'Hiệp sĩ' đường phố: 'Tôi giải nghệ để lo cho gia đình!'

An Huy
An Huy
21/05/2018 09:34 GMT+7

Sau 6 năm cùng anh em đội 'hiệp sĩ' đường phố P.Phú Hòa (Bình Dương) không ngại gian khổ ngày đêm tuần tra bắt cướp, anh Hồ Duy Tân chọn con đường giải nghệ vì kinh tế gia đình không cho phép.

Vụ 5 hiệp sĩ thương vong khi chặn bắt một nhóm trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) tối 13.5, như một vết thương lòng  đối với những “hiệp sĩ" đường phố đang âm thầm ngày đêm tuần tra bắt cướp.
VIDEO: Tâm sự của một "hiệp sĩ" giải nghệ để tiếp tục lo cho gia đình"


Anh Hồ Duy Tân (31 tuổi, ngụ TX.thuận An, Bình Dương) cũng là một trong những hiệp sĩ đầy kinh nghiệm qua nhiều năm bắt cướp. Nhưng rồi, anh phải chia tay anh em đội hiệp sĩ P.Phú Hòa (Bình Dương) dành thời gian lo kinh tế gia đình vì kinh tế gia đình không cho phép, dù ngọn lửa bắt cướp vẫn còn hừng hực trong người.
Chia tay hiệp sĩ vì kinh tế khó khăn
Anh Tân chia sẻ, thời còn làm "hiệp sĩ", anh từng nghĩ sẽ không thể nào từ bỏ được nghề này nhưng cuối cùng anh phải chấp nhận để lo gia đình được tốt hơn.
Anh bộc bạch: “Dù niềm đam mê bắt cướp vẫn cháy bỏng, nhưng cha mẹ tôi đã già. Nếu tôi cứ mãi theo nghề hiệp sĩ sẽ không có tiền lo cuộc sống và phụng dưỡng cha mẹ. Ngày chia tay anh em, tôi rất buồn. Nếu một ngày nào đó, khi kinh tế đã ổn định, tôi cũng sẽ tiếp tục cùng anh em tiếp tục theo đuổi nghề bắt cướp giúp đời”.
Anh Tân nghỉ hiệp sĩ để tập trung công việc kiếm tiền lo cha mẹ ẢNH: AN HUY

Theo lời anh Tân, năm 2007, không ít lần anh chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do cướp gây ra, trong đó nạn nhân đa phần là phụ nữ và người già bị cướp kéo lê trên đường.
Quá bức xúc, anh đã quyết sẽ lấy lại công bằng cho mọi người mỗi khi phát hiện bất cứ vụ cướp nào. Tuy nhiên, hành động “đơn thân độc mã” của anh cũng không mang lại hiệu quả.
Cuối năm 2007, anh Tân quen biết anh Nguyễn Thanh Hải (đội trưởng "hiệp sĩ" P.Phú Hòa, Bình Dương) và gia nhập đội "hiệp sĩ" đường phố.
Dù đã giải nghệ nhưng anh vẫn tham gia một vụ bắt cướp năm 2016 và được Công an tỉnh Bình Dương trao bằng khen ẢNH: AN HUY
Từ đó, nhóm của anh Tân phát hiện nhiều đường dây cướp giật, đinh tặc, lừa đảo giao công an xử lý.  

Anh Tân kể, năm 2010 một số tuyến đường trên địa bàn TX.Thuận An xuất hiện tình trạng đinh tặc. Nhiều người liên tục điều khiển xe máy cán phải đinh hình thoi, xé nát lốp và ruột phải thay mới, thậm chí là té xe.
Trước phản ảnh của người dân, nhóm "hiệp sĩ" của anh Tân đã phối hợp với lực lượng công an địa phương bắt đầu đưa ra phương án bắt quả tang. 
“Ròng rã sau 1 tháng trời tuần tra trên đường, chúng tôi theo dõi và phát hiện một thanh niên khả nghi điều khiển xe máy chạy chậm trên đại lộ Bình Dương. Dưới chân thanh niên này kẹp một gói thuốc lá, mỗi lần nhịp chân là những mảnh đinh hình thoi liên tục rơi xuống đường. Nhóm tôi đã áp sát và bắt quả tang, sau đó giao cho công an điều tra xử lý”, anh Tân cho biết.
Trong 6 năm làm hiệp sĩ, anh Tân cùng nhóm hiệp sĩ P.Phú Hòa (Bình Dương) đã xử lý được hàng trăm vụ trộm cướp, đinh tặc. Anh được Công an và UBND tỉnh Bình Dương trao hơn 20 bằng khen ẢNH: AN HUY
Qua đấu tranh khai thác, chính thanh niên này khai báo được chủ một tiệm sửa xe tại địa bàn bỏ tiền thuê thực hiện rải đinh. Nếu nhiều xe máy cán đinh, anh ta sẽ được người thuê trả thêm nhiều tiền trích từ dịch vụ thay lốp và ruột xe. Từ đó, hai vợ chồng chủ tiệm sửa xe trên bị xử lý, xóa tệ nạn đinh tặc trên địa bàn.
Không phải sợ cướp mà từ bỏ hiệp sĩ
Cũng theo anh Tân, trong 6 năm làm hiệp sĩ từ 2007 - 2013, anh không nhớ hết bao nhiêu lần đối mặt với cướp bị thương tích trên người. Từ chuyện đuổi theo cướp bị đạp té xe, khống chế trộm có hung khí đã để lại không ít những vết sẹo trên người. Nhưng có lẽ, lần bị cướp dùng dao đâm lén sau lưng phải nhập viện năm 2013, anh không thể nào quên.

Anh Tân kể lại, giữa tháng 4 năm 2013, trong một lần đi công việc qua khu vực vòng xoay ngã 7 Lý Thái Tổ (Q.10, TP.HCM), thấy hai thanh niên với nhiều biểu hiện khả nghi, anh liền theo dõi. Hai thanh niên trên chuẩn bị “đá xe” tại một cửa hàng trên đường Ngô Gia Tự bị anh phát hiện, bỏ chạy nhưng do không quen thuộc địa bàn nên anh không đuổi kịp.
Trên đường về lại Bình Dương, khi chạy xe trên đường Điện Biên Phủ (đoạn qua P.Đakao, Q.1) anh bất ngờ bị hai thanh niên truy đuổi trước đó, dùng dao đâm lén sau lưng và bỏ chạy, máu chảy ướt áo. Anh được công an P.Đakao đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh) may 5 mũi với thương tật vĩnh viễn 5%.
“Dù bị thương, nhưng tôi chưa có bao giờ có suy nghĩ sợ cướp trả thù. Nếu sợ, tôi đã không chọn theo nghề hiệp sĩ giúp mọi người. Trong gia đình, ba mẹ lúc nào cũng ngăn cản, không ủng hộ tôi theo nghề hiệp sĩ, dù biết đây là việc tốt nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, tai nạn”, anh Tân tâm sự.
Anh Tân đang khởi nghiệp với một quán ăn gia đình để lo cho gia đình và dự định cưới vợ vào năm sau ẢNH: AN HUY

Qua hơn 6 năm tham gia đội hiệp sĩ, anh Tân đã nhận hơn 20 bằng khen của Công an và UBND tỉnh Bình Dương về thành tích bắt cướp, đinh tặc. 
Sau khi giải nghệ “hiệp sĩ", anh Tân đang bước đầu khởi nghiệp với một quán ăn gia đình tại địa chỉ 177/3 Đất Thánh (KP.Thạnh Hòa B, P.AnThạnh, TX.Thuận An, Bình Dương) lo cha mẹ và dự định cưới vợ vào năm 2019.
Bà Lý Ái Linh (55 tuổi, mẹ anh Tân) cho biết, ban đầu thấy con tham gia hiệp sĩ, gia đình cũng khuyên ngăn hết lời vì công việc này quá nguy hiểm, nhưng thấy con đam mê quá nên cũng không ngăn cản được.
Anh Tân cho biết trong cuộc sống hàng ngày, nếu phát hiện cướp anh vẫn sẽ ra tay giúp mọi người ẢNH: AN HUY
“Làm cha mẹ, thấy con theo nghề nguy hiểm thì không chấp nhận được. Thực tế xã hội xảy ra cướp giật, như tôi là người dân thấy chuyện bất bình như vậy cũng rất bức xúc, nhưng đã có công an trang bị đầy đủ dụng cụ hỗ trợ và làm việc này. Khi con không làm hiệp sĩ nữa mà về bán quán ăn, tôi cũng yên tâm, mong con làm ăn thuận lợi để cưới vợ lập gia đình, yên bề gia thất”, bà Linh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.