Người miền Trung chật vật sau lũ: Bật khóc vì lúa lên mầm, thà trôi hết đi...

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
07/11/2020 12:12 GMT+7

Sau cơn lũ lịch sử, cuộc sống của người miền Trung hầu như đảo lộn . Không chỉ chật vật dọn bùn non, nhiều người đã bật khóc trước số lượng lúa bị hỏng, bốc mùi giữa nhà.

Sau cơn lũ lịch sử, người dân ở nhiều nơi tại tỉnh Quảng Trị vẫn chật vật phơi lúa và dọn dẹp đống hoang tàn sau lũ. Những ngày nắng lên, người dân tranh thủ đổ lúa ra phơi ở sân nhà, ở mặt đường,... mong vớt vát lại một chút gì còn sót lại.

Lúa lên mầm, thối đen vì nước lũ

Sau lũ, tôi tìm đến gia đình bà Bùi Thị Tuyết (43 tuổi, ngụ xã Thanh An, H.Cam Lộ) - một trong những hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất sau lũ.
Lúc tôi đến, bà Tuyết đang bận rộn cào lúa bị mốc phơi trên đường. Bà chia sẻ gia đình bà làm nghề thu mua lúa rồi bán lại để lấy lời. Những năm qua thu nhập cũng ổn, năm nay bà tiếp tục vay mượn tiền của người thân bạn bè để nhập về 40 tấn lúa nhưng chưa kịp bán thì lũ về bất ngờ khiến bà bị tổn thất lớn.

Số lượng lúa lớn bị ngâm trong nước lũ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Nhiều ngày mưa liên tiếp khiến lúa bị hư, bốc mùi

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chỉ có những bao lúa chất trên cao nhất mới không bị ướt

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Vì nhà ở ven đường quốc lộ lại chưa bao giờ bị nước lũ vào nhà nên bà không đề phòng trước.Vừa rồi khi nước lũ lên quá nhanh, gia đình bà đành phải bỏ hết lúa mà chạy lũ. Gà vịt trong nhà đều bị nước lũ cuốn đi, 30 tấn lúa cũng bị ướt vì ngâm trong nước. Bà Tuyết mang lúa đi sấy nhưng lò sấy không nhận. Không còn cách nào khác, bà đành đợi trời nắng lên để mang lúa ra phơi.
Bà kể lại, trong xóm có một nhà cao hơn nên sau trận lũ đầu tiên bà Tuyết mang lúa đến gửi nhưng vẫn bị ướt nên bất lực hoàn toàn. “Trước đó cũng có kê bàn để chất lúa lên cao nhưng lũ vào gãy luôn cái bàn, đống lúa đổ xuống nên cũng ướt hết cả. Chỉ còn lại 10 tấn gạo vì chất lên cao nhất nên không bị ướt”, bà nói.

Hàng xóm, họ hàng tụ lại phụ gia đình bà Tuyết phơi lúa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Không chỉ bà Tuyết, những hộ dân ở gần đó cũng rơi vào cảnh tương tự, lúa được phơi dài trên đường. Ngâm nước, lại để nhiều ngày vì trời không nắng, đa số lúa bị lên mầm trắng, có phần bị thối đen, bốc mùi.
“Không còn gì hết, gà vịt cũng trôi hết chỉ còn lại lúa mà giờ lúa như thế này. Áo quần cũng trôi hết con cái không có để đi học, mấy ngày qua nhờ người ta cho áo quần mang tạm”, bà xót xa.

“Thà trôi đi hết còn hơn”

Thương cho hoàn cảnh của bà Tuyết, người dân quanh xóm và họ hàng tụ họp lại để phụ giúp bà phơi 30 tấn lúa. Người chở lúa, người cào lúa, người đổ lúa ra giữa đường.
Phơi 3 ngày nhưng vẫn chưa xong một nửa số lúa bị ướt, bà Tuyết bật khóc khi thấy trời lại sắp chuyển mưa. “Thà lúa nó trôi đi đâu mất thì mình cũng đỡ ra giờ nó còn lại ở nhà mà lên mầm với thối rửa như thế này nhìn mà không cầm được lòng”, bà nói.

Nếp cũng bị hư

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Đa số lúa lên mầm trắng không thể xay thành gạo được nữa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Những ngày qua, gia đình bà Tuyết không ai nuốt nổi miếng cơm, bỏ hết công việc để tất bật phơi lúa. Gia đình bà vốn đã vay mượn tiền để thu múa lúa, nay lại bị tổn thất lớn nên lo lắng chồng chất.
Bà cho biết, trước lũ có người đến hỏi mua lúa với giá 9.000 đồng/kg lúa nhưng bà vẫn chưa muốn bán. Nhưng bây giờ lúa bị hỏng, phơi khô bán lại chỉ còn lại 2.500 đồng/kg. Theo bà giải thích thêm, lúa này giờ chỉ có thể mua về cho gia súc chứ không dùng để xay thành gạo được nữa.

Một người hàng xóm đang phụ bà Tuyết phơi lúa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Giờ không biết phải làm sao, phơi lại như vậy để vớt vát lại được bao nhiêu thì vớt, chứ 10 phần mà thu lại cũng không được 1 phần”, bà nói.
Tương tự, ông Lê Lân (59 tuổi, ngụ thôn Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, H.Cam Lộ) cho biết ông là người khuyết tật nên ở nhà chỉ vợ ông vừa dọn dẹp bùn non vừa dọn đống đổ nát. Nhà có 6 - 7 tạ lúa cũng bị bùn non trùm lấy, đành phải đổ ra giữa nhà để phơi vì trời không nắng.
“Tôi thiệt hại vẫn còn ít vì nhiều người bị nặng hơn nữa. Tôi chỉ có vài tạ lúa nhưng có người thiệt hại đến vài chục tấn lúa thì không biết phải làm sao,” ông chia sẻ.

Chợ Bà Hoa điêu đứng vì lũ

Vì trời không có nắng, nhiều người dân phải đổ lúa ra giữa nhà để phơi

Ảnh: NVCC

Chân bà Tuyết cũng bị nước ăn vì nhiều ngày lội trong nước lũ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Lúa bình thường có giá 9.000 đồng/kg nhưng sau khi bị hư vì nước lũ chỉ còn giá 2.500 đồng/kg

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.