Người Việt sốc khi thấy dân Nhật gom rác và bỏ rác

16/08/2016 09:32 GMT+7

Khi bắt đầu cuộc sống ở đất nước mặt trời mọc, điều làm tôi ngạc nhiên nhất không phải là phong cảnh thiên nhiên, hoặc tính cách của con người nơi đây, mà từ việc vứt rác.

Rửa sạch trước khi vứt
Ai chưa từng qua Nhật có lẽ sẽ nghĩ việc ấy có gì đâu mà phải ngạc nhiên. Thế nhưng thực chất nó không hề đơn giản.
Nơi đầu tiên tôi sống là một căn hộ chung cư nhỏ với phòng cỡ 24 mét vuông , đồ đạc phải rất hạn chế để không chiếm mất không gian của phòng, vậy mà số thùng đựng rác lại chiếm diện tích không hề nhỏ trong căn hộ.
Vỉ đựng thức ăn sau khi dùng xong đã được rửa sạch
Ban đầu tôi ngạc nhiên lắm, không hiểu sao trong nhà đã có hai thùng rác to tướng mà ông xã lại lên mạng tìm mua thêm vài thùng nữa . Thế là tôi được giải thích mỗi loại rác sẽ đựng vào một thùng khác nhau, chứ không phải muốn vứt như thế nào thì vứt theo kiểu Việt Nam.
Đến đây tôi được học luôn về cách phân loại rác. Gồm có: rác cháy được, rác không cháy được, rác nhựa nilon, chai lọ gia vị tái chế, lon bia lon nước ngọt, chai nước bằng nhựa, rác cỡ to, thùng carton, báo, tạp chí, hộp sữa giấy, cành nhánh cây và nhiều loại khác nữa .
Nhà tôi có tổng cộng năm thùng rác là do tôi tiết kiệm không muốn mua thêm vì có vài loại rác ít thải ra, nên tôi cho vào túi riêng biệt và đựng chung vào thùng rác loại "Không đốt được".
Thật sự thì mấy hôm đầu việc vứt rác đối với tôi thật phiền phức, thậm chí đến bây giờ khi đã sống ở Nhật hơn bốn năm thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đó là việc rắc rối. Có ai từng nghĩ muốn vứt rác thì phải rửa sạch rác đấy rồi mới vứt không? Đó là điều hiển nhiên đối với rác tái chế ở Nhật.
Ví dụ bạn mua hộp cơm hoặc vỉ thức ăn trong siêu thị, khi dùng xong thì những vỉ, hộp nhựa ấy phải được rửa sạch, để khô ráo xong mới được vứt vào thùng rác. Lý giải cho việc này đó là rác nhựa tái chế nên phải làm sạch trước khi vứt đi, để khi gom rác về dễ dàng tái chế lại món khác.
Chai nhựa uống nước cũng phải súc sạch trước khi vứt, nắp chai và bao bì là rác nhựa tái chế, còn chai thì theo loại rác chai lon riêng biệt. Sữa, nước trái cây trong hộp giấy sau khi dùng xong cũng phải được súc bằng nước sạch, để khô ráo rồi cắt dẹp ra .
Còn đối với rác cháy được là thức ăn thừa, vải vóc, giấy vụn (không phải giấy báo hay tập sách nhé vì đấy là loại rác khác), bỉm em bé… cũng phải gom gọn gàng sạch sẽ.
Như thức ăn thừa, phải cho chảy hết nước bẩn ra, cho vào túi nilon nhỏ, buộc chặt kín để không có mùi rồi mới được vứt vào túi rác ở nhà. Đến đúng ngày vứt rác thì gom vào túi rác đã quy định và đem ra.
Túi rác quy định ở đây là mỗi nhà phải tự mua trong siêu thị hoặc shop tiện lợi. Có loại túi 5L,10L, 20L, 30L và 40L.
Thay vì ở Việt Nam chúng ta phải đóng tiền rác hàng tháng thì bên Nhật phải mua loại túi được quy định cho từng vùng để gom rác, mỗi loại rác là một màu túi khác nhau.
Học cách vứt rác
Sau việc phân loại là vứt rác. Ở Nhật không phải bạn muốn vứt đâu hoặc giờ nào tùy thích. Mỗi thành phố, mỗi khu vực có lịch và địa điểm vứt rác khác nhau.
Đây là túi rác được quy định ở nơi tôi sống, trên túi có ghi rõ hướng dẫn cách buộc sao cho gọn gàng, không được để nước đọng lại trong rác thức ăn, rác trong túi không được chìa ra ngoài, phải vứt rác trước 8 giờ 45 phút sáng.
Thường phải đem rác đi vứt trước 8 giờ 45 phút sáng, vì sau đấy là đến giờ xe đi gom rác, không vứt được nữa.
Người ta chia ra các ngày trong tuần ứng với từng loại rác riêng biệt, hoặc có những tuần đặc biệt, xe rác của khu phố sẽ đi lấy rác tái chế như thùng carton, đồ điện tử cũ nhỏ, lon bia, sách báo... Nếu bạn vứt rác sai ngày quy định thì xe rác sẽ không mang túi đó đi.
Mỗi khu phố có nhiều điểm tập kết rác, tuy nhiên bạn phải đem rác để đúng nơi quy định của nhà mình, chứ không được đem đến chỗ khác dù rất gần với nhà mình.
Nếu bác tổ trưởng khu phố là người hiền lành dễ chịu thì thỉnh thoảng họ sẽ cất giúp bạn túi rác đã vứt sai quy định, đến ngày họ đem đi vứt giúp. Tuy nhiên nếu gặp người khó tính hoặc bạn vứt sai nhiều lần thì họ sẽ đến tận nhà bấm chuông để khiển trách, rất ngại và phiền phức đúng không?
Do việc vứt rác phức tạp đến thế nên thỉnh thoảng tôi có vài buổi phiên dịch cho các bạn tu nghiệp sinh mới từ Việt Nam sang, nguyên cả buổi học chỉ để giải thích về vấn đề phân loại và vứt rác dưới sự hướng dẫn của người ở toà thị chính thành phố. Nếu ai chưa rõ vấn đề nào thì đến toà thị chính để lấy cuốn sách về cách phân loại và lịch để vứt rác.
Nhọc nhằn đồ nội thất cũ
Ở Việt Nam, những món đồ điện tử to, ghế sofa, tủ bàn ghế , giường nệm… nếu chúng ta không dùng nữa thì có thể bán sắt vụn, đồng nát, mỗi dịp cuối năm hoặc dọn nhà cũng kiếm được số tiền kha khá.
Tuy nhiên ở Nhật, để vứt đi các vật dụng ấy, bạn phải trả số tiền không nhỏ tuỳ theo kích thước vật dụng. Do tính chất công việc nên vợ chồng tôi có vài lần chuyển chỗ ở. Và mỗi lần chuyển nhà đối với tôi là một cực hình do không thể mang theo hết nên những thứ không cần thiết đều phải vứt đi.
Nhớ lần chuyển nhà cuối cùng để về nhà riêng, ngoài số rác được quy định theo ngày thì các vật dụng to như tủ giường cũ, bàn ghế... Chúng tôi phải vứt đến gần 400kg và mất hơn một tháng để phân loại rác đem đi vứt.
Khu vực vứt rác của khu phố nơi tôi ở
Tại sao tôi biết được chính xác khối lượng rác như vậy? Đó là do những loại rác to không thể vứt theo ngày quy định, số rác này vợ chồng tôi phải tự chở đến công ty vệ sinh môi trường. Khi đến cổng công ty phải khai nơi ở, số điện thoại, bảng số xe (phải đúng thành phố đang ở thì mới được mang đến ), loại rác muốn vứt rồi người ta mới cân nguyên chiếc xe hơi của mình, sau đó mở cổng cho mình đi đến đúng chỗ rác muốn vứt.
Khi bỏ rác từ trên xe xuống, chúng tôi phải quay lại cổng ban đầu vào, cân lại chiếc xe. Lấy khối lượng xe ban đầu trừ đi khối lượng xe sau khi bỏ rác xuống thì ra được số rác đã vứt để họ tính tiền.
Thế nhưng, giờ đã ở nhà riêng hơn hai năm mà bộ ghế sofa cũ và cái nệm cũ vẫn còn ở trong kho. Lý do là nếu muốn vứt những món đồ có lò xo bên trong, bạn phải lấy được lò xo ra trước khi đem vứt, lò xo phải vứt riêng.
Đối với tủ, giường to nếu xe không chở được đến công ty rác thì phải đến toà thị chính của thành phố (như uỷ ban phường, thành phố ở Việt Nam) để mua phiếu, tuỳ vào giá tiền và kích cỡ rồi dán lên đồ vật muốn vứt, gọi điện thoại hẹn ngày, công ty thu gom rác sẽ cho xe tải đến khuân.
Nhật cấm việc đem rác đi vứt chỗ không người, ven đường, trên núi, trong rừng ... và tuyệt đối không được đốt rác sẽ làm ô nhiễm môi trường và hoả hoạn.
Nếu bị phát hiện bạn sẽ bị cảnh sát phạt hành chính và cảnh cáo . Do đó người Nhật thực hiện vấn đề vứt rác rất nghiêm.
Những nơi như công viên, lễ hội , chỗ cắm trại... người dân có ý thức rất cao về vấn đề này. Dù lễ hội to và đông đúc cỡ nào, mọi người vui chơi say xỉn đến đâu thì khi ra về tất cả đều gom sạch sẽ đem đi vứt ở thùng rác công cộng hoặc đem về nhà nếu chỗ đấy không đặt thùng rác.
Tuy nhiên bên Nhật rất hiếm thấy thùng rác công cộng đặt ở ngoài đường , có chăng là những thùng rác nhỏ đặt trước cửa siêu thị hoặc shop tiện lợi dành cho khách mua hàng, còn lại hầu như mọi người đều mang về nhà vứt.
Lúc mới sang Nhật tôi nghĩ ở bên đây thật buồn cười khi mà đi chơi lại gom rác về nhà, nhưng bây giờ tôi thấy đó là chuyện đáng khen, đánh giá được ý thức của người dân.
Cũng chính vì vấn đề vứt rác khắt khe đến vậy nên đường phố của Nhật rất sạch sẽ và hiếm thấy rác vứt bừa bãi, các loại rác đều phân chia rõ ràng riêng biệt nên không ô nhiễm môi trường. Hy vọng Việt Nam cũng làm được để khi khách nước ngoài đặt chân đến sẽ có cái nhìn tốt hơn về đất nước và con người chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.