Xe

Bầu cử ở Myanmar và tương lai mối quan hệ với Trung Quốc

10/11/2015 11:40 GMT+7

(TNO) Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc tổng tuyển cử lịch sử ở Myanmar, nhấn mạnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar sẽ không bị ảnh hưởng cho dù đảng của bà Aung San Suu Kyi chiến thắng.

(TNO) Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc tổng tuyển cử lịch sử ở Myanmar, nhấn mạnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar sẽ không bị ảnh hưởng cho dù đảng của bà Aung San Suu Kyi chiến thắng, theo Hoàn Cầu thời báo ngày 10.11.

Bà Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh tháng 6.2015 - Ảnh: ReutersBà Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh tháng 6.2015 - Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc tổng tuyến cử ngày 8.11 ở Myanmar đang được công bố từ từ và đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đứng trước cơ hội giành chiến thắng. Chính ông Htay Oo, quyền chủ tịch đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) cầm quyền tại Myanmar, ngày 9.11 đã tuyên bố thất bại trước NLD.
Nếu NLD chiến thắng thì đây sẽ là một sự chuyển đổi về chính trị quan trọng của Myanmar. Các nhà phân tích cho rằng sự chuyển đổi này sẽ tác động ít nhiều đối với chính sách đối ngoại của Myanmar trong thời gian tới. Và chính sách của Myanmar trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, phương Tây sẽ là điều được quan tâm.
Sáng 10.11, Hoàn Cầu thời báo, phụ trương của Nhân dân nhật báo Trung Quốc đang bài xã luận "nhắc nhở" rằng "Giữ mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc sẽ phục vụ lợi ích quốc gia lâu dài của Myanmar. (Vì vậy) Tại sao Myanmar lại hạn chế sự lựa chọn của mình là chỉ có quan hệ với Mỹ?". Hoàn Cầu thời báo cũng nói rằng "Duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc sẽ là lựa chọn hợp lý cho tất cả các nước láng giềng".
Theo Hoàn Cầu thời báo, những năm gần đây, Myanmar đưa mình vào thế cân bằng giữa quan hệ với Trung Quốc và phương Tây chứ không nghiêng về Trung Quốc như trước. Báo này nhận định rằng bà Suu Kyi sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, vì vậy bà sẽ không giới hạn lựa chọn của mình là phải nghiêng về phía Trung Quốc hay phía Mỹ hoàn toàn.
Vì vậy bài xã luận trên Hoàn Cầu tự tin cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, Trung Quốc không lấy làm lạ khi Myanmar tăng cường quan hệ với Mỹ. Trung Quốc cũng tự tin rằng quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc không bị tác động gì vì quan điểm phương Tây cũng như kết quả cuộc bầu cử lịch sử này của Myanmar lần này.
Còn theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 9.11, Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử ở Myanmar. Bởi lẽ Myanmar không chỉ là láng giềng mà còn là đối tác quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tài trợ một số dự án chiến lược ở Myanmar, bao gồm đường ống dẫn dầu và khí đốt, các cảng và đập thủy điện.
Mặc dù là đối tác chặt chẽ của nhau, nhưng theo nhận định của South China Morning Post, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đang đối mặt với những thách thức như ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản, cũng như các căng thẳng về biên giới giữa hai nước. 
Hơn thế nữa, trong bối cảnh đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đang thắng thế, nhiều người cho rằng chính sách của Myanmar đối với Trung Quốc sẽ có sự thay đổi, vì họ cho rằng lãnh đạo đảng là bà Aung San Suu Kyi có xu hướng thân phương Tây. Ngoài ra, bà Suu Kyi gần như không bao giờ công khai nói về các dự án lớn trong quan hệ với Trung Quốc.
Bà Aung San Suu Kyi hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2012 - Ảnh: Reuters
Giới phân tích và cố vấn chính phủ Trung Quốc tin rằng, bất luận kết quả bầu cử ở Myanmar như thế nào, chính sách của Trung Quốc với quốc gia láng giềng này không thay đổi. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cho biết nền tảng quan hệ song phương giữa Myanmar và Trung Quốc đã được gây dựng từ chuyến thăm Trung Quốc của bà Suu Kyi hồi tháng 6 vừa qua.
South China Morning Post dẫn lời ông Tôn Hiểu Anh, chuyên gia tại Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, cho rằng: "Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp bà Aung San Suu Kyi tháng 6 năm nay và dành cho bà một buổi tiếp trọng thị. Các khuôn khổ cơ bản của mối quan hệ song phương đã được thiết lập từ thời điểm đó. Các quốc gia khác sẽ cố gắng tác động đến Myanmar, nhưng bà Suu Kyi sẽ là người đưa ra quyết định của riêng mình chỉ dựa trên lợi ích quốc gia của Myanmar. Cuối cùng, quyết định dựa trên lợi ích kinh tế chung, và bà Suu Kyi thừa hiểu điều này quan trọng hơn với Myanmar”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.