Ngày 1.6, chàng trai cám ơn ba mẹ vì 'thương con mà không gây áp lực'

Hoài Nhân
Hoài Nhân
01/06/2018 12:34 GMT+7

Sẽ có nhiều khía cạnh cần luận bàn trong cách cha mẹ yêu thương con cái, bởi sự khác biệt thế hệ, sự mâu thuẫn giữa 'điều cha mẹ cần' và 'điều con cái muốn',…

Một trong những khía cạnh khi bàn về tình yêu thương của cha mẹ Việt là sự định hướng tương lai cho con cái. Sẽ có sự khác biệt giữa những cha mẹ khác thế hệ nhau, ở những vùng địa lý khác nhau. Song đáng nói hơn cả, vẫn là mâu thuẫn giữa “điều cha mẹ cần” và “điều con cái muốn”.
Cha mẹ nào cũng hướng con cái theo một 'mẫu hình' nào đó
Mạn phép được bắt đầu bằng câu chuyện của bản thân. Tôi tự thấy mình là một người may mắn trong việc lựa chọn con đường để đi, vì dù không được ba mẹ ủng hộ nhiệt tình, nhưng đồng thời họ cũng không phản đối.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã bộc lộ thiên hướng đặc biệt với môn Văn. Càng về cuối những năm cấp Ba, sự chênh lệch năng lực của tôi giữa khối ngành Tự nhiên và khối ngành Xã hội càng lớn, trong khi mẹ tôi lại từng là một giáo viên Hóa - Sinh có thâm niên.
Bậc cha mẹ nếu có sự định hướng thái quá, cũng xuất phát từ tình yêu thương, muốn con mình được những gì tốt nhất Ảnh minh họa: Shutterstock
Ba tôi chỉ hỏi han, tuyệt nhiên không góp ý kiến nhiều. Còn mẹ, dĩ nhiên có sự điều hướng tôi theo học Ngân hàng, một hướng đi chị tôi đã từng chọn và hiện giờ đã rất ổn định. Thường những việc lớn trong gia đình, mẹ tôi là người nắm “uy quyền” và quyết định, cũng kèm việc “bốp chát” với chúng tôi. Còn ba tôi mềm mỏng, thiên về cảm xúc và động viên chúng tôi sau mỗi lần “căng thẳng”.
Đó cũng là hai điểm chung trong việc nuôi dạy, yêu thương con cái của cha mẹ ở vùng quê, ít nhất là ở miền Tây Nam Bộ nơi tôi sống, mà tôi nhận thức được: thứ nhất, trong gia đình luôn có một người cương và một người nhu, để con cái “ngán” một người và sẵn sàng trải lòng với người còn lại. Thứ hai, thường cho con cái theo đường hướng của anh, chị, em,… đi trước và đã thành công trong gia đình.

Quan niệm của ông bà “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” có thể ngày xưa đã được áp dụng triệt để. Suy cho cùng, bậc cha mẹ nếu có sự định hướng thái quá, cũng xuất phát từ tình yêu thương, muốn con mình được những gì tốt nhất. Điều ấy nếu không tiết chế sẽ trở thành sự áp đặt, khiến con cái có thể thành công, nhưng bản thân lại không hề hạnh phúc.
Thậm chí, điều thường gặp nhất là cha mẹ so sánh con cái với thành tích của một “hình mẫu” khác: “Coi con nhà người ta đã làm ông này bà nọ, còn con tôi…”. Hoặc so sánh với chính bản thân mình: "Bố/mẹ ngày xưa ở tuổi con đã như thế này, thế kia…”.
Điều đó lặp lại nhiều lần, đồng nghĩa với việc cha mẹ đang tước dần niềm tin của con, đặc biệt trong giai đoạn định hình tính cách. Bởi một đứa trẻ, nó phải tin nó khác người thì nó mới nghĩ được những ý tưởng riêng biệt, nó phải tin nó đặc biệt thì nó mới làm được những điều đặc biệt. Có như thế đứa trẻ ấy mới trưởng thành và tồn tại theo cách của mình.
Trong một xã hội càng ngày càng bộn bề những giá trị và quan hệ chằng chịt, sự tự do và thoải mái chính là điều tạo nên nguồn sống. Đồng thời phải nhìn nhận rằng, với sự phát triển thời đại quá nhanh chóng, chỉ nói đến việc lớp trẻ có vô vàn cơ hội nhìn ra những con đường rất mới để phát triển bản thân, quan niệm nói trên đã ít nhiều không còn phù hợp.
Cảm ơn ba mẹ
Trở lại một tí với câu chuyện của tôi, như đã nói, tôi là một người may mắn, vì khi tôi bày tỏ rằng tôi sẽ đi ngược với kỳ vọng của mẹ, ba mẹ tôi không phản ứng gì nhiều. Tôi chọn nghề báo, nghề văn, những cái nghề mà cả hai bên nội ngoại xa gần không một ai từng làm. Ngay cả tôi trước và sau khi đặt bút vào tờ đơn chọn ngành, cũng còn mơ hồ về nó, chỉ biết mình thích viết và thực sự cố gắng trong những môn học, kĩ năng tôi nghĩ là cần thiết.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh Ảnh minh họa: Shutterstock
Mẹ, sau khi được sự thuyết phục “ngầm” rất nhẹ nhàng của chị tôi, bằng những câu chuyện bạn bè chị thành công thế nào với nghề này, đã âm thầm xuôi lòng. Tuy vậy, cũng cần nói trong tương quan thời đại giữa ba mẹ thuộc U.60 với chị tôi và tôi, là một khoảng cách rất lớn. Hai tư tưởng để sống được phải “làm cái gì ổn định và ra tiền” hay “làm cái gì cũng được miễn mình thích” đầy mâu thuẫn, là một ví dụ. Chính người chị “hiện đại” của tôi đã giúp tôi rút ngắn khoảng cách này.

Nhưng nếu đó là câu chuyện ở vùng nông thôn nơi tôi sống, thì ở thành thị lại có một vấn đề khác. Cụ thể, một điểm chung tôi quan sát được ở cha mẹ vùng nông thôn, đó là “được lên Sài Gòn (hoặc thành phố lớn khác) ăn học, sinh sống” đã là một bước đi tuyệt vời. Tức, đa phần những kỳ vọng về con cái sẽ dừng lại ở đó.
Còn ở thành thị, với một nhận thức có phần cao hơn, cha mẹ sẽ có nhiều lựa chọn cho con du học, thậm chí định cư ở một quốc gia khác. Điều này trong thời đại công nghệ và những chính sách phát triển nông thôn, có thể sẽ dần thay đổi, nhưng tôi đang nói đến cái đa số để cụ thể hóa sự khác biệt. Ngay cả cơ sở vật chất nơi đô thị hiện đại cũng phục vụ tốt hơn cho sự phát triển khả năng của con cái, đáp ứng kỳ vọng từ ba mẹ.
Tuy nhiên, sự khác biệt ấy không phải là điều gì quá to tát, chỉ là sự phân hóa bình thường giữa các vùng địa lý. Vấn đề ở đây, là sự mâu thuẫn giữa “điều cha mẹ cần” và “điều con cái muốn”, luôn phải được giải quyết một cách dung hòa nhất cho cả hai bên.
Thương con và mong con thành "ông này bà nọ", "công việc ổn định" là nguyện vọng của ba mẹ, nhưng con cái cũng chỉ mong ba mẹ rằng hãy chỉ cho con thành "người tốt, sống đúng với đam mê, sở thích và sống đủ như cách của con".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.