuro (hay còn gọi là túi Phúc). Có đủ các loại giá khác nhau, từ vài nghìn Yên cho đến vài chục nghìn. Tuỳ theo mỗi cửa hàng mà trong túi đấy có chứa món hàng gì. Ví dụ như cửa hàng thời trang thì trong túi có chứa quần áo, giỏ xách. Cửa hàng bánh kẹo, đồ chơi, quà lưu niệm thì trong túi chứa những thứ liên quan có bán trong cửa hàng.
Điều đặc biệt ở đây là khách hàng không hề biết trong chiếc túi có chứa món đồ gì, và giá trị các món hàng trong túi hầu như cao hơn so với số tiền các bạn bỏ ra để mua túi Phúc. Cũng giống như trò chơi may mắn, có khi sẽ mua được chiếc túi có món đồ mình thích tuy nhiên có thể bạn sẽ chọn mua nhầm túi có những món mà mình không cần đến.
Ở những khu mua sắm hàng hiệu cao cấp còn có những chiếc túi Fukubukuro lên đến vài trăm man (khoảng vài trăm triệu đồng), chủ yếu nhắm vào khách hàng là khách du lịch nước ngoài như người Trung Quốc, vì giới nhà giàu Trung Quốc rất thích sang Nhật mua sắm.
Túi Fukubukuro mua ở cửa hàng đồ chơi Ảnh: Nhiêu Trang
Đến hôm 7.1 sau kỳ nghỉ tết, mọi nhà sẽ nấu món cháo 7 loại rau để ăn. Phong tục này bắt nguồn từ Trung Quốc ngày xưa, sau những ngày đầu năm ăn uống quá nhiều, cơ thể, bao tử sẽ trở nên mệt mỏi không tiêu hoá tốt, do đó họ sẽ nấu món cháo có tất cả 7 loại rau dùng để giải độc cơ thể, một phần món ăn cũng mang ý nghĩa mong muốn cả năm sẽ được mạnh khoẻ, không mang bệnh tật.
Bảy loại rau dùng để nấu cháo ngày 7/1
Bảy loại rau dùng để nấu cháo ngày 7.1 Ảnh: Nhiêu Trang
Tết của những người con xa xứ tại Nhật Bản
Đối với kiều bào, những người con xa xứ thì đến dịp tết âm lịch, trong lòng mỗi người đều mong mỏi hy vọng có thể được về Việt Nam, cùng gia đình đón năm mới. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để hằng năm đều được về đón tết với người thân.
Do đó vào dịp tết âm lịch, hội người Việt xa xứ ở Nhật thường tổ chức một buổi giao lưu đón năm mới theo phong tục truyền thống. Lúc ấy mọi người có thể cùng nhau đăng ký tham dự để thoả nỗi nhớ về không khí, cái tết ở quê nhà.
Hội người Việt Nam ở Hokkaido - Nhật Bản cùng nhau đón tết âm lịch
Hội người Việt Nam ở Hokkaido - Nhật Bản cùng nhau đón tết âm lịch
Tùy theo khả năng, từng người có thể góp sức mình vào khâu chuẩn bị cho buổi tiệc. Chẳng hạn ai có khả năng nấu nướng thì giúp vào khâu nấu ăn, chuẩn bị những món mang đậm hương vị Việt Nam như bánh chưng, giò chả, phở, nem cuốn....
Có năng khiếu ca hát, nghệ thuật thì cũng có thể đăng ký một chân vào đội văn nghệ góp vui cho buổi tiệc. Trong thời gian tổ chức tiệc còn có múa lân, trò chơi dân gian, tặng lì xì cho các em nhỏ...
Tất cả đều mang đậm màu sắc tết cổ truyền Việt Nam, làm cho những con người xa xứ có thể ấm lòng hơn một chút vào mùa xuân lạnh lẽo ở xứ sở mặt trời mọc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.