Mùa xuân về, khí hậu ấm áp, ngàn hoa nở rộ khắp đất trời.
Ảnh: Hoàng Hùng |
Ăn cái Tết Nguyên đán đầm ấm và hạnh phúc, ta cũng nên lắng lòng quan tâm đến chậu hoa chưng trong nhà hay bụi hoa nở ngoài vườn, xem màu sắc nó có đẹp hay không, mùi hương của nó có quyến rũ hay không. Hoa trở thành bạn của con người - một người bạn lặng lẽ nhưng sang trọng, dù trong đau thương hay hạnh phúc. Yêu hoa vốn là thiên tính của người Việt chúng ta.
Đất nước chúng ta ở vào vùng nhiệt đới, khí hậu ấm áp quanh năm nên có nhiều chủng loại hoa quý và đẹp. Một đất nước đẹp là một đất nước có nhiều loài hoa đẹp. Đầu năm 2016, Festival Hoa Đà Lạt 2016 được tổ chức trên cao nguyên Lâm Đồng, đã trình diện cho khách thập phương thấy được hương sắc ngàn hoa lộng lẫy. Hoa hồng kiêu hãnh, hoa cúc nhu mì, hoa lan sang trọng, hoa glaieuil trẻ trung, hoa lys kiêu kỳ, hoa hướng dương trung hậu, hoa hải đường sáng trong... - ngàn hoa nói lên chiều sâu triết lý của cái đẹp hồn nhiên nhất.
Cái đẹp của ngàn hoa là cái đẹp vốn có, là nở ra giữa đời thì nó đã đẹp như vậy, không cần phải gia công tô điểm thêm. Tác động ngoại lai của con người vào vẻ đẹp ấy có chăng chỉ là kỹ thuật canh tác cho hoa nở đều và sống lâu, tạo dáng cho cành nhánh, bày biện cho hợp lý hơn để hoa thêm đẹp. Mỹ học định nghĩa bản chất của cái đẹp là sự hài hòa. Tự trong hình ảnh của một chủng loại hoa cụ thể, cái đẹp - vẻ hài hòa ấy đã có sẵn. Sự can thiệp của con người chỉ là giúp hoa đẹp thêm lên một chút, hài hòa hơn một chút mà thôi.
Mùa xuân năm Bính Thân 2016 này, những đường hoa, những phố hoa lộng lẫy đã được tổ chức ở TP.HCM, Hà Nội và khắp các thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước. Hoa được đưa về những thành phố, những nơi thị tứ để đời hoa, hồn hoa gần gũi hơn với đông đảo con người. Đời sống tinh thần của nhân dân được tô điểm thêm bởi vẻ đẹp của ngàn hoa và màu cỏ lá xanh tươi, bỗng lớn hơn, rộng hơn, nhân hậu hơn và đằm thắm hơn. Hoa không còn đơn độc, không còn phảng phất cái khí vị lặng lẽ thậm chí là u buồn của thi ca tiền chiến: “Hải đường hoa ngủ còn chưa dậy/Vì cả trong lòng chan chứa xuân”; “Sột soạt gió lay tà áo biếc/Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”; “Bên gốc mai già xuân vắng vẻ/ Âm thầm thiếu nữ khóc hoa mai”…
Những đường hoa, những chợ hoa tự phát tại các vùng đông dân cư cũng không tệ chút nào. Hoa Sa Đéc tràn về các tỉnh thành Nam bộ, hoa Ngọc Hà tràn về các tỉnh thành Bắc bộ. Hoa mang vẻ đẹp thanh tân của nó đến với đông đảo cư dân thành phố, thị xã, thị trấn - những cư dân bình thường, thu nhập ít, có thể quanh năm vì lo sinh kế nên ít quan tâm đến hoa. Ngày tết, cách chi người nghèo nhất cũng có một chậu hoa trong nhà - cúc đại đóa vàng ươm hay hồng Sa Đéc lãng mạn, để làm đẹp nhà cửa.
Hoa tô thắm cho những nẻo đường quê vốn âm thầm, lặng lẽ. Những đứa con xa trở về nhà chợt nhìn thấy cây mai trước ngõ trổ bông vàng, luống vạn thọ trong sân màu lửa ấm, nhành thiên lý trổ bông trước hiên, những cây sầu đông nở hoa tím nhạt đưa hương thơm trong gió tết cũng sẽ thấy lòng ấm lại. Tôi trở về quê nhà, lòng chợt nghe trẻ lại với màu hoa giáng hương vàng trên Phố Giáng hương Nam Phước (Quảng Nam): “Phố Giáng hương tôi về/Mùa xuân tươi thắm bao cành hoa giáng hương/Phố Giáng hương tôi về/Tình quê tha thiết những vòng tay thủy chung/Bước chân qua đường phố mới/Tai lắng nghe bao tiếng cười/Thầm mơ có em quay về/Cùng tôi thăm Phố Giáng hương”.
Tưởng nhớ tổ tiên, người Việt cúng một bình hoa đẹp, đặt ở một nơi trang trọng nhất trên bàn thờ. Thờ lạy Đức Phật hay Đức Chúa, không có gì tinh khiết hơn một bình hoa mới. Gặp người mình yêu, người đàn ông cũng tặng một bó hoa hay một đóa hoa đẹp, có khi không cần đến tiền bạc hay quà biếu. Đi thăm một người đáng kính trọng, không món quà gì trang nhã và văn hóa hơn một bó hoa tươi. Tổ chức lễ lộc cũng cần đến những lẵng hoa, những bó hoa tươi thắm làm vui mắt không gian hành lễ. Vui mừng một ngày kỷ niệm, cũng cần những lẵng hoa, những bó hoa thể hiện lòng quý mến. Tiễn đưa một người về cõi an nghỉ cũng phải cần đến những tràng hoa. Hoa chính là lễ nghĩa, là đạo lý, là lòng thương yêu, quý mến chân thành. Hoa vượt lên trên những món quà biếu vật chất khác. Nó hình thành phẩm giá tự nhiên của đời sống con người.
Không có một khu chợ nào văn hóa và xinh tươi như khu chợ hoa. Trong một phố chợ buôn bán ì xèo, bạn dễ nhìn ra tính văn hóa của khu chợ hoa. Muôn hồng ngàn tía khoe sắc ở đấy. Nó không cần chào mời, gọi hỏi cũng khiến bạn chú ý đến. Dù bạn không có nhu cầu mua hoa, bạn cũng sẽ có được cái hạnh phúc được ngắm vẻ đẹp của hoa và may mắn hơn, bạn sẽ được thưởng thức mùi hương thanh tân và hồn nhiên của hoa.
Tôi gọi hương hoa là mùi hương thanh tân và hồn nhiên bởi không một người nào và không một chế phẩm sinh học nào có thể can thiệp để hoa toát lên được mùi hương sang trọng cả. Hãy đưa mũi của bạn sát vào một đóa hoa mai vàng mới nở trong sương sớm của bình minh hay một đóa hồng tường vi rướn mình lên đón ánh nắng đầu tiên của một ngày xuân ấm. Hãy hít thật nhẹ và bạn sẽ “nghe” được cái mùi thơm dịu dàng, hồn nhiên, trong sáng, cái mùi thơm vượt ra khỏi các công thức chiết xuất mùi hương, pha trộn và chế biến giỏi nhất của bất cứ hãng nước hoa danh tiếng nào. Mùi hương hoa hồn nhiên như tình đầu, như có như không mà nhận một lần thì trăm năm sau cũng không dễ quên được.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, xung quanh nhà có vạt rừng thưa. Bên dưới những cây thân mộc, có những vạt cây dủ dẻ. Sau tết, cây dủ dẻ ra hoa, hoa sẽ kết trái cho đến tháng tư dương lịch là trái chín. Hoa dủ dẻ màu vàng nhạt, tướng mạo đơn sơ nhưng mùi hương thanh tân và sang trọng không có loại hoa nào bằng. Mùi hương hoa nhẹ nhàng, chỉ tỏa ra vào buổi chiều, mới hít được vào từ mũi thì đã thấm tận trái tim. Thời thơ ấu, tôi không bao giờ hái hoa dủ dẻ. Tôi chờ hoa kết trái để sang tháng tư mình còn được ăn trái dủ dẻ. Trái dủ dẻ chín tự nhiên trên cây trong nắng đầu hè có màu vàng như vỏ chuối chín, chỉ nhỏ bằng những đầu ngón tay nhưng ăn rất ngon. Sáu mươi năm, tôi xa mùi hoa dủ dẻ và trái dủ dẻ thân yêu ấy nhưng mỗi khi nhớ về làng xưa là bóng hoa, hương hoa và vị ngọt dủ dẻ lại hiện ra.
Bản chất của ngàn hoa là văn hóa, là cái đẹp. Việc tặng hoa cho nhau là nhằm thể hiện tính văn hóa và cái đẹp đó. Nên tặng nhau những bó hoa vừa phải bởi những bó hoa quá lớn khiến người được tặng lúng túng, ôm không xuể. Nên tặng nhau những bông hoa thật đẹp, một bó nhỏ hay một đóa hoa thì càng tốt. TP.Đà Nẵng có những nghệ nhân kết hoa hồng. Một lần đi giao lưu ở đây, tôi được ban tổ chức tặng một đóa hoa hồng Cathérine Đà Lạt. Đóa hồng được kết rất đẹp, cầm rất thuận tay. Chỉ có một đóa hồng mà lòng tôi vui suốt cả chuyến đi.
Từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, ngàn hoa xuân đang nở rộ tươi thắm cả đất nước. Hoa là biểu tượng của một đời sống thanh bình, thịnh trị, hạnh phúc. Chúng ta thật sự đang sống trong ngàn hoa hạnh phúc; giàu hay nghèo cũng có được bóng hoa làm bạn, tô điểm cho cuộc đời ta thêm tươi đẹp. Cuộc sống càng tiến lên thì ngàn hoa càng tươi thắm hơn. Hoa đem lại cho đời hương sắc, cứ đến hẹn lại nở. Thật hạnh phúc cho một dân tộc đang có ngàn hoa tươi thắm làm bạn!
Bình luận (0)