Myanmar những điều khác lạ

19/11/2015 04:57 GMT+7

Myanmar từng là đất nước hưng thịnh của châu Á, nhưng mấy chục năm bị cấm vận, Myanmar trở nên lạc hậu đến nao lòng.

Myanmar từng là đất nước hưng thịnh của châu Á, nhưng mấy chục năm bị cấm vận, Myanmar trở nên lạc hậu đến nao lòng. 

Giờ đây, chưa đầy 10 năm đổi mới, đất nước này đã lột xác thần kỳ, nỗ lực để trở lại thời hoàng kim. Du khách thế giới, trong đó có VN lại nhộn nhịp đến đây để hành hương về đất Phật và trải nghiệm bao điều khác lạ.
Myanmar những điều khác lạ 1Chùa Swal Daw ở thành phố Yangon - Ảnh: Phạm Tiến Dũng
1. Yangoon là một trong những sân bay quốc tế lạ lùng. Sân bay khá vắng vẻ, công suất sử dụng chưa được 1/4 nhưng đang được cải tạo mở rộng gấp ba, nhằm đón đầu cho sự phát triển sắp tới. Khách không phải chen chúc hay xếp hàng, ra vào máy bay đều có đường ống tận nơi. Nhân viên tận tình hướng dẫn và hăng hái giúp khách di chuyển hành lý vào quầy vé, giúp làm các thủ tục. Các cửa hàng lưu niệm phong phú, bán như giá ngoài chợ. Có điều hơi khó hiểu là tờ khai nhập cảnh hàng không phát cho khách trên máy bay không giá trị, phải khai lại tờ khai tại sân bay.
2. Người dân Myanmar rất dễ phân biệt với các nước Asean. Trước hết là thói quen ăn trầu, nam phụ lão ấu đều suốt ngày nhóp nhép, nước bã trầu vương rải khắp nơi. Ai cũng thích thoa một ít bột màu vàng từ cây thanakha lên mặt để chống nóng. Đặc biệt đàn ông quanh năm đi dép, nhiều nhất là dép Lào, cho dù mặc áo vest hay tới dự đám cưới. Chỉ có quan chức và quân đội mới đi giày. Người dân được miễn vé tham quan tất cả thắng cảnh của đất nước. Người dân hiền hòa, thích viếng chùa và cúng dường, sống chậm kiểu “Thiểu dục tri túc”, “Thà ăn xin còn hơn ăn cắp”.
3. Chùa ở Myanmar nhiều hơn trường học, chùa nào cũng nhiều tháp, có khi hàng ngàn tháp dát vàng, lên tới mấy chục tấn, với hàng ngàn viên kim cương và đá quý, hàng ngàn tượng Phật (chùa Shwedagon). Nhiều chùa có xá lợi Phật và hàng ngàn năm tuổi. Chùa không chỉ là nhà (ngôi chùa) như nhiều nước mà là cả khuôn viên, rộng vài chục mẫu. Trong chùa có thể chỉ là tượng Phật (Phật giáo Nam tông) hoặc mấy ngọn tháp. Có thùng công đức tùy theo từng lĩnh vực, từng phần việc. Các tượng Phật và tháp trong chùa cứ ngày mỗi lớn hơn vì không ngừng được dát thêm vàng và bạc của phật tử. Nhiều tượng Phật dài gần trăm mét (chùa Khaukhtatgyi), có tượng nặng gần ngàn tấn bằng đá quý nên phải tạc tượng xong mới xây (chùa Kyauk Taw Gyee). Bảo tàng Thone Wain với cơ man xá lợi, phật tử có thể đến cung thỉnh về thờ... Các lễ hội thường gắn với chùa, đặc biệt là vào dịp rằm.
Myanmar những điều khác lạ 2Tượng Phật 4 mặt ở chùa Kyaikpun, thành phố Bago 
Myanmar những điều khác lạ 3
4. Vào cổng chùa là phải cởi bỏ giày dép và vớ, kể cả vớ da, đi chân không. Các nguyên thủ quốc gia cũng không ngoại lệ. Lực lượng cảnh sát bảo vệ chùa trong các dịp lễ cũng “chân không, đầu trần” phục vụ. Tiền gửi dép mỗi người hay cả nhóm đều đồng giá 1.000 kyats (khoảng 2.000 đồng). Nếu lấy túi ni lông (bao xốp) đựng giày để xách mang theo từng người giá cũng vậy. Viếng chùa vào sáng sớm hoặc chiều tối là tốt nhất vì đỡ nóng chân. Nên mang theo khăn ướt để lau chân sau mỗi lần viếng. Chùa không đốt nhang mà chỉ dùng nến, đốt bên ngoài điện. Phật tử có thể ăn nghỉ và cả tổ chức ca nhạc trong chùa. Khách mặc đồ ngắn, đồ quá mỏng không được vào chùa hoặc phải mua đồ bán sẵn khoác thêm.
5. Sư sãi ở Myanmar đông hơn cả quân đội, dù Myanmar nằm trong top ten các nước đông quân lính nhất. Sư không trụ trì chùa mà chỉ tập trung tu và học trong các thiền viện, có nơi hàng ngàn người như Kyat Khat Wine. Sư đi khất thực hằng ngày và ăn uống như người dân. Chỉ khác là không ăn sau chính ngọ (12 giờ), không sát sinh, không tụ tập chỗ đông người, không dùng nước hoa mỹ phẩm, không chung đụng gần gũi phụ nữ. Thiền viện là nơi dạy kỹ năng sống cho trẻ em, là nơi nam thanh niên phải vào tu học trước khi trưởng thành. Mùa hè là lễ nhập chùa cho trẻ em nam.
6. Di sản thế giới duy nhất hiện nay của Myanmar là thị quốc Pyu, trong đó có phế tích Kanbawza Thadi ở Bago (thế kỷ 1 TCN - thế kỷ 9) được Unesco công nhận năm 2014. Do bị cấm vận và cắt đứt mọi quan hệ nên nhiều thánh tích Phật giáo Myanmar chưa được thế giới công nhận như chùa Shwedagon ở Yangon, chùa Kyaithtiyo ở Bago, chùa Mahamuni (còn gọi là Payagi hoặc Big Paya), Hoàng cung Ngọc lục bảo, cầu gỗ cổ và dài nhất thế giới trên hồ Taungthaman và chùa Kuthodaw ở Mandalay... Chùa Kuthodaw có kiệt tác Tam Tạng kinh khắc trên 730 phiến đá cẩm thạch, mỗi phiến cao 1,5 m, rộng 1 m, dày 0,3 m, khắc 2 mặt, mỗi mặt từ 80 - 100 dòng chữ, cực kỳ sắc sảo.
7. Về Giao thông, Yangon cấm xe gắn máy và xe đạp nên đường phố toàn xe hơi. Đa phần là xe tay lái nghịch nhưng đều chạy bên phải. Taxi chỉ chạy theo chuyến, giá thỏa thuận, chưa có đồng hồ tính tiền theo km. Xe chở khách du lịch có cửa lên xuống nằm bên trái, ngay giữa đường, rất bất tiện cho người lên hay xuống xe nên phụ xe và hướng dẫn viên Myanmar luôn phải đứng ngay cửa, chặn xe, để đảm bảo an toàn cho du khách. Dù mới phát triển, Yangoon bắt đầu kẹt xe nhưng trật tự, không bóp còi và luôn nhường đường cho khách đi bộ. Đường quốc lộ rộng nhưng chưa tốt, xe gắn máy không chạy giữa đường, chỉ chạy hai bên mép (không phải lề) phải hoặc trái. Luật pháp Myanmar chưa bắt buộc người đi xe gắn máy đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra còn có trisaw, một loại xe đạp cải tiến để chở thêm người, bằng cách gắn thêm thùng, có 2 chỗ ngồi chung lưng, chở thêm 2 người và có bánh xe bên hông phải. Xe nhìn mảnh khảnh nhưng có thể chở trên 300 kg.
8. Cáp treo chưa có ở Myanmar, dù nhiều chùa trên núi chót vót. Thay vào đó là các loại xe tải 2 cầu, không mui, chế thêm 7 hàng ghế, mỗi ghế 7 người, chưa kể cabin, chạy được mọi địa hình hiểm trở. Ngoài ra còn có kiệu, cứ 4 người kiệu 1 người. Kiệu làm bằng thân tre lồ ô, đường kính từ 10 - 15 cm, giữa có chiếc ghế bố cho khách ngồi hoặc nằm. Đồ đạc và cả trẻ em được gùi sau lưng hoặc đội trên đầu những người khuân vác thuê. Những chiếc gùi ngất ngưởng, có khi cao vài mét. Mỗi gùi nặng hơn trăm ký, còn đội đầu chỉ được chừng 30 kg.
9. Múi giờ Myanmar cũng lạ lùng. Múi giờ các nước chênh nhau hàng đơn vị, còn Myanmar thì 0,5. Múi giờ Myanmar sớm hơn VN 30 phút. Món uống quốc túy của Myanmar là trà sữa, loại trà nhạt pha với sữa tươi và mật ong, đảm bảo uống no thì thôi, không sợ say hoặc mất ngủ. Điện lưới quốc gia rất yếu nên khách sạn nhà hàng cửa hiệu đều phải dùng máy phát riêng. Chợ 9 giờ mới mở cửa nhưng 16 giờ là lục tục dọn dẹp vì 17 giờ điện cúp. Buổi tối yên tâm ngủ, giữ sức khỏe để hành hương vì đêm chưa có gì để vui chơi giải trí. Chỉ có quán cà phê, trà sữa hay ăn vặt, không có quán nhậu bia rượu hay cửa hiệu shopping.
10. Quan hệ xã hội Myanmar vẫn trọng nam, từ trong nhà ra ngoài đường và đến tận chùa. Trong nhà, nữ phải phục vụ nam, đến giặt giũ cũng không chung chạ. Thiền viện không có ni làm lãnh đạo, ni chỉ đi khất thực mỗi tuần một lần, còn tăng thì hằng ngày. Đám cưới tổ chức vào buổi sáng đến tận trưa. Bộ phận tiếp nhận quà mở phong bì đếm tiền và ghi tên người gửi vào sổ sách ngay khi vừa nhận. Chú rể và cô dâu chỉ khui quà. Người Myanmar theo phong tục hỏa táng nhưng không lấy tro để thờ hay đem vào chùa. Khi chết, dùng hòm chung, do các hội tương trợ lo liệu, không để cách ngày và chỉ thiêu xác, không thiêu hòm. Cũng không có giỗ chạp vì họ cho rằng “chết là qua thế giới khác, không còn vương vấn nợ trần”…
Còn biết bao điều thú vị, xin dành cho các bạn khám phá và trải nghiệm. Có thể đi tour trọn gói hoặc mua dịch vụ từng phần (Free and Easy Tours) hay đi phượt đều dễ dàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.