Người dân TP.HCM được chính quyền giúp đi chợ online với combo đủ hàng hóa, giá bình dân

Thanh Khương
Thanh Khương
27/08/2021 19:50 GMT+7

Dự án ‘ Đi chợ giúp dân ’ của nhóm Lập trình viên ở TP.HCM ra đời, kết nối chặt chẽ với chính quyền các phường, quận đã đáp ứng nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm đa dạng, đủ chủng loại cho người dân nhiều khu vực trong thời gian thành phố tăng cường giãn cách, phòng chống dịch Covid-19 .

Người dân ở nhiều phường, quận của TP.HCM mua được những combo hàng hóa cần thiết nhờ sự kết nối của chính quyền và trang web “Đi chợ giúp dân”. Dự án được thí điểm lần đầu tại P.8, Q.10, sau đó nhân rộng ở nhiều phường khác. Ở giao diện chính, hàng hóa được bán dưới dạng combo, đa dạng sản phẩm như đồ tươi sống, đồ khô, trái cây… với nhiều mức giá khác nhau ở cả 3 siêu thị: Coop Extra, Satra Food và Big C. 

Bản tin Covid-19 ngày 27.8: Kỷ lục 17.428 ca Covid-19 | Niềm hy vọng lớn từ vắc xin NanoCovax

Có ngày nhận gần 400 đơn hàng, giao khoảng 50%

Trong website mua hàng ở P.8, Q.10, có 4 combo giá thấp nhất của nhà cung cấp CoopXtra. Cụ thể, combo 147.900 đồng gồm 6 món: 1 kg đường, 1 gói mì, 1 gói hạt nêm, 1 lọ cá nục, 1 kg muối, 1 chai dầu. Combo giá 151.900 đồng gồm 4 món: 1 gói hạt nêm, 1 chai nước chấm, 5 kg gạo, 1 chai nước mắm. 
Với 171.200 đồng người dân có thể mua 5 món: 1 cuộn giấy vệ sinh, 10 khẩu trang, 1 tuýp kem đánh răng, 1 chai nước rửa chén và 1 chai nước súc miệng. Combo Xtra_HMP03 có giá 185.300 đồng gồm 4 món: 1 bịch băng vệ sinh, 1 tuýp kem đánh răng, 1 chai sữa tắm, 1 cục xà bông.
Từ 7 - 22 giờ mỗi ngày, hệ thống cho phép người dân đăng ký bằng cách điền các thông tin như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, hình thức thanh toán. Đặc biệt, phần ghi chú sẽ dành cho khách hàng có nhu cầu mua lẻ như tã, sữa, bánh ngọt… Các mặt hàng này sẽ thanh toán theo hóa đơn riêng khi nhận hàng.

Hàng hóa đa dạng, giao diện đơn giản và dễ dàng sử dụng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Để giúp người dân đi chợ mua đồ thiết yếu thoải mái, anh Nguyễn Khắc Quốc Huy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam P.8, Q.10 cho hay địa phương liên kết với 3 siêu thị lớn đảm bảo nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định. Người dân có thể yên tâm mua sắm, nhà cung cấp cũng không lo bị "bùng hàng" vì phường đã đứng ra làm cầu nối đặt hàng, vận chuyển và thu tiền.

“Số lượng đơn hàng đỉnh điểm mà phường tiếp nhận lên tới 400 đơn/ngày. Tuy nhiên, phụ thuộc vào sự chuẩn bị từ phía các siêu thị mà trung bình mỗi ngày, bộ đội, tình nguyện viên ở phường giao từ 150-180 đơn hàng. Chúng tôi khuyến khích khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, các hộ không có điều kiện thì mới thu tiền mặt”.

Anh Nguyễn Khắc Quốc Huy

“Trước đó, phường áp dụng hình thức đặt hàng qua Google form. Tuy nhiên, có rất nhiều bất cập trong quá trình tổng hợp, phân loại nên mới xin thí điểm dự án “Đi chợ giúp dân”. Trang web như một vị cứu tinh của chúng tôi vì nó tiết kiệm được rất nhiều thời gian lẫn công sức”, anh Quốc Huy bày tỏ.
Anh Huy nói thêm: “Số lượng đơn hàng đỉnh điểm mà phường tiếp nhận lên tới 400 đơn/ngày. Tuy nhiên, phụ thuộc vào sự chuẩn bị từ phía các siêu thị mà trung bình mỗi ngày, bộ đội, tình nguyện viên ở phường giao từ 150-180 đơn hàng. Chúng tôi khuyến khích khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, ngoại trừ các hộ không có điều kiện chuyển khoản thì mới thu tiền mặt”.
Anh Đào Hoàng Sơn (30 tuổi, ngụ P.8, Q.10) biết đến trang web mua sắm này thông qua trang Facebook phường. Anh chia sẻ: “Nhấp chuột vào đường link https://dichogiupdanp8q10.com sẽ dẫn tới một trang mua sắm với đầy đủ thông tin, đa dạng mặt hàng và dễ sử dụng. Đặt hôm trước là hôm sau nhận được hàng đúng như đơn đăng ký. Trong tình hình hiện tại, có được trang đi chợ online như vậy đã là rất tốt”.

Hàng hóa được bán theo combo đồ tươi sống, đồ khô, rau củ quả hoặc kết hợp đa dạng

NVCC

Chị Nguyễn Ngọc Châm (32 tuổi, Quản trị viên trang “Đi chợ giúp dân” ở P.3, Q.Gò Vấp) cho biết sáng 27.8 đã tiếp nhận hơn 200 đơn hàng. Trước đó, phường chia 1/2 số lượng khu phố đi chợ xen kẽ, trang mua sắm ra đời đã khắc phục được điều này. Đơn vị hiện ưu tiên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản nhằm hạn chế việc tiếp xúc và giải quyết những khó khăn trong quá trình thu tiền mặt, kiểm kê.
“Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bà con, họ nói rằng trang web đơn giản giúp những người không rành công nghệ vẫn tiếp cận được. Có người ở phường lân cận tha thiết đặt hàng nhưng không được duyệt, hy vọng thời gian tới mô hình này sẽ được áp dụng rộng rãi vì nó thực sự rất tiện lợi”, chị Châm nói.

Covid-19 sáng 28.8: Cả nước 410.366 ca nhiễm, 198.614 ca khỏi | F0 ở TP.HCM sẽ tăng nhanh

Đang áp dụng cho nhiều nơi

Nhóm thực hiện dự án “Đi chợ giúp dân” gồm anh Nguyễn Hữu Đạt (31 tuổi) và Trần Thanh Tuấn (28 tuổi, ngụ TP.HCM). Chia sẻ về lý do thực hiện dự án, anh Thanh Tuấn cho biết trang web này được kế thừa từ “Điểm bán hàng thiết yếu” – Bản đồ hướng dẫn người dân ra cửa hàng gần nhất để mua đồ trong thời gian vừa qua.
Do nhận thấy mô hình cũ không còn phù hợp trước thông tin TP.HCM “ai ở đâu ở yên đó” từ ngày 23.8, đồng thời đánh giá được tính cấp thiết của việc đi chợ nên trong vòng 5 tiếng đồng hồ kể từ 0 giờ cùng ngày, dự án được hoàn tất với sự quyết tâm cao độ của nhóm.

Nhiều khách hàng bày tỏ niềm vui sau khi trải nghiệm mua hàng trên “Đi chợ giúp dân”

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Hệ thống được vận hành và quản lý bởi cơ quan chức năng tại địa phương, đảm bảo tính riêng tư, an toàn về dữ liệu. Giao diện thân thiện, dễ sử dụng, đa dạng combo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con nhưng vẫn đảm bảo an toàn về phòng chống dịch.

Bà con ở các nơi đang áp dụng đi chợ online có thể truy cập theo đúng địa phương mình để mua sắm

Ngoài ra, người dân có thể phản ánh về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, số lượng hàng hóa từ đơn vị bán hàng hay thái độ của đội ngũ giao hàng thông qua chức năng đánh giá để địa phương có dữ liệu làm việc với các bên liên quan.

Lúc 11 giờ 15 ngày 27.8, có 330 người truy cập vào hệ thống (Q.Phú Nhuận) lựa chọn combo và đặt hàng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Hiện tại, dự án đã bàn giao và triển khai ở xã Tân Xuân (H.Hóc Môn); Khu phố 6 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1); P.8 và P.15 (Q.10); P.3 và P.16 (Q.Gò Vấp) và Q.Phú Nhuận. Ngoài ra, có vài đơn vị đang rà soát lại điều kiện trên địa bàn trước khi tiến hành chuyển đổi từ hình thức phát giấy, Zalo, Google form qua mô hình mới.
Đây là dự án phi lợi nhuận, không thu phí người dùng. Nhóm sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới để giúp bà con TP.HCM tại nhiều địa phương có thể đi chợ online thuận tiện, đầy đủ hàng hóa để yên tâm phòng chống dịch Covid-19. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.