Bắt trộm, cướp bị chống trả: Nghĩa hiệp có đồng nghĩa với lao vào giằng co?

31/05/2018 09:45 GMT+7

Trong thời gian rất ngắn đã xảy ra 2 vụ người dân và các 'hiệp sĩ' bắt trộm cướp bị đâm tử vong hoặc bị thương. Điều đó cho thấy bắt cướp tự phát, mà không được huấn luyện hay trang bị là rất nguy hiểm cho bản thân, thiệt hại liên lụy đến cả gia đình.

Đã có nhiều vụ bọn trộm, cướp còn quay lại trả thù những người đã tham gia truy bắt. Vấn đề đặt ra là các nếu tiếp tục “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” thì ngoài lòng nghĩa hiệp thì người tham gia can thiệp nên làm gì?
Chúng ta đều biết rằng Công an là lực lượng chính được pháp luật quy định họ có nhiệm vụ bắt cướp, giữ vững trật tự trị an và sự bình yên trong nhân dân. Thế nhưng, thời gian gần đây đã liên tiếp các vụ trộm, cướp, có trang bị hẳn vũ khí nguy hiểm là dao, roi điện, thậm chí là cả súng để chống trả quyết liệt khi bị vây bắt để thoát thân.
VIDEO: Đuổi bắt cướp giật, 3 người dân bị đâm trọng thương trên phố
Do đó, chỉ có lực lượng Công an mới là người được trang bị công cụ hỗ trợ, được huấn luyện nghiệp vụ săn bắt cướp, được quyền bắt giữ trộm cướp. Thậm chí, Công an có quyền bắn hạ đối với các tên trộm, cướp manh động, nguy hiểm sau khi đã bắn cảnh cáo ba lần mà vẫn ngoan cố chống trả gây thiệt hại cho tính mạng của người thi hành công vụ.

Cho nên, khi gặp kẻ trộm cướp nguy hiểm, người dân đều được khuyên là phải báo cho Công an để lực lượng này thực thi nhiệm vụ. Mọi gia đình nên luôn có số điện thoại của Công an phường và của Cảnh sát khu vực để có sự việc thì gọi ngay.
Nếu người dân không báo cho lực lượng công an phường mà tự truy bắt thì có thể tự chuốc lấy hệ lụy cho bản thân. Hoặc nếu lỡ tay gây ra cái chết hay thương tích cho trộm thì có khả năng phải bị tù và phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, việc vây bắt phạm tội quả tang giao nộp cho Công an phường nơi gần nhất được pháp luật quy định mọi người dân đều có quyền này. Mặt khác, người dân chính là tai mắt quan trọng của lực lượng Công an Nhân dân nên việc người dân tham gia truy bắt tội cướp giật trên đường là được khuyến khích.
Người dân bắt cướp và bị đâm ở Thủ Đức gần đây Ảnh: CTV
Chính vì vậy mà các hiệp sĩ hay nhân dân tham gia truy bắt tội phạm là hỗ trợ rất nhiều cho Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đã có nhiều gương điển hình “người tốt việc tốt” được Ban Giám đốc Công An TP.HCM biểu dương khen thưởng, đã có nhiều người ngã xuống vì an ninh trật tự khu dân cư được đề nghị tặng danh hiệu là liệt sĩ.
Mặc dù vậy, cả các “hiệp sĩ” và người dân đều không được đào tạo về kỹ năng bắt cướp, lại không được trang bị công cụ hỗ trợ, không có kiến thức về nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm như Công an nên gặp các đối tượng manh động, nguy hiểm không nên tiếp cận, dùng cây, gây khống chế từ xa đối tượng không để bị đâm như hai vụ vừa qua.
Cuối cùng, sự tham gia bắt cướp của người dân là rất đáng trân trọng nhưng không nên khuyến khích tự phát mà nên kết hợp và hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát hình sự. Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương săn bắt cướp của người dân, Nhà nước nên ban hành chính sách pháp luật rõ ràng về quyền lợi của những người này khi bị thương hoặc bị chết khi tham gia bắt tội phạm nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo vệ sự bình an của cư dân và góp phần kéo giảm tội phạm trong tình hình hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.