Nơi độc nhất ở Sài Gòn có 'bà trùm' chuyên đập tivi nuôi con

15/12/2016 15:20 GMT+7

Từ các đời tivi lạ lẫm đến mới toanh, từ cái bo mạch nhỏ xíu, cũ kỹ đến những bộ loa, khung hình to đùng, gỡ ra thế nào, lắp ráp ra sao... không chi tiết nào bà không biết.

Một ngày giữa tháng 12, khi đang dạo quanh khu vực ngã tư Vĩnh Viễn – Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM). Tôi vô tình bắt gặp một người phụ nữ tuổi ngoài 70, dáng người khắc khổ đang ngồi cặm cụi…đập tivi, bỏ quên sự náo nhiệt của phố xá xung quanh.
Từ bà nội trợ đến “bà trùm linh kiện” ở Sài Gòn
Hỏi ra mới biết, đó là bà Cao Thị Thủy (72 tuổi), quê ở Cái Bè, Tiền Giang, vốn được nhiều người biết đến là “bà trùm linh kiện”. Bởi nói về đập phá tivi, bà hiểu rõ tivi như chính lòng bàn tay mình.

VIDEO: Nghề "đập phá ti vi" của bà Thủy - Thực hiện: Lưu Trân - Tuấn Anh
Từ các đời tivi lạ lẫm đến mới toanh, từ cái bo mạch nhỏ xíu, cũ kỹ đến những bộ loa, khung hình to đùng, gỡ ra thế nào, lắp ráp ra sao... không chi tiết nào bà không biết. Lý giải cái tên “nghề đập phá tivi”, bà Thủy nói, mỗi ngày đều có người chở những chiếc tivi cũ đến bán cho bà, sau khi thỏa thuận giá, bà sẽ tháo lớp vỏ ngoài, và những thiết bị bên trong.
“Cái nào được thì mình thảy lên xe để bán. Còn cái nào không được thì mình gom góp đó vài bữa đem đi cân phế liệu. Quan trọng là mấy cái loa này nè, lẻ tẻ năm, ba chục ngàn nhưng mà bán được nhiều”.
Từ đó mọi người gọi nghề này là nghề đập phá tivi, hay nghề đập tài sản, người trong nghề được gọi vui là "thợ đập", "thợ phá".
Công việc của bà là thu mua xác tivi cũ, tháo rời để lấy linh kiện còn dùng được bán lại cho người có nhu cầu
Nghề này còn phụ thuộc vào yếu tố hên xui, may rủi. Vì người bán thường không đồng ý việc kiểm tra máy bên trong nên người mua phải quyết định theo linh cảm và sự phán đoán của mình. May mắn thì mua đúng chiếc tivi còn tốt, có thể tận dụng gần hết các linh kiện, lời khoảng 40.000 đồng/chiếc. Ngược lại, nếu xui thì mua phải tivi dỏm, bán ra chỉ lời được 15.000 đến 20.000 đồng.
"Cái khó ở đây là mình mua về phải nhớ rõ từng dòng, đời sản xuất của tivi, ở dòng đời đó họ sẽ tận dụng được những gì, quan trọng là biết coi mạch điện tử nào hay phần linh kiện nào của những chiếc tivi đó còn sử dụng được hay không, tivi đã bị tháo chưa. Nếu không biết được những điều cơ bản này thì có mua về đập ra cũng chỉ tốn công, tốn của", bà Thủy chia sẻ.
Nhiều khách hàng lựa chọn mua linh kiện cũ, giá rẻ để có thể “mạnh tay” trong những sáng chế của mình mà không lo thiếu hụt vốn nửa chừng
Bạn Phạm Ngọc Toàn (SV năm 3 trường ĐH Bách Khoa) cho biết: "Lúc đầu mình không biết nên toàn đi mua linh kiện mới về học. Nhưng mà thực hành nhiều khi làm hư, mỗi cái giá cũng vài chục ngàn nên tốn tiền lắm. Sau này mới được anh chị khóa trên chỉ cho đến đây mua các thiết bị điện tử. Giờ mình trở thành khách quen luôn rồi vì bà bán rất rẻ, thấp nhất 5.000 đồng, linh kiện cao nhất cũng chỉ 20.000 đồng. Đã vậy còn được bà tư vấn mua cái gì cho hợp lý nên mình có thể thoải mái trong khoản đầu tư để chế tạo thiết bị mà không sợ bỏ ngang vì... hết vốn".
Bà Thủy kể, trước đây gia đình bà làm nghề buôn bán tạp hóa nhưng rồi thua lỗ, hai vợ chồng và các con bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Bà từng mở tiệm bán ti vi rồi lại sang bán cơm, bán cháo…thậm chí là đi lượm ve chai kiếm sống qua ngày.
“Cô bán đồ ăn ngay bên cạnh mấy người bán linh kiện, máy móc này nè. Tụi nhỏ thấy hoàn cảnh mình khó khăn thì cũng tội nghiệp. Sau có thằng cháu nó chỉ cô cách tháo tivi cũ lấy linh kiện để bán kiếm lời. Rồi cô theo cái nghề này tới giờ luôn. Hồi đó mua xác máy cũ có 10.000 đồng/bộ à”, bà Thủy nhớ lại.
Bên cạnh những linh kiện còn tận dụng được, thì những đồ hư, bỏ đi sẽ được bà Thủy gom lại rồi cân phế liệu
Theo lời bà Thủy, mỗi chiếc tivi dòng CRT mua vào từ 100.000 - 200.000 đồng, giá trị nhất là vỏ ti vi, mỗi vỏ bà thu mua khoảng 100.000 đồng. Tổng cộng cả chiếc khi bán được thì lời lãi từ 10.000 - 15.000 đồng. Thiết bị quan trọng và đắt nhất của chiếc tivi đó là bóng đèn, thế nhưng hầu hết tivi được bán tại đây đều bị hư bóng phải đập bỏ kính, lấy đế bán phế liệu.
Đa phần các thiết bị được tận dụng đều là bo mạch và loa, bán với giá 20.000 đồng/cặp. Riêng những khung nhôm tivi mới có giá cao hơn tầm 100.000 đồng.
Bà Thủy cho biết, các khung nhôm này được bán cho những người sản xuất "tivi ngàn mối", tức là tận dụng tất cả các thiết bị còn xài được của vô số chiếc tivi bỏ đi để ráp lại thành một chiếc tivi hoàn chỉnh bán lại cho những người lao động nghèo theo hình thức cũ người mới ta. Thường một ngày, may mắn lắm "thợ đập" mới kiếm được 100.000 đồng tiền lời.
Dây đồng tivi được bó lại thành từng bó nhỏ, có giá 80.000 đến 100.000 đồng/kg
20 năm đập tivi nuôi con bị tâm thần
Tôi thắc mắc tại sao ở tuổi này rồi mà bà không tìm công việc gì khác an nhàn hơn. Bà Thủy nói, giọng trầm buồn mặc dù vẫn cười rất tươi: “Muốn an nhàn thì phải có tiền chứ con. Cô có 10 người con, tụi nó cũng lập gia đình hết rồi nhưng khổ lắm, chẳng phụ giúp được gì cho cha mẹ. Nhưng thấy con cái mình đủ ăn là cô cũng mừng. Giờ cô chỉ thương 2 thằng út bị bệnh tâm thần. Thằng Thái nó tai biến nên nằm 1 chỗ, thằng Tâm thì còn biết chút chút nên cô dẫn nó theo sẵn tiện chỉ cách buôn bán. Chứ để nó ở nhà hoài thì càng ngày càng lú lẫn”.
Một ngày của bà Thủy bắt đầu bằng việc chăm lo hết công việc nhà, cho đứa con trai út bị tâm thần ăn xong rồi mới cùng người con thứ 9 đẩy xe đi hành nghề. “Hai mẹ con ngồi làm từ 10 giờ đến 17 - 18 giờ chiều. Lúc trước mình đẩy xe ra đây ngồi mấy chú đô thị đuổi đi thấy mồ. Mà thấy mình khổ quá người ta thương, giờ mấy chú hết đuổi rồi. Chú nói bà ngồi tém tém cho gọn vô giúp con nha, đừng ngồi lấn ra đường xe chạy”, vừa nói vừa cười vui vẻ, bà Thủy cũng không quên nhắc đi nhắc lại rằng “cả nhà tui biết ơn mấy chú đô thị, dân phòng nhiều lắm”.
Anh Huỳnh Phương Tâm (36 tuổi), con trai thứ 9 của bà Thủy, dù mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn theo phụ giúp mẹ mỗi ngày
Nơi khóe mắt hằn sâu những dấu chân chim của bà Thủy bỗng sáng lên khi nhắc đến đứa con trai út bị tâm thần đang nằm liệt ở nhà.

Để nó tự ăn cũng được, nhưng nó đếm bậy bạ lắm, mới ăn có mấy muỗng mà đếm lên tới đâu mấy chục muỗng rồi. Tội nghiệp, nhìn nó cô thương lắm không bỏ được. Nên thôi có mưa nắng gì cô cũng ráng làm kiếm tiền, được ngày nào hay ngày đó”.

Cao Thị Thủy

Bà kể: “Mỗi lần thằng Thái ăn là cô phải đút, cơm là 10 muỗng, cháo hay món gì mềm mềm là 15 muỗng. Để nó tự ăn cũng được, nhưng nó đếm bậy bạ lắm, mới ăn có mấy muỗng mà đếm lên tới đâu mấy chục muỗng rồi. Tội nghiệp, nhìn nó cô thương lắm không bỏ được. Nên thôi có mưa nắng gì cô cũng ráng làm kiếm tiền, được ngày nào hay ngày đó”.
Nghĩ cũng đúng, người ta thường nói Sài Gòn là thành phố của sự tất bật, của không gian náo nhiệt… Sài Gòn cũng là nơi ẩn chứa những điều lạ lẫm, những nghề độc nhất vô nhị…
Và cả những mảnh đời đầy nghị lực phi thường. Những ngày này trời Sài Gòn trở lạnh, kèm cơn mưa lâm râm suốt từ sáng đến chiều… Không dưng, hình ảnh 2 mẹ con bà Thủy cùng nhau đẩy chiếc xe chất đầy linh kiện tivi cứ khiến tôi thấy khắc khoải trong lòng.
Tôi nhớ như in câu nói của bà khi nghĩ về cái Tết sắp tới: “Quê cô ở Tiền Giang mà, nhà thì nằm gần vườn trái cây nên hai mấy Tết là bông hoa, cây trái tùm lum nhìn vui lắm con ơi. Từ hồi mần ăn thất bại, lên đây tới giờ là niềm vui của cô cũng mất tiêu luôn. Hai cái Tết rồi cô không về quê, chỉ mong Tết này cho anh Thái được khỏe mạnh, rồi mấy chị bà con vòng vòng đó, con chú con bác của nó đó có bao xe thì mình quá giang về. Ghé chơi với ngoại một bữa tới chiều, cái ra nhà chị nó hen, ở ngoài chợ Cái Bè đó, ngủ đêm tới sáng, chiều thì mình lại quá giang trở lên Sài Gòn đi làm tiếp”.
Từ người phụ nữ vốn chỉ biết công việc bếp núc, bà Thủy đã thành thạo từng chiếc tivi như chính lòng bàn tay mình
Mỗi ngày, 2 mẹ con bà Thủy đẩy xe ra ngồi đập tivi từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nếu may mắn mua được chiếc tivi mà bóng đèn không bị hư thì hôm đó coi như bà "trúng mánh"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.