Người đàn ông 30 năm làm đẹp miễn phí cho... người chết ở Sài Gòn

21/02/2017 09:44 GMT+7

Ông Trần Ngọc Anh (57 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không nhớ mình trang điểm miễn phí cho bao nhiêu người chết từ thời hành nghề đến giờ. Có người chết vì tai nạn, già yếu và cũng có người lở loét, bốc mùi do nằm lâu năm.

Ông không ngại khó khổ, không sợ lây nhiễm, vẫn miệt mài làm công việc thầm lặng hơn 30 năm nay.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Anh hồi giữa tháng 2. Người đàn ông với mái tóc hoa tiêu, gương mặt phúc hậu đang sắp xếp các dụng cụ hành nghề như đồ khâm liệm, hộp phấn, cây cọ, cây son.. vào túi xách nhỏ, ngăn nắp.
Học lỏm
Ông Anh cho biết, năm 15 tuổi, nhà nào trong xóm có người mất, ông thường chạy vào xem cách thức trang điểm. Như thói quen, đám ma nào cũng thế, ông chạy vào học lỏm, rồi máu nghề ngấm vào hồi nào không hay. Nghề này không trường, không thầy. Ông tự làm, tự đúc rút kinh nghiệm từ thực tế. Có người còn gọi vui: “Ông như một chuyên gia làm đẹp chuyên nghiệp”.
Ngồi trò chuyện, ông Anh nhớ lại: “Hồi trước, tôi bị tai nạn giao thông nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy. Nằm một mình buồn nên kết bạn với ông già giường kế bên, nói chuyện hợp ý rồi trở nên thân thiết. Sau khi ra viện, tôi có đến nhà chơi và tình cờ biết ông đang yếu dần. Hàng ngày, tôi đều lui tới chăm sóc, tắm rửa, cho ăn vì ông không có người thân thích. Trước đó, tôi cũng học lỏm được cách trang điểm cho người mất nên đến khi ông nhắm mắt xuôi tay, tôi bắt đầu khâm liệm, thoa rượu bóp chân, sửa sang chỉn chu và trang điểm cho ông. Cái duyên đến với nghề cũng bén từ đó”.
Ông Anh cười rồi kể tiếp, ấn tượng nhất trong đời làm nghề là vào năm 1984. Khi ấy, ông Anh đi bộ từ quận Phú Nhuận đến bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày để chăm sóc người dưng xấu số.
“Ông này bị vợ bỏ do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, buồn tủi rồi sinh bệnh. Nghe tâm sự về cuộc đời éo le, ngang trái, tôi không khỏi xót xa. Hàng ngày, tôi đi bộ hàng chục cây số đến chăm sóc, trò chuyện và an ủi. Và khi ông ta mất, tôi cũng trang điểm và lo ma chay cho ông đàng hoàng”, ông Anh tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi "sao ông lại chọn nghề trang điểm cho người chết mà không phải người sống, ông không sợ sao?", ông Anh cười nhẹ: “Nếu tôi nói không sợ là nói dối. Sợ chứ!. Nhưng yêu nghề phải chịu thôi. Nhớ những ngày nhìn xác chết vì tai nạn giao thông, chết nước, lở loét, bốc mùi,…tôi không dám nhìn và muốn buông xuôi. Nhưng tình yêu nghề, và sự cảm thương cho số phận của họ đã thôi thúc tôi làm đẹp cho người đã mất. Tôi trang điểm hoàn toàn miễn phí, không phân biệt giàu nghèo”.
Những khuôn mặt người mất nhợt nhạt, tái ngắt tất cả qua tay ông Anh đều hồng hào tự nhiên, mang phong thái thanh thản. Ông Anh làm bằng tất cả tấm chân tình, bởi với ông, niềm vui của người là hạnh phúc của ta.
“Làm vì mình là con người”
Công việc đặc biệt của ông Anh ngày càng được nhiều người biết đến. Ban đầu, ông chỉ làm miễn phí trong khu vực gần nhà. Lâu dần nhân đức tỏa hương thơm, ông được mọi người biết đến và mời đi giúp ở nơi xa hơn.
Cũng theo ông Anh, ông đi đâu thì túi xách hành nghề cũng kè kè bên mình, như vật tri kỷ. Nhiều khi đi từ thiện ở các tỉnh xa, thấy người già yếu, nghèo khổ không lo được ma chay, ông không cầm lòng nổi nên phải dừng chân lại giúp không chút đắn đo.
Với ông Anh, sống phải giúp đỡ, chia sẻ không phân biệt giàu nghèo, vì mình là một con người. Ông Anh tâm niệm rằng “Mỗi ngày không biết tập cho đi thì suốt cả cuộc đời không biết cho là gì”.
Ông Anh kể, năm ngoái, ông gặp trường hợp cậu bé 19 tuổi bị liệt từ lúc lọt lòng mẹ. Bé suy dinh dưỡng chỉ còn da với xương. Ngày trước, ba của bé mất cũng chính tay ông Anh trang điểm và lo ma chay hoàn toàn miễn phí cho gia đình.
Túi hành nghề của ông Anh đơn giản chỉ có khăn tang, đồ khâm liệm, hộp phấn, cây cọ, cây son... Ảnh: Khẩm Cao.
“Đến lúc bé mất, gia đình không còn một xu để lo đám tang. Tôi cũng đi vận động bà con mong có chút ít tiền lo đám ma cho bé đàng hoàng. Có nhà cho, có nhà hất hủi vì chưa tin mình. Tôi vẫn mặc kệ, giúp được người là vui rồi. Họ là con người mình cũng phải giúp họ chết đúng như một con người”, ông Anh rân rấn nước mắt.
Công việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của ông Anh cũng trắc trở khi miệng đời buông nhiều lời cay đắng. Ông Anh trầm ngâm kể: Ngày đầu xách túi đi trang điểm miễn phí dành cho người chết, nhiều người mắng tôi “ăn ở không, đi lo chuyện thiên hạ”. Còn có người bảo “Thời buổi này còn làm miễn phí, khó tin”.
Dẹp qua mọi sự gièm pha, ông Anh làm bằng tấm lòng thành. Nhiều đêm, có người gọi, ông đều bật dậy khoác bộ đồ cũ kỹ, cùng túi xách hành nghề phóng lên chiếc xe cà tàng và cứ thế mà đi. Ông giúp người mọi lúc mọi nơi, không ngần ngại.
Có ngày, ông bị đau lưng đi không được, nhưng người nhà họ đến trước cửa kêu giúp. Không cầm lòng nổi, ông Anh sẵn sàng ráng chịu đau để đến giúp. Cũng có năm, ông Anh phải ăn tết bên người chết. Ông Anh kể: “Nhớ mãi năm ấy, có ông trong khu vực gần nhà chết bất đắc kỳ tử đêm 30 tết. Gia đình người ta đến nhờ giúp, không chần chừ, tôi cùng người nhà tức tốc qua bên đám tang để lo hậu sự, đến trưa mùng 1 mới về tới nhà”.
Công việc cứ thế quần quật từ sáng đến tận khuya, hết nhà này đến nhà khác nhưng ông Anh làm không biết mệt mỏi. “Với tôi, làm điều thiện giúp lòng cảm thấy thanh thản. Tôi ý thức được việc làm đó không vì lợi lộc cá nhân, không làm vì tiếng tăm mà tôi làm bằng tất cả tấm lòng, không phân biệt giàu nghèo. Công việc thầm lặng, chẳng ai biết đến. Có khi, tôi giúp xong, họ phủi tay nhưng vẫn vui, vì tôi làm điều tốt”, ông Anh nói.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Anh nhận cuộc gọi từ người nhà người mất. Ông tức tốc sắp xếp đồ đạc chuẩn bị đi trang điểm. Ảnh: Khẩm Cao.
Tôi thắc mắc, ông làm việc thiện hơn 30 năm qua, vậy thu nhập ở đâu để trang trải cuộc sống, ông Anh nhoẻn cười nói: “Tôi có một số phòng trọ cho thuê, số tiền đó cũng đủ cho tôi sống qua ngày. Sống trên đời, tình người là quan trọng nhất. Nếu tôi không tập cách cho đi thì suốt cuộc đời này không biết cho là gì”.
Bà Huỳnh Thị Kim Loan (65 tuổi), sống chung xóm với ông Anh, cho biết: "Ông Anh ở xóm được nhiều người nể trọng, quý mến bởi tính thương người. Trong xóm, đám ma nào cũng có mặt ông Anh, làm nhiệt tình và hoàn toàn miễn phí. Hết trang điểm đến khâm liệm, an ủi gia đình, ở đó đến lúc khi mai táng xong, ông Anh mới chịu về nhà nghỉ ngơi”, bà Loan chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.