Mùa mưa ở TP.HCM, Nam bộ năm nay sẽ có ‘hạn bà chằn’

25/05/2020 09:14 GMT+7

Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan dự báo vì biến đổi khí hậu, mùa mưa năm nay TP.HCM, Nam bộ sẽ xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, gây ngập mênh mông. Ngoài ra cũng có 2 đợt ‘hạn bà chằn’ xuất hiện trong mùa mưa.

TP.HCM, Nam bộ đã chính thức bước vào mùa mưa, các cơn mưa thường xuất hiện vào buổi chiều tối, đúng giờ tan tầm. Ngược lại, từ sáng đến trưa thường rất nắng nóng, oi bức, tạo cảm giác khó chịu. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan để làm rõ những đặc điểm của mùa mưa năm nay.

Vì sao mùa mưa nhưng nắng oi?

Đã vào mùa mưa nhưng từ sáng đến trưa TP.HCM, Nam bộ thường nắng nóng oi bức là hiện tượng bình thường. Theo bà Lan, đặc điểm mưa của miền Nam là mưa dông nhiệt. Có nghĩa là ban ngày, mặt đất nóng lên bởi bức xạ mặt trời, hơi nước bốc lên nhanh rồi lên các tầng cao của khí quyển hình thành mây. Do vậy, mưa thường xuất hiện vào buổi chiều.
Bà Lan giải thích, Nam bộ thường sáng nắng chiều mưa là do gió mùa Tây Nam đưa hơi ẩm từ các vùng biển Ấn Độ Dương, Vịnh Thái Lan, phía Nam của biển Đông. Đặc điểm của mùa mưa mà người dân dễ cảm nhận nhất là trước khi vào cơn mưa trời rất oi, nhiệt độ không quá cao nhưng oi bức khó chịu.
Bà Lan cho biết, các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới đưa ra thông tin dự báo từ nay đến tháng 10 diễn biến thời tiết khá trung tính. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng tác động nên thời tiết bất thường dễ xảy ra.

Người Sài Gòn bì bõm lội nước về nhà sau cơn mưa to

Ảnh: Phạm Hữu

“Xưa, lâu lâu người ta mới nghe đến câu thời tiết bất thường, nhưng nay thì nghe nhiều hơn, dần dần cũng quen. Giờ năm nào cũng bất thường, không dạng này cũng dạng khác.
Năm nay Nam bộ bắt đầu vào mùa mưa rồi nhưng hơi trễ so với trung bình nhiều năm. Ví dụ như năm 1998 tới tháng 6 mới mưa. Tình hình nắng nóng ở TP.HCM, Nam bộ năm nay không quá cực đoan vì ở mức 37oC, nhưng năm 1998 thì TP.HCM lên tới 39,6oC”, bà Lan thông tin.
Dù nhiệt độ không quá gay gắt nhưng người dân luôn cảm thấy khó chịu, bà Lan cho rằng đó là đặc điểm của Nam bộ, phải có giai đoạn này thì mới vào mùa mưa được.

Hai đợt ‘hạn bà chằn’ trong mùa mưa

Hạn bà chằn” là từ ngữ dân gian chỉ hiện tượng giữa mùa mưa bỗng nhiên mưa giảm hẳn đi rồi nắng, oi nóng trở lại, sau những ngày này thì có khả năng xuất hiện dông sét, lốc xoáy.
Bà Lan cho biết, mùa mưa năm nay người dân TP.HCM và Nam bộ cần lưu ý sẽ có những cơn mưa to. Thông thường, mưa sẽ xuất hiện vào liên tiếp hai, ba buổi chiều sau đó giảm, nơi khác lại tăng.
Đặc biệt, người dân cần lưu ý những hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra trên diện rộng với cường độ mạnh. Nguyên nhân là do vừa vào mùa mưa, thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường, không khí. Vậy nên khu vực có thể xuất hiện cơn mưa lớn, dông sét.

Dự báo năm nay sẽ có nhiều cơn mưa lớn xuất hiện gây ngập ở TP.HCM và Cần Thơ

Ảnh: Phạm Hữu

Bà Lan nhấn mạnh: “Những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra với cường độ mạnh hiện tượng này còn được xem là thiên tai cỡ nhỏ, cỡ vừa. Hiện tượng này rất bất chợt không dự báo được. Vì thế, người dân cần biết thấy trời dông gió phải tự bảo vệ lấy mình”.
Theo đó, hiện tượng thời tiết này thường xảy ra trong giai đoạn đầu mùa mưa. Qua tháng 6 mưa sẽ giảm rồi lại sẽ có đợt khác. Dự báo 10 ngày đầu tháng 6 có những cơn mưa dông hoặc mưa lớn, giữa tháng 6 có thể xuất hiện “hạn bà chằn”.
Dự báo của chuyên gia thời tiết, mùa mưa năm nay sẽ xuất hiện 2 đợt “hạn bà chằn” là tháng 6 và tháng 8. Sau hai đợt hạn này, thường xuất hiện mưa to gây ngập.
Từ tháng 7 trở đi, triều cường dâng cao hơn, TP sẽ có tình trạng ngập mênh mông do mưa kết hợp triều cường. Mưa thường xuất hiện chiều tối – thời điểm trời nhá nhem.
Bà Lan cho hay, có những năm “hạn bà chằn” kéo dài nửa tháng hoặc một tháng làm cây chết khô, héo nên người dân đặt những đợt ít mưa. Có những nơi mùa mưa nhưng người ta vẫn cần nắng để cây cối quang hợp tươi tốt. Nhưng nhìn chung, “hạn bà chằn” thường lợi thì ít, hại thì nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.