Nghề “hái” ra tiền
Những năm gần đây ở vùng ngoại thành thủ đô Hà Nội, nghề soi lỗ huyệt gà phân biệt giới tính mang lại thu nhập chính cho một số người nuôi sống bản thân và gia đình.
Chị Nguyễn Thị Dung (34 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) gắn bó với nghề soi lỗ huyệt gà được hơn 10 năm nay. Chị Dung cho biết, nhờ thu nhập cao từ nghề này mà cuộc sống của gia đình chị ấm no, đủ đầy.
Từ nhỏ gia đình chị Dung có trang trại gà nên chị rất hiểu về các đặc tính của gà. Sau này, do các đại lý có nhu cầu phân loại gà trống, gà mái và chị cũng yêu thích công việc liên quan đến gà nên quyết định gắn bó với nghề này.
“Tôi học rất nhanh, chỉ vài ba tháng đã có thể phân biệt ra trống, mái. Trước kia, do nhu cầu thị trường còn ít và không phải ai cũng soi được nên khá lạ với nhiều người. Nghề này đòi hỏi phải thực hành thường xuyên mới làm nhanh và chính xác được”, chị Dung cho hay.
Chỗ làm việc của chị Dung đơn giản, chỉ có chiếc bóng đèn sợi đốt, các khay đựng gà và một lọ đựng phân gà. Một tay chị nhặt và bóp phân gà dư ra chiếc lọ, một tay nhấn vào hậu môn để lỗ huyệt lòi ra. Sự nhanh nhạy, khéo léo của bàn tay và sự tập trung cao độ của đôi mắt, chị Dung có thể phân biệt được giới tính của gà chỉ trong vòng vài giây.
Gà nở sau khoảng 2 – 3 tiếng là có thể nhìn được giới tính qua lỗ huyệt
|
“Khi nhìn vào lỗ huyệt của con gà, con đực có gai giao cấu, nhìn thường có cái nốt tròn nhỏ còn gà mái thì không có. Để phân biệt được còn phải phụ thuộc vào thời gian nở, gà sau khi nở khoảng 2 -3 tiếng thì có thể phân biệt được”, chị Dung nói.
Cũng theo chị Dung, mỗi giờ chị có thể phân biệt giới tính của khoảng 1.000 con gà con với độ chính xác lên tới 99%.
Tùy theo từng giống gà khác nhau, chị Dung được trả công từ 200 – 300 đồng/con. Sự tập trung cao độ cùng đôi tay khéo léo, mỗi ngày chị Dung soi được khoảng 7.000 - 8.000 con gà với nguồn thu nhập từ 1,4 – 2 triệu đồng/ngày.
|
Hiếm hoi người làm, học nghề phải trả 30 – 40 triệu đồng/khóa
Dù nghề phân biệt giới tính của gà qua lỗ huyệt mang lại nguồn thu nhập cao nhưng rất ít người gắn bó với nghề này. Chị Dung cho biết, cả làng chị chỉ có khoảng vài ba người theo được nghề vì không phải ai cũng có khả năng “nhìn” được giới tính của gà.
Môi trường làm việc gắn bó với tiếng máy chạy ù ù từ lò ấp, mùi hôi của phân gà, mùi tanh nồng đặc trưng của gà con, người làm phải thực sự quen mới làm được. Thoạt nhìn việc phân biệt gà con có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng chịu khó để theo đuổi.
|
“Phải thực sự yêu thích và đam mê với nghề mới có thể gắn bó được. Công việc này tự do dù mang lại thu nhập cao nhưng các đại lý cần mình phải đi xa nên hầu như không có thời gian rảnh”, chị Dung chia sẻ.
Để làm thành thạo và soi được giới tính gà với độ chính xác cao, nhiều người phải bỏ ra từ 3 – 6 tháng thậm chí lâu hơn để đi học. Mức học phí dao động khoảng 30 – 40 triệu đồng/khóa, đòi hỏi học viên phải thực hành liên tục mới có thể soi được nhanh và chính xác.
|
Chị Phạm Thị Ngọc Ánh (24 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức) là học viên của chị Dung. Chị Ánh cho biết, trước kia chị làm nghề spa nhưng thu nhập không ổn định nên chị quyết định đầu tư khóa học kéo dài 6 tháng để theo nghề soi giới tính của gà với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn.
|
“Tôi học được hơn 4 tháng rồi, hằng ngày phải vừa học vừa làm để có kinh nghiệm và nhìn gà được nhanh hơn. Nghề này đòi hỏi độ chính xác cao nên phải thực hành thường xuyên, ngồi làm liên tục mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, chị Ngọc Ánh chia sẻ.
Nghề kiếm bạc triệu này hiện vẫn luôn thiếu nhân sự và chỉ có những ai chịu khó mới có thể đáp ứng được yêu cầu.
Bình luận (0)