Người Sài Gòn ám ảnh phút gặp cướp: Nếu không thể kháng cự, phải la thật to

20/11/2018 09:37 GMT+7

Tích tắc vài giây đầu tiên bị bất ngờ khi bị cướp, điều chúng ta nên làm tức khắc là lùi lại, xa tầm tay bọn cướp. Trong trường hợp xấu nhất nếu không thể kháng cự, chúng ta chỉ còn một vũ khí: la… thật to.

Có ít nhất hai lần bị giật đồ trong đời và phản ứng duy nhất của tôi là chưng hửng nhìn theo bọn bất lương. Cho đến bây giờ, ai từng trải qua chắc sẽ chung một suy nghĩ: giá mà chúng ta có thể làm điều gì đó!
“Me” hoàn cảnh yếu thế
Một chiều thứ sáu, đợi hoàng hôn thật sự ngả bóng, dòng xe cũng thưa đi đôi chút, tôi thu dọn đồ đạc rời cơ quan. Hai vợ chồng hẹn nhau có mặt ở phòng khám thai chỗ bác sĩ quen. Bà xã tôi khi đó đang mang bầu con rạ tháng thứ Bảy.
Như những lần trước, mọi thứ bình thường, chỉ có một vấn đề, bác sĩ tiếp tục khuyên vợ tôi phải theo dõi tiểu đường trong thai kỳ. Chúng tôi đèo nhau rời phòng khám trên xe gắn máy. Suốt trên quãng đường về nhà, vợ chồng lo lắng trao đổi về điều lưu ý của bác sĩ. Trong lúc đầu óc tôi còn đang miên man về việc sau này nếu không kỹ lưỡng, nàng có khả năng sẽ mắc tiểu đường mãn tính.
Khi đối mặt với cướp, điều khó nhất là giữ được bình tĩnh Ảnh minh họa: Hoài Nhân
Thình lình, tôi chỉ kịp nghe tiếng thắng xe nghiến “kéttttt…” ngay bên mang tai. Cú phanh khét lẹt đó phát ra từ cả phía xe tôi lẫn kẻ đối diện lúc vào cua vòng xoay ở TP.HCM. Gã thanh niên từ hướng trái bất ngờ cúp ngang đầu xe tôi rồi đứng khựng lại, buộc lòng tôi cũng phải thắng gấp theo.
Hoàn toàn không thể biết đó là một cuộc dàn cảnh. Tôi còn đang thoáng nghĩ: “Mẹ cha thằng đi ẩu, mày biết chạy xe không”? Thế nhưng, chưa kịp “chửi” hết nửa câu bật ra trong đầu đó, tích tắc một tiếng “vút vèo” từ phía sau, hai gã thanh niên khác lao lên như gió. Tên ngồi sau nẫng nhẹ nhàng cái túi xách máy tính tôi máng ở thân trước chiếc Air Blade. Tên cúp đầu xe cũng vọt thẳng chẳng thèm tranh cãi câu nào.
Bọn cướp tỏa ra hai hướng khác nhau, phắn nhanh đến nỗi xung quanh chẳng ai biết chúng tôi vừa bị giật giỏ. Còn tôi chưng hửng trong ánh đèn nhấp nhoá giữa bùng binh giao lộ mà chỉ có thể rồ ga chạy theo vài trăm mét lấy lệ. Không thể làm gì hơn, bà xã tôi mang cái bụng chình ình ngồi sau chưa kịp hoàn hồn, nói hổn hển: “Thôi bỏ đi”.
Lần ấy trong cái rủi, còn cái may. Khuya cùng ngày, điện thoại reo, một giọng nữ cho biết “nhặt” được cái túi của tôi vứt bên vệ đường. Nhờ trong túi có hóa đơn thanh toán tiền điện thoại nên chị gọi vào thuê bao in trên đó thử tìm khổ chủ. Tôi mừng rỡ xác nhận mình là chủ nhân. Người phụ nữ hẹn 9g sáng hôm sau gặp chị ta tại một xe thuốc lá ở góc ngã tư Ngô Quyền - Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) để trả lại tài sản cho tôi. Tiền bạc, máy tính tất nhiên đi tong. Nhưng toàn bộ giấy tờ bên trong còn nguyên, đặc biệt, cái ổ cứng 250Gb chứa nhiều dữ liệu quan trọng cũng chưa hết “duyên” với tôi.
Lần khác, một đêm trực về khuya. Giữa đường tôi mới nhớ quên một việc ở cơ quan, bèn tấp vào lề móc điện thoại gọi đồng nghiệp. Một cuộc tranh luận kéo dài trên điện thoại. Bực dọc tôi ngừng ngang cuộc đàm thoại. Đúng lúc tôi vừa chạm vào màn hình định cúp máy thì bỗng cả hai tay tôi bị nhấc hổng lên cao, rồi một cú giật mạnh. Ngước lên, tôi chỉ kịp trông thấy tên ngồi sau đang cầm chiếc điện thoại cướp được nhét vội vào túi áo khoác. Tương tự lần trước, hầu như không một phản ứng gì từ tôi để có thể báo hiệu cho người đi đường biết mình vừa bị giật tài sản. Tôi đề máy xe, rú ga dí theo bọn cướp trong vô vọng khi chúng nhả khói lủi khuất giữa ngã ba đường.
Sau này, nghiệm lại, tôi nhớ ra cả hai tình huống bị cướp giật đều có cùng chung một chi tiết quan trọng: lần nào chính tôi cũng đã trông thấy những kẻ cướp trước khi sự việc xảy ra vài phút.
Lúc chở bà xã mang bầu, tôi đã trông thấy cả 3 tên đi cùng chiều với mình từ mãi đàng xa trước khi vào vòng xoay. Chúng đã “me” bọn tôi từ thời điểm đó. Tôi còn kịp thấy tên đi một mình mà sau này đã cúp đầu xe tôi liên tục ngoái về phía sau ra hiệu cho đồng bọn. Thế nhưng, bản thân tôi chỉ nghĩ họ là người đi đường chờ đợi nhau. Lần thứ hai, trong khi tranh luận với đồng nghiệp trên điện thoại, tôi đã thấy hai tay cướp giật chạy ngang qua mình một đoạn không xa rồi quay đầu xe vọt nhanh theo chiều ngược lại. Có ngờ đâu đó là động tác bọn xấu “lấy đà” để ít phút sau tống ga giật phăng cái smartphone trên tay tôi.
Hãy lùi ra sau hòng quan sát rõ bọn cướp
Bạn tôi, Châu Phạm - môn sinh của một hệ phái võ cổ truyền Việt Nam - chia sẻ một vài kinh nghiệm quý báu khác, khi đối mặt với những kẻ chặn đường cướp của.
Theo anh, hầu hết các tên cướp chỉ quan tâm đến tài sản chứ không hề muốn tấn công “con mồi”. Họ thường sử dụng ngôn ngữ thô tục, lăm lăm vũ khí cốt để đe dọa, hòng làm nạn nhân sợ hãi. Sau đó, cố gắng hoàn thành vụ cướp thật nhanh rồi trốn thoát. Thậm chí, nếu như người bị hại thường không nhớ khuôn mặt, phương tiện di chuyển… của kẻ cướp thế sao, thì bọn họ cũng chả kịp nhớ gì về nạn nhân của mình như thế đó.
“Khó nhất khi mặt đối mặt là giữ được sự bình tĩnh. Hãy cố lùi về sau, tránh xa tầm tay kẻ cướp. Nếu đang ngồi trên xe thì cố nhanh chóng rút chìa khoá, đạp đổ xe rồi lùi ra phía sau. Lùi về phía sau cốt là để quan sát. Với người có nghề, lúc này họ sẽ biết cách giấu những ánh mắt hướng về đối thủ để tìm thời cơ ra đòn chóng vánh. Còn người bình thường, lùi ra sau nhưng mặt vẫn đối mặt sẽ giúp ta dần trấn tỉnh, để ít nhất là nhớ được gương mặt, phương tiện bọn cướp và có thể tri hô thật lớn”, Châu Phạm cho biết.
Còn khi đã ở trong tình huống bị khống chế, nhất là bằng vũ khí, ở người thường xuyên tập luyện, những động tác mang tính phản xạ sẽ giúp rút ngắn khoảng thời gian rơi vào thế bị động và dễ dàng trấn tỉnh, tìm thời cơ bật ngược.
Tuy nhiên, người không có nghề, việc phản ứng trong hoàn cảnh này rất dễ trở thành hành động quơ quào, vô tình vừa gây nguy hiểm cho bản thân, vừa gia tăng sự hoảng loạn. Vì thế, theo Châu Phạm, trong trường hợp này, ta nên nghĩ đến việc bảo toàn tính mạng là trên hết, tài sản không quan trọng.
Hậu quả tinh thần khá nặng nề
Website của Chương trình quốc gia 911 (Mỹ) đã đưa ra các phân tích về phản ứng của người bình thường trước những tên cướp. Điều này phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý quen thuộc, có gì đó tương đồng với hoàn cảnh “yếu thế” mà tôi đã đề cập ở trên.
Phản ứng của bạn đối với một vụ cướp có thể phụ thuộc vào: mức độ đột ngột; mức độ an toàn khi cá nhân bị đe dọa; mức độ manh động của tên cướp; số lượng vụ cướp trước đó mà bạn từng là nạn nhân; mức độ căng thẳng, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn trước vụ cướp. Và một yếu tố khiến cho phản ứng của bạn có thể bình tĩnh hơn hay bấn loạn hơn, hết sức bất ngờ nhưng rất thực tế: đó là số tiền bảo hiểm mà bạn sẽ nhận được ngay sau vụ cướp có hay không, nhiều hay ít?
Bạn đã từng gặp cướp?
Sống ở TP.HCM, có bao giờ bạn phải rơi vào tình huống nguy hiểm và không hề mong muốn này không: bị cướp?
Lúc ấy bạn xử trí ra sao, có bị thương tích cả về thân thể hay tinh thần? Hãy chia sẻ lại câu chuyện của bạn để mọi người có thêm bài học để cảnh giác và xử trí. Bài viết câu chuyện của bạn khi đăng tải sẽ có nhuận bút của Thanh Niên.
Bạn có thể gửi về: rocking.u@gmail.com
Xin chờ đón câu chuyện của bạn!

Theo 911, khi bị đe doạ trong một vụ cướp, nạn nhân có thể không ý thức được những gì mình đang làm. Tất cả dường như đang chuyển động chậm lại. Vài phút trôi qua có vẻ như hàng giờ. Người ta có thể tập trung hoàn toàn vào một hoặc hai sự kiện liên quan đến những gì đang diễn ra mà không còn chú ý đến các sự kiện khác xung quanh nữa. Đây là một điều bất lợi.
Những phản ứng phổ biến là lo sợ cho an toàn của chính mình và người cùng lâm vào cảnh ngộ, bất lực, nhầm lẫn về việc phải làm gì hoặc làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của kẻ cướp, giận dữ khi phải đầu hàng, lo ngại rằng tên cướp có thể nhớ bạn là ai, các phản ứng vật lý như run rẩy hoặc không còn khả năng di chuyển.
Hậu quả lại còn rất phức tạp cho các nạn nhân ngay sau khi bọn cướp đã chạy trốn. Cảm giác giải thoát ban đầu rằng cuộc khủng hoảng kết thúc, còn sống sót, không bị thương sẽ nhanh chóng mất đi nhường chỗ cho sự phẫn nộ. Tại sao nó lại xảy ra với tôi? Tại sao cảnh sát không đến sớm hơn? Lo sợ rằng khi không thể làm gì trong vụ cướp thì sẽ có thể tiếp tục bị cướp ở nhà, trên đường phố hoặc bất cứ nơi đâu.
Bên cạnh mặc cảm rằng đã không cư xử đúng cách trong vụ cướp, rằng đã có thể đã ngăn chặn nó, còn một vụ đánh cướp còn gây ra sự thất vọng ghê gớm lên nạn nhân. Họ thấy mình trở kẻ phải gánh trách nhiệm sau vụ cướp khi phải trả lời nhiều câu hỏi của điều tra viên mà không thể nhớ chi tiết về vụ việc.
Những ảnh hưởng sau một vụ cướp không biến mất ngay lập tức. Trong những ngày sau, nạn nhân có thể tiếp tục trải nghiệm những cảm giác bất thường. Bao gồm rối loạn lo âu, dễ bị tổn thương, cảm giác bất an bởi ý nghĩ “nếu nó đã xảy ra một lần, nó có thể xảy ra lần nữa”. Nạn nhân cảm thấy giảm giá trị bản thân nên dễ cáu kỉnh, quên lãng.
Đúc kết của tổng đài 911 cho rằng gia đình, đồng nghiệp có thể làm một số việc sau đây sẽ giúp nạn nhân hồi phục tinh thần sau vụ cướp. Thứ nhất, nên hoàn toàn tránh xa rượu bia trong giai đoạn này. Bạn bè và gia đình thường xuyên lắng nghe và giúp nạn nhân thành thật với bản thân. Điều quan trọng là các nạn nhân phải nhận được sự bảo đảm rằng đó là một vụ cướp, không phải trách nhiệm của họ. 
Theo báo cáo kết quả công tác bắt giữ, điều tra, xử lý của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM giữa tháng 11, trong năm 2018, lực lượng cảnh sát điều tra đã bắt giữ 5.301 tội phạm (tăng 140 tên so với năm 2017). Trong đó, bắt quả tang chiếm đến 62,7% số đối tượng bắt giữ, bắt khẩn cấp 21,44%, bắt tạm giam 9,73%, bắt truy nã 3,32% và đầu thú, tự thú chiếm 2,77%. Về cơ cấu tội phạm, tội phạm hình sự chiếm tỷ lệ cao với 65,7% trên tổng số đối tượng bị bắt giữ, kế đến là tội phạm ma túy 32,59% và tội phạm kinh tế 1,69%.
Trong năm nay, Công an thành phố đã khởi tố mới 7.959 vụ án, 5.585 bị can (tăng 442 vụ án, giảm 208 bị can so với năm 2017). Lực lượng cảnh sát điều tra cũng thụ lý đến nay 13.064 tố giác, tin báo tội phạm (tăng 1.388 tin so với năm 2017).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.