Nghi bị 'tiếp thị sữa' đánh bị thương vô cớ khi dừng xe: CSGT TP.HCM nói gì?

29/05/2019 15:48 GMT+7

Một người dân nghi bị những người được cho là 'tiếp thị sữa' đánh đến chảy máu phải vào viện kiểm tra vết thương tại H.Bình Chánh, TP.HCM. Cư dân mạng rất bức xúc vì đây không phải lần đầu nhóm người nghi là 'tiếp thị sữa' có những hành động giang hồ như vậy.

Sáng 29.5, mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh một người đàn ông với những vết trầy xước trên người nghi bị "tiếp thị sữa" đánh. Theo đó, người chia sẻ bài viết cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 8 giờ 30 phút tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Trịnh Quang Nghị (H.Bình Chánh, TP.HCM).
Lúc này, có một người đàn ông mặc đồ thường ngồi ở quán cà phê gần lề đường cầm bộ đàm và sổ ghi chép biển số rồi đọc biển số báo qua bộ đàm. Khi anh Nguyễn Tấn Anh Minh dừng xe lại để nghe điện thoại, người này tưởng anh Minh quay phim nên đã cầm khúc gỗ tấn công anh Minh.

"Tiếp thị sữa" là ai?
"Tiếp thị sữa" là cụm từ xuất hiện từ khoảng năm 2014 - 2015 được cư dân mạng dùng để chỉ những người "bất thường" đi theo CSGT khi lập chốt xử lý vi phạm. Những người này thường đứng gần chốt của CSGT để cảnh giới, khi có ai quay phim hoặc phản ứng với CSGT vì bị xử lý vi phạm thì những người này bất ngờ sẵn sàng can thiệp. "Tiếp thị sữa" có thể là cánh là "xe ôm", "người lạ mặt" đứng gần chốt CSGT mà nhiều người dân, bạn đọc cho rằng họ có sự kết nối với lực lượng CSGT. Nhiều Trưởng phòng CSGT ở các tỉnh thành cũng nhiều lần tuyên bố chưa có bằng chứng việc liên hệ giữa "tiếp thị sữa" với lực lượng CSGT đi làm nhiệm vụ. 
Sau khi đập trúng làm anh Minh ngã xuống đường thì nhiều người khác cũng mặc đồ thường đứng gần đó xông vào đánh túi bụi, may mắn anh Minh đã chạy thoát được. Ngay sau đó, anh Minh đã được người dân đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.
'Quá lộng hành!'
Chỉ 3 giờ sau khi đăng tải, đoạn clip đã nhận được hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Nhiều trang khác cũng chia sẻ bài viết bày tỏ sự bức xúc và nhận được sự ủng hộ của đông đảo cư dân mạng.
Đa số các ý kiến bình luận đều cho rằng, người mặc thường phục ngồi cầm bộ đàm đọc biển số qua bộ đàm chính là "tiếp thị sữa" (những người anh em xã hội của CSGT) nên rất bất bình về cách làm việc này.
Nicknam Van Dam Binh An bình luận: "Đám này chuyên bảo kê cho chốt CSGT đứng gần đó. Khoảng 4 hay 5 tên hay ngồi quán nước mía cách chốt CSGT khoảng 300m".
Hình ảnh một người mặc đồ thường cầm cây gỗ đánh người đi đường dừng nghe điện thoại Ảnh chụp màn hình
Đồng quan điểm, tài khoản Tam Legend cũng viết: "Em bảo rồi khu vực Nguyễn Văn Linh đó có chim mồi mà. Có đợt em ngồi bên kia đường lấy cái điện thoại ra chơi game nó tưởng quay nó ngoắc qua, cũng làm căng lắm".

Nếu hình chụp có bộ đàm thì mới biết đó là liên quan đến đơn vị nào. Còn giờ chỉ là những hình ảnh người dân mặc đồ thường đánh nhau nên cứ để công an xã Phong Phú giải quyết

Đại diện PC08

Anh Võ Duy Linh thì cho biết đây là đoạn đường anh thường xuyên chạy qua, và ngày nào anh Linh cũng thấy nhóm này ngồi đúng đoạn đường này. Người cầm khúc gỗ bị chụp hình lại hay đi chiếc xe Winner màu đỏ.
Anh Phúc Chelsea thì bức xúc: "Không hiểu thời buổi này, CSGT tồi quá, cũng là dân Việt Nam với nhau, sao phải tìm mọi cách đối xử với nhau như vậy. Phạt thì thiếu gì cách xử phạt chân chính".
CSGT TP.HCM nói gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là đoạn đường thuộc địa bàn của Trạm CSGT Tân Túc, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM).
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên chiều 29.5, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết theo tìm hiểu, vụ việc đang được Công an xã Phong Phú, H.Bình Chánh giải quyết. Vị đại diện cho biết, hình ảnh không thể hiện được người cầm bộ đàm được cho là đánh người này có liên quan gì đến CSGT hay không vì không có bằng chứng.
"Nếu hình chụp có bộ đàm thì mới biết đó là liên quan đến đơn vị nào. Còn giờ chỉ là những hình ảnh người dân mặc đồ thường đánh nhau nên cứ để công an xã Phong Phú giải quyết", vị đại diện PC08 thông tin.
Trước đó, Thanh Niên từng đăng tải bài viết về việc tranh cãi khi CSGT hóa trang khi làm nhiệm vụ trong các chuyên đề đặc biệt như: bắn tốc độ, đi vào đường cấm,... Không ít ý kiến phản đối việc CSGT hóa trang vì cho rằng không việc gì phải "núp lùm" khi xử lý vi phạm. 
Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến vụ việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.