Người luyện hoa hậu Gà

25/01/2017 09:02 GMT+7

Với hơn 20 giải thưởng lớn nhỏ khắp mọi miền đất nước, anh Trần Hữu Thành (36 tuổi, ngụ phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương) được giới chơi gà cảnh (kiểng) Tân Châu đặt biệt danh "người luyện hoa hậu gà”.

“Cách đây khoảng 10 năm, tôi theo bạn bè đến Tân Châu (An Giang) mua gà tre về nuôi làm kiểng. Ban đầu ít kinh nghiệm nên nuôi hoài mà chả thấy… nhan sắc đâu.
Dần dần, học nhiều người cách chọn giống, cách cho ăn và đặc biệt cách làm cho con gà trở nên đẹp lộng lẫy. Mấy năm sau, thấy nhiều nơi tổ chức thi gà đẹp nên cũng mang ra thi thố”, anh Thành nhớ lại.Sau nhiều lần thất bại, năm 2011, anh Thành bất ngờ đoạt giải nhất cuộc thi ở thị xã Dĩ An (Bình Dương). Từ đó, anh liên tiếp gặt hái trên 20 giải thưởng lớn nhỏ về các cuộc thi “Gà đẹp Tân Châu” được tổ chức ở Bình Dương, TP.HCM, nhiều tỉnh miền Tây và cả phía bắc.
Anh Thành tâm sự: "Đoạt nhiều giải nhưng vui nhất với tôi có lẽ là “Siêu cúp gà đẹp Tân Châu” tổ chức tại Hà Nội năm 2015. Giải thưởng chỉ một chiếc xe gắn máy nhưng con gà ấy tôi rất quý, được ra thủ đô giao lưu với nhiều người chơi gà cảnh trên khắp cả nước".
“Các cuộc thi về nét đẹp của gà Tân Châu nói riêng và gà cảnh nói chung hầu như không có tiêu chuẩn nào để chấm. Nên ban giám khảo thường chọn ngoại hình gà như mồng phải nhỏ gọn, mặt liền lạc, bờm kín hết, má đủ độ tiếp đất, kết hợp với bộ đuôi phải có sự cân đối… để chấm điểm như chấm thi hoa hậu”, anh Thành cười nói.
Trước khi diễn ra các cuộc thi “hoa hậu”, anh Thành thường tuyển chọn những con gà ưng ý và đưa vào diện chăm sóc hết sức đặc biệt. Để có dáng vẻ cân đối, gà phải được cho ăn điều độ, không quá nhiều cũng không quá ít. Thức ăn chủ yếu là cám, gạo lứt và ngô.
Thỉnh thoảng cho ăn thêm sâu và dế và uống 2 viên dầu cá/tuần nhằm mục đích cho bộ lông bóng mượt. Chừng một tháng trước ngày tranh tài, gà phải được tắm rửa ít nhất 2 lần/tuần, rồi mang ra phơi nắng (5 - 10 phút), khi lông vừa khô thì đem vào chuồng để khỏi mất chất dầu.
Với diện tích hơn 1.000 m2 ở phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An), anh Thành hiện đang chăm sóc hơn 200 con gà tre Tân Châu. Đây cũng là trang trại chuyên cung cấp gà đẹp cho những người cùng chung sở thích trong cả nước. "Từ đam mê chơi gà, khi thấy gà nhiều quá mình mới có ý tưởng kinh doanh. Vừa chơi mà cũng có thu nhập", anh Thành nói.
Ngoài ra, anh Thành còn tham gia câu lạc bộ gà cảnh thị xã Thuận An để cùng với giới chơi gà cảnh chia sẻ niềm vui, cách nuôi, chăm sóc. Chưa hết, nhờ vào kinh nghiệm chơi gà cảnh lâu năm, anh Thành còn được nhiều địa phương như TP.HCM, Hải Dương, Hà Nội… mời làm giám khảo chấm thi… “hoa hậu gà”.
Theo giới chơi gà cảnh, những năm trước đây họ thường chọn cho mình những giống lạ, đẹp mắt từ nước ngoài như Nhật Bản, Ba Lan, Indonesia... Tuy nhiên, thời gian gần đây, người chơi bỗng nhiên quay lại với gà tre Tân Châu, có nguồn gốc ở An Giang. Giống gà này phù hợp với túi tiền giới bình dân, khi giá cả chỉ vài triệu đồng là có thể sở hữu một con gà khá bắt mắt. Hiện nay, từ Cà Mau cho đến Lạng Sơn đều có hội chơi gà cảnh Tân Châu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.