Tranh cãi việc CSGT hóa trang bắn tốc độ: Đi đúng luật thì sợ gì!

27/05/2019 12:12 GMT+7

Mạng xã hội xuất hiện đoạn clip một CSGT mặc thường phục, ngồi gần bụi cây để bắn tốc độ. Rất nhiều ý kiến không bằng lòng về cách làm việc 'mật phục' này nhưng cũng có người cho rằng "nếu đi đúng luật thì sợ gì CSGT".

Sáng 27.5, mạng xã hội xôn xao đoạn clip dài 2 phút ghi lại cảnh một người được cho là CSGT mặc thường phục, ngồi gần bụi cây và cầm máy bắn tốc độ. Người đăng tải clip viết: “Công an Việt Nam mặc thường phục nấp trong bụi bắn tốc độ và đánh du kích, bị bắt quả tang”.
Sau khi người này đăng tải, đoạn clip được nhiều hội, nhóm trên Facebook chia sẻ lại và nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận, tạo nên những cuộc tranh luận "nảy lửa".

Tại sao phải núp?

Đa số ý kiến lên tiếng chê trách, cho rằng: “Đây là cách làm không minh bạch, sao không mặc cảnh phục rồi đứng ra đường bắn tốc độ”.
Đồng quan điểm, nhiều người còn dùng những từ ngữ để ví von về hành động của CSGT như: “Anh hùng núp là đây chứ đâu?”, “CSGT ngồi như này thì chạy xe ngoài đường là dính hết, chỉ khổ tài xế”… Trong khi đó, một số người cũng chia sẻ hình ảnh CSGT ở nước ngoài hóa trang bắn tốc độ để thấy rằng không chỉ Việt Nam mà một số nước khác, những người có chức năng cũng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xử lý vi phạm.
Nickname Puka TuAnh bày tỏ: “Cứ đi đúng luật thì công an làm gì ở đâu kệ họ đi”. Tài khoản Lê Giang đặt câu hỏi: “Tới khi ai chạy quá tốc độ gây tai nạn cho người thân của các bạn rồi sao hả, tới đó lại hỏi công an ở đâu, không xử lý xe chạy quá tốc độ hả?”

CSGT được hóa trang khi làm nhiệm vụ

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên sáng 27.5, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT thì có quy định: “Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, CSGT được hóa trang để thực hiện một số chuyên đề Ảnh cắt từ clip
Do vậy, CSGT kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn công tác và đúng quy định của pháp luật.
Trung tá Bình cũng chia sẻ rằng, người dân nên tự giác chấp hành luật giao thông chứ không phải khi thấy CSGT mới chấp hành luật, còn không thấy CSGT thì chạy ào ào, thoải mái chen lấn, vượt ẩu. Đó là kiểu chấp hành luật đối phó.
“Đừng để vi phạm giao thông phải trả giá bằng tính mạng cũng như sức khỏe, tài sản của mình và của người khác”, ông Bình nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.