Năm 2016 được thêm khoảng 1 giây nhuận

31/12/2016 20:33 GMT+7

Nhiều người đang ngóng đợi thời khắc đếm ngược của năm cũ trước khi bước vào 2017. Thế nhưng, năm 2016 này quá trình đếm ngược có thể dài hơn một chút, hay chính xác hơn là thời gian ngừng khoảng 1 giây, theo Reuters.

Thông thường, một ngày có 86.400 giây. Tuy nhiên, ngày 31.12.2016 sẽ có 86.401 giây. Giây bổ sung, hay còn gọi là giây nhuận, nhằm điều chỉnh sự khác biệt giữa đồng hồ nguyên tử vô cùng chính xác do con người tạo ra với tốc độ quay tự nhiên của trái đất, vốn ít ổn định hơn.
Trong khi đồng hồ nguyên tử định nghĩa một giây hết sức cứng nhắc và chính xác, giây dựa trên vòng xoay của địa cầu lại hơi dao động do ảnh hưởng của lực hấp dẫn mặt trăng tác động lên các đại dương của hành tinh xanh. Kết quả là việc duy trì hai hệ thống tính giờ lệch nhau khoảng 0,9 giây cần phải thêm 1 giây nữa trong năm để giúp chúng hoạt động đồng bộ.
Vào năm 1972, khái niệm giây nhuận (giống như năm nhuận) lần đầu tiên được giới thiệu nhằm xử lý sự khác biệt giữa chiều dài lý thuyết của ngày được quy định bằng đồng hồ nguyên tử (86.400 giây) và độ dài thời gian thực sự mà trái đất cần để hoàn tất một vòng xoay (khoảng 86.400,002 giây).
Các nhà khoa học phát hiện sự không nhất quán giữa hai độ dài thời gian đã khiến chúng lệch nhau đến 10 giây vào năm 1972. Để triệt tiêu khoảng cách này, họ đã thêm 10 giây vào năm đó. Kể từ năm 1972, cứ mỗi 500 - 750 ngày lại xuất hiện một giây chênh nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.