Nơi độc nhất Sài Gòn có xóm không nhậu, nhịn ăn 1 tháng!

20/05/2018 09:35 GMT+7

Ở TP.HCM có con hẻm lạ đời, dân nơi đây chẳng bao giờ uống rượu bia, viết chữ từ phải sang trái, sử dụng lịch một tháng chỉ có 29 hoặc 30 ngày...

Đó là con hẻm 157 Dương Bá Trạc, Q.8, với hơn 300 hộ dân, gần 1.500 nhân khẩu, một xóm của người Chăm theo đạo Hồi.
Mai một làng dệt
Chúng tôi ghé đến hẻm người Chăm vào một sáng cuối tuần oi ả. Trong cái nóng khiến bao người điên đảo, người ở đây vẫn mặc quần áo dày cộm, quấn vải kín người.
VIDEO: Xóm người Chăm không nhậu giữa lòng TP.HCM
Người đàn ông Chăm, tên Aptih (tên Việt là Hùng), tự nhận là thổ địa, dẫn chúng tôi tham quan con hẻm lạ đời. Anh cho biết ở đây đa phần là người Chăm theo đạo Hồi Islam, đến từ An Giang, và có cả người Malaysia sang định cư. Từ những thập niên 50 của thế kỷ trước họ đã đến đây, hình thành nên một cộng đồng người Chăm thu nhỏ.
Nghi thức thanh tẩy là điều kiện bắt buộc trước khi làm lễ của người theo đạo Ảnh: Tấn Hiệp
Anh Hùng chỉ chúng tôi căn nhà của Phó giáo cả Haji Mousa, người được ủy thác trông coi giáo khu Anwar này. Ông Haji Mousa trong trang phục truyền thống, đội mũ khăn màu trắng, dệt thêu hoa văn ở các mép, mặc áo cánh xẻ ngực cổ tròn cài cúc có màu tối cùng chiếc váy quần đặc trưng cho nam giới.

“Ở nam giới trang phục ít tiểu tiết hơn nữ. Nữ thường phải mặc áo dài tay, quần dài đến mắt cá. Những thập niên trước, phụ nữ người Chăm theo đạo thường hiếm khi được ra ngoài, nếu đi phải có người lớn hoặc chồng theo cùng. Song nay mọi thứ đã thoải mái hơn...”, ông Haji Mousa cho biết.
Ông Haji Mousa kể, khi xưa khu này có một làng dệt nức tiếng, tạo công ăn việc làm cho người Chăm, nhưng đã mai một. Việc tiêu biến làng dệt này do thị hiếu ngày càng cao của người Chăm lẫn giá bán rẻ của hàng hóa dùng cho người đạo Hồi nhập từ Malaysia về được ưa chuộng, nên làng dệt không còn đất sống.
“TP.HCM hiện có 16 giáo khu theo đạo Hồi, 10 thánh đường và 16 tiểu thánh đường. Trong đó khu này có số dân đông nhất trong toàn thành phố. Chúng tôi sống bằng nhiều nghề khác nhau, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông. Mỗi ngày, chúng tôi làm lễ tẩy thệ 5 lần, trước khi làm lễ phải rửa tay, chân, đầu 3 lần. Nghi lễ này gắn liền với người theo đạo đến suốt đời”, ông Haji Mousa nói.
Các khung giờ diễn ra nghi thức hành lễ Ảnh: Tấn Hiệp

Người theo đạo, dù có bận công việc gì, cũng phải làm lễ. Nếu ở núi rừng thì làm lễ tại rừng, còn bệnh tật không làm được tại thánh đường thì làm tại nhà. Trong một năm, người theo đạo Hồi sẽ có một tháng nhịn ăn (tháng Ramadan) tính theo lịch của người Chăm.
Bà Apsoh nói: “Trong tháng Ramadan, từ khi mặt trời chớm mọc đến khi hoàng hôn buông, không được ăn uống gì cả, ngay cả nước bọt cũng không được nuốt vào. Qua khoảng thời gian nhịn thì mới được ăn uống”.
Tôi hỏi đi làm việc nặng nhọc, nhịn ăn cả ngày xỉu làm sao? Bà Apsoh giải thích: “Họ làm theo tâm nguyện là chính, việc nhịn ăn đã là một thói quen từ lâu, người bình thường thì thấy khó khăn, không thể làm nổi. Nhưng người theo đạo ai cũng thấy bình thường. Năm 10 tuổi, họ đã học tập tục nhịn ăn này rồi”.
Theo bà Apsoh, việc nhịn ăn như vậy giúp tâm hồn thanh sạch, và một năm chỉ có một tháng nên ai cũng cố gắng thực hiện.
Trên mỗi biển hiệu quán ăn dành cho người Chăm theo đạo hồi ở nơi đây đều có dòng chữ HalalẢnh:Tấn Hiệp
Người Chăm sử dụng niên lịch này để tổ chức các buổi hành lễ trong ngày cũng như các buổi lễ lớn trong nămẢnh:Tấn Hiệp
Xóm không nhậu
Con hẻm ngoằn ngoèo, đông đúc dân cư nhưng thường yên ắng. Đa phần người Chăm khu này đều theo đạo Hồi nên nghiêm cấm uống rượu bia. Những tiệc tùng của họ chỉ quanh quẩn vài món ăn, cùng nước ngọt, và không mở nhạc xập xình như những đám tiệc thường thấy.
Đàn ông Chăm hành lễ tại lễ đường Ảnh: Tấn Hiệp
“Việc người theo đạo cấm uống rượu đã có từ hàng ngàn năm nay. Ai cố tình vi phạm xem như tự cô lập mình với cộng đồng. Người Kinh thường gọi nơi đây là xóm không nhậu. Đôi khi cũng có vài đứa trẻ háo thắng, lén lút uống thôi! Uống rượu bia gây mất tự chủ bản thân, hậu quả khôn lường. Vậy nên đạo chúng tôi cấm tuyệt đối”, ông Haji Mousa giải thích.
Ngồi trò chuyện, ông Haji Mousa kể tiếp những thói quen ăn uống: “Ở đây chúng tôi nói không với đồ ăn vỉa hè, làm sẵn. Song trừ khi nơi đó là tiệm có logo Halal của người theo đạo Hồi. Như gà, vịt hay vật liệu nấu nướng thì phải đến những tiệm có dòng chữ trên mới mua. Cho những đồ ăn không phải mua từ tiệm có logo trên, chúng tôi chẳng bao giờ nhận”.
Các cô gái người Chăm theo đạo Hồi Islam chưa lấy chồng trang phục vô cùng kín đáo, ra đường sẽ trùm khăn che mặt Ảnh: Tấn Hiệp

Người Chăm nơi đây đều biết tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Ra đường họ sử dụng tiếng Việt, ở nhà dùng tiếng Chăm để giao tiếp với nhau. Bà Apsoh còn cho biết, ở đây có nhiều thanh niên nói tiếng Anh, Việt rất sõi, có người còn là phát thanh viên của đài truyền hình. Mỗi nhà của người Chăm đều có bộ lịch riêng để theo dõi ngày tháng thực hiện lễ nghi. Lịch này, một tháng chỉ có 29 đến 30 ngày, không giống lịch âm, lịch dương của người Việt.
Hầu hết cộng đồng Chăm ở khu này khó khăn, phải nhờ nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước. Gia đình nào trội lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Người Chăm vẫn giữ phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Chị Ceibingi cho biết, việc cưới hỏi này đã có từ lâu đời. Bản thân Ceibingi cũng hài lòng với việc bố mẹ sắp đặt, vì theo Ceibingi người lớn thường có con mắt tinh tường, biết “chọn mặt gửi vàng”.
Trời về chiều, phụ nữ trong xóm quây quần, ngồi kể đủ chuyện với chất giọng lơ lớ. Họ nói cười rôm rả, có vẻ đó là không khí náo nhiệt duy nhất ở cái xóm không biết nhậu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.