Một nửa đóa hồng vay mượn?

28/02/2020 09:12 GMT+7

Người đàn ông thường ví vẻ đẹp của phụ nữ mình yêu với một đóa hồng. Năm tháng qua đi, từ người yêu trở thành vợ, từ người vợ trở thành mẹ. Liệu đóa hoa hồng có còn trọn vẹn?

Ngày 8.3 và câu chuyện một nửa đóa hồng

10 năm hôn nhân, chị Thanh Thủy đều đặn được nhận hoa hồng và quà từ anh Thiên chồng chị vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3. Quà “vật chất” của anh khá dễ đoán: trang sức, thời trang, đồ gia dụng hỗ trợ giúp việc nấu nướng… Vậy nên năm nay, khi nghe chồng gợi ý muốn tặng một món quà tự chọn đặc biệt cho ngày 8.3: “Hãy chọn món quà có thể giúp em biến ước mơ của riêng mình thành hiện thực”, Thủy thoáng giật mình, xúc động và bối rối...
“Tôi từng ấp ủ ước mơ đi học vẽ, được lang thang trên các nẻo đường để vẽ tranh... Lập gia đình rồi sinh con, tôi phải gác lại đam mê đó. 10 năm qua, buồn vui của tôi xoay quanh 3 bố con… Có những lúc ước mơ trở về trong tôi, nhưng rồi công việc lại cuốn tôi đi”. Thủy kể với nụ cười buồn. Trước câu hỏi của chồng, Thủy nhận ra lâu nay dường như chị đã bỏ quên chính mình, làm hậu phương vững chắc cho chồng con…
Cảm giác “quên” chính mình có lẽ không hiếm gặp ở những người mẹ trẻ: bước vào hôn nhân, có người vì hoàn cảnh phải tạm quên đi ước mơ thời con gái; không ít người chủ động xếp đam mê vào ngăn tủ nào đó của ký ức, tập trung cho vai trò thiên chức… Cách đây 18 năm, chị Thúy Hạnh (46 tuổi) từ bỏ công việc ở một công ty du lịch để làm vợ, làm mẹ toàn thời gian. Thành quả của sự chọn lựa đó rất đáng giá: chồng chị liên tục thăng tiến, con gái được học bổng du học Mỹ. Khi xa con nửa vòng trái đất, chị nhận ra cuộc sống của mình chỉ gói gọn trong nỗi thấp thỏm mong tin con và chờ cơm chồng mỗi tối... “Tôi chợt nhận ra mình có cuộc sống vay mượn cảm xúc. Hạnh phúc của tôi phụ thuộc quá nhiều vào niềm vui của con, của chồng”, chị Hạnh thú nhận. Giờ đây thật khó khăn khi chị phải ra khỏi “lãnh địa” thiên chức, tự tạo niềm vui và ý nghĩa đời sống cho riêng mình.

Liệu nửa đóa hồng có bao giờ trọn vẹn?

Các chuyên gia hôn nhân gia đình từng nhận định: đàn ông yêu và cưới một người phụ nữ là vì sức hấp dẫn toát lên từ hình thức và tâm hồn, thậm chí cả đam mê và khát vọng của cô ấy - sức hấp dẫn đó được ví như vẻ đẹp toàn vẹn của một bông hồng. Xét ở góc độ ấy, nhiều người có phần đồng ý rằng nếu cuộc đời phụ nữ trong hôn nhân chỉ còn lại những vai trò, trách nhiệm với gia đình, cũng giống như đóa hồng dần mất đi vẻ đẹp toàn vẹn của chính nó.
Bàn về vấn đề này, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng việc xếp lại những đam mê để toàn tâm cho nghĩa vụ thiên chức có thể xem là sự hy sinh rất lớn ở phụ nữ, một điều đáng tiếc mà chính quan điểm cũ kỹ về thiên chức phái nữ của nam giới có lẽ đã “góp phần” không nhỏ vào quyết định ấy. “Khi làm cha, tôi quan sát việc người mẹ chăm sóc con thật bận rộn và thật vĩ đại. Nếu khuyến khích phụ nữ bước ra ngoài để tận hưởng cuộc sống, tôi nghĩ hơn ai hết, chính nam giới phải “đợ” một bàn tay để chia sẻ công việc với người phụ nữ của mình. Nên chăng cân nhắc hoàn cảnh hiện tại để cô ấy có thể cùng lúc làm tốt thiên chức, đồng thời nuôi dưỡng những khát vọng, đam mê?”, anh nhận xét.
Chọn lựa chỉ tập trung cho vai trò thiên chức hoặc cùng lúc nuôi dưỡng đam mê thời con gái, theo nhà thơ Lê Minh Quốc, đó là quyền của phụ nữ. Dù lựa chọn nào, anh vẫn mong người phụ nữ của mình có được hạnh phúc tròn đầy và luôn là người phụ nữ anh đã chọn để đồng hành suốt cuộc đời.
Hẳn những người đàn ông yêu vợ thực lòng cũng sẽ đồng tình với quan điểm đó.
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai cho rằng: “Với ngàn xưa, thiên chức mặc định của phụ nữ là chăm lo việc bếp núc, nhà cửa, vườn tược và nuôi dạy con. Xin đừng trách xã hội cũ bất công bởi xem ra đàn ông cũng chẳng hơn gì phụ nữ, ngoài những ai đi lính, đa số còn lại chỉ đi nhiều lắm cũng từ nhà ra ruộng rồi từ ruộng về nhà. Nay, đặc trưng của quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đã khác, tư duy và phong cách tổ chức cuộc sống cũng phải khác. Kết hôn là để có cuộc đồng hành tốt đẹp và bền vững của hai tâm hồn, có sự kết hợp và bổ sung trí tuệ của hai khối óc. Ai vô tình hoặc cố ý đẩy phụ nữ vào bếp là họ đã tự loại bỏ một nửa của sức mạnh và hương vị hạnh phúc. Thiệt đơn thiệt kép nào phải nhỏ. Thay vì hô hào phụ nữ vùng lên, có lẽ nên nói hãy cùng khơi dậy mọi năng lực còn tiềm ẩn trong phụ nữ. Làm vậy để giải phóng sự lạc hậu của toàn thể xã hội chúng ta”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.