Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng...

Trong văn hóa Quảng Nam, Hòn Kẽm - Đá Dừng là biểu tượng của công cha nghĩa mẹ: “Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi ” - ca dao có câu như vậy.

Sông Thu Bồn (sông Thu) bắt nguồn từ ngàn khe, trăm suối trên cao nguyên Ngọc Linh (Kon Tum). Sông ra đi tìm về phương đông, qua Trà My hợp lưu với sông Tran, qua Tiên Phước hợp lưu với sông Tiên tạo thành một dòng mênh mông, bát ngát. Quy luật của muôn đời là sông nào cũng phải về với biển mẹ.
Sông Thu cũng vậy, phải xẻ núi mà đi. Qua lưu vực Hiệp Đức - Quế Sơn, sông làm nên một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ. Đó là nơi dòng chảy của sông tác động vào núi, núi chặn dòng sông nên sóng cồn lên rạo rực.
Người Quảng Nam gọi lưu vực này là Hòn Kẽm - Đá Dừng. Trong văn hóa Quảng Nam, Hòn Kẽm - Đá Dừng là biểu tượng của công cha nghĩa mẹ: “Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi ” - ca dao có câu như vậy.
Ra khỏi trung du, qua đất hạ du Duy Xuyên, dòng chảy sông Thu chia ra hai nhánh: nhánh đông bắc đổ qua huyện Đại Lộc đem dòng nước ngọt về cho thành phố Đà Nẵng; nhánh đông nam đổ qua hai huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và thành phố Hội An về cửa Đại Chiêm. Ngã ba sông ấy được gọi là vùng Giao Thủy - nơi giáp nước của những dòng sông lớn.
Người Quảng Nam gọi sông Thu là sông mẹ bởi từ ngàn xưa hai bên bờ sông ấy hình thành một nền văn hóa lúa nước phương đông tôn thờ Huyền tẫn.
Huyền tẫn chính là thờ mẫu tính - nguyên lý mẹ. Cái tên Thu Bồn là tên theo âm gọi Champa về một người phụ nữ trẻ hiển thánh, từng che chở cho người dân được sống hạnh phúc ấm no, tai qua nạn khỏi trong suốt thời gian trước đó và 500 năm sau này, từ khi vua Lê Thánh Tông lập ra dinh trấn Quảng Nam 1471.
Người phụ nữ ấy rất đẹp, tóc dài da trắng, chỉ mới 15 tuổi nhưng đã được vua Minh Mạng phong tặng thánh danh là Bô Bô phu nhân, được người Quảng Nam xưng tụng là Mẹ Thu Bồn - người Mẹ Xứ sở. Đất sông Thu là đất của Mẹ Xứ sở. Tôi là con của Mẹ Xứ sở Thu Bồn và tổ phụ tôi cũng thờ lạy người ngay từ những ngày đầu tiên đến định cư, khẩn hoang miền đất hạ du sông Thu.
Bạn có hình dung ra sông Thu chăng? Đó là một khúc đại trường ca với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ thượng nguồn, dòng sông khởi đi như một khúc tiền tấu dịu dàng, qua trung du là một bản đại hòa tấu xôn xao rực rỡ; về đến hạ du là một khúc vĩ thanh chậm và diễn cảm.
Từ mùa xuân sang mùa thu, nước sông Thu trong vắt, êm đềm như đôi mắt đẹp hồn nhiên nhưng qua cuối mùa thu đầu mùa đông thì dòng chảy đục ngầu, cực kỳ hung hiểm. Ấy bởi vì những cơn mưa bão lớn đổ về khiến nước nguồn chảy không kịp, gây nên tình trạng ngập lụt.
Đoạn lưu vực tươi đẹp nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất về mùa đông trên dòng chảy của sông Thu là vùng Giao Thủy, bờ nam là đất Duy Xuyên, bờ bắc là đất Đại Lộc. Từ trên 500 năm qua, tổ phụ người Quảng Nam đã sợ hãi vùng giáp nước ấy, mơ ước nơi đây có một chiếc cầu nối liền hai miền bắc và nam Quảng Nam để đường đi từ đồng bằng lên vùng cao không còn xa chi mấy, để tình người ấm lại, kinh tế phát triển.
Giấc mơ ấy đã, đang và sẽ trở thành sự thật bởi cây cầu Giao Thủy đang được Ban Quản lý dự án tỉnh Quảng Nam xây dựng và dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2016 như một công trình trọng điểm chào mừng 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam vào năm 2017.
Cầu Giao Thủy dài 1.023 m, có 22 nhịp, rộng 12 m, mố bờ bắc ở xã Đại Hòa (Đại Lộc), mố bờ nam ở xã Duy Hòa (Duy Xuyên). Đây là cây cầu được xây dựng với kỹ thuật hiện đại, tạo ra nét đẹp mới hài hòa với thiên nhiên xinh tươi của vùng hạ du Quảng Nam. Đường dẫn lên cầu ở mỗi bên dài khoảng 500 m, bên bờ nam về khu đền tháp Mỹ Sơn - Di sản văn hóa của thế giới, bên bờ bắc về trung tâm thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc).
Từ thị trấn Ái Nghĩa, bạn có thể rẽ tay phải đi thẳng về thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp hay rẽ tay trái lên đường Trường Sơn huyền thoại. Prao Hiên, Giằng, Khâm Đức - những thị trấn xanh giữa đại ngàn hùng vĩ đang đón chờ bạn. Cây cầu Giao Thủy nối những con đường ra bắc vào nam, nối biển xanh với nguồn, nối non cao với đồng bằng và nối tình ta trở về với những Apsara dịu dàng của văn minh phồn thực lúa nước phương Đông.
Quảng Nam có mùa bòn bon chín vào khoảng tháng 8, tháng 9 dương lịch. Trái bòn bon Quảng Nam chín tự nhiên trên rừng núi, không lớn bằng bòn bon Cái Mơn của đồng bằng sông Cửu Long nhưng độ ngọt ngào và tính tinh khiết thì có dư.
Bà con các dân tộc miền núi Quảng Nam thu hoạch bòn bon, chỉ biết bán theo một con đường duy nhất là qua thị trấn Ái Nghĩa, chuyển về hai thành phố Hội An và Đà Nẵng. Bởi cách trở đường giao thông qua vùng Giao Thủy nên người dân Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình sống trên xứ sở bòn bon nhưng ít khi được ăn trái bòn bon quê nhà của mình.
Tuổi thơ của tôi cũng vậy, nhiều khi chỉ dám nghĩ đến trái bòn bon Đại Lộc mà… chảy nước miếng chứ không được sờ đến nó, dù tôi là con dân Quảng Nam thứ thiệt chánh hiệu con cò. Ngày xưa, tôi chỉ mong mẹ đi Hội An mua được một ít bòn bon về. Ăn trái bòn bon ấy, bỗng thương sông nhớ núi vô cùng. “Lụt nguồn trôi trái bòn bon/Cha mất mẹ còn chịu tiếng mồ côi” - ca dao Quảng Nam có câu như vậy.
Bây giờ, tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, không còn được ai mua trái bòn bon cho ăn nữa. Năm nay khi cầu Giao Thủy làm xong rồi, tôi phải qua Đại Lộc mua một ký, không phải, mua một... tấn bòn bon ăn cho bõ nhớ! Về Đại Lộc thân yêu/Ăn bòn bon trái chín/Hát với nhau câu hò Ba lý tình tang - tôi đã định diễn tả nỗi nhớ trái bòn bon quê nhà như vậy.
Quê nhà từng ngày thay da đổi thịt, từng ngày giàu đẹp lên. Mùa hè năm nay, tôi về Quảng Nam, ghé bên bờ nam xem đầu cầu Duy Xuyên rồi chạy ba chục cây số vòng qua xem đầu cầu bờ bắc Đại Lộc. Nhìn những anh công nhân treo mình trên những nhịp cầu cao hàn những thanh sắt, lắp ghép những nhịp bê tông, tôi hình dung ra cây cầu xinh, cây cầu ước mơ trên 500 năm sẽ vẽ ra một đường nét thanh tú, lượn qua trên dòng sông sâu.
Từ đây, những tình yêu sẽ không còn cách trở, những người bệnh sẽ không còn âu lo vì Bệnh viện Bắc Quảng Nam chỉ cách đó 4 cây số, những giao thương kinh tế miền xuôi và miền ngược sẽ không còn phải lụy bến ngang, đò dọc.
Kính chào cầu Giao Thủy tươi đẹp và lãng mạn, công trình phục vụ dân sinh của thế kỷ 21! Cùng với cả nước, Quảng Nam đã đi những bước dài và vững chắc trên con đường xây dựng hòa bình. Bà con quê nhà thân yêu đã đủ ăn đủ mặc, đang ăn no mặc ấm và chắc chắn sẽ tiến lên ăn ngon mặc đẹp.
Một cây cầu mới xuất hiện hôm nay có thể làm thay đổi hàng chục vạn số phận con người, có thể làm tăng chỉ số tăng trưởng kinh tế dân sinh hàng vạn hộ gia đình. Xin cám ơn những khối óc, bàn tay đã làm nên một công trình hướng về tương lai tươi đẹp.
Miền hạ du, sông Thu đưa phù sa về và bồi lắng làm nên những biền dâu xanh, những đồng lúa tốt. Nhiều giai nhân và danh sĩ đã ra đời hai bên bờ sông này, làm đẹp thêm cho cuộc sống. Văn hóa sông Thu mấy trăm năm nay vẫn mang theo yếu tính đồng bãi, sông nước. Ngồi bên bờ sông sâu, tôi cảm hứng nghĩ ra một giai điệu mới.
Tôi viết “Anh bờ nam Duy Xuyên/Muốn qua thăm em Đại Lộc/ Cây cầu mơ ước kia/Mấy trăm năm rồi mới thành/Mùa xuân tươi thắm quê ta/Hình sông dáng núi bao la...”. Tôi định ngày xây xong cầu Giao Thủy, tôi sẽ về bên sông Thu và hát, dù chỉ hát cho một mình mình nghe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.