Liên tục chạy xe máy trên khắp các tuyến đường với chủ ý tuần tra bắt cướp, bắt trộm. Nhiều độ tuổi, công việc và gia cảnh khác nhau, vậy điều gì đã khiến các chàng trai này chọn con đường nguy hiểm, thậm chí xả thân, để bảo vệ bình yên?
Sau vụ việc 5 hiệp sĩ đường phố tham gia chặn bắt một nhóm trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) khiến anh Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định) và anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Nai) bị đâm tử vong và 3 người khác bị thương nặng phải nhập viện, báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi nhanh với một số 'hiệp sĩ' trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương để hiểu thêm về động cơ mà các anh đang chọn.
VIDEO: Chủ tịch UBND TP.HCM thăm hỏi các hiệp sĩ bị thương
Có hơn 20 năm làm hiệp sĩ bắt cướp, anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa (Bình Dương) không nhớ hết bao nhiêu lần không chế các đối tượng cướp giật, trả lại tài sản cho người bị hại. Theo lời anh Hải, trung bình mỗi năm anh cùng đồng đội giải quyết được hơn 100 vụ.
“Ban đầu tôi chống cướp giật trên địa bàn, mấy anh em mới thấy vậy cùng tham gia, và rồi đội hiệp sĩ mới lớn mạnh như ngày nay. "Nghề" này rất lạ, giúp được mọi người là bản thân thấy vui kinh khủng, rồi đam mê lúc nào không hay. Dù tôi tự bỏ tiền túi ra phục vụ cho mọi người”, anh Hải vui vẻ nói.
Cũng theo anh Hải, mỗi người có một sở thích và niềm vui riêng. Còn với anh thì anh tìm niềm vui của mình trong những chuyến chạy xe rong ruổi trên đường phố bất kể nắng mưa để quan sát, theo dõi những kẻ cướp giật, trộm cắp, lừa gạt…, đem lại bình yên cho xã hội.
VIDEO: Hai nghi can đâm chết các hiệp sĩ đang bị tạm giữ tại công an TP.HCM
Bắt được kẻ cướp, trả lại tài sản cho người dân là niềm vui của hiệp sĩ ẢNH: D.H
Anh nói anh không kìm lòng được trước cảnh người dân bị cướp giật mất tài sản làm từ mồ hôi nước mắt, thậm chí tai nạn do cướp giật gây ra.
Theo anh Nguyễn Thanh Hải, để tham gia và đội hiệp sĩ, anh em chỉ cần có sức khỏe tốt và có niềm đam mê giúp đời, giúp người. Trước khi chính thức gia nhập đội, anh em sẽ được tổ chức học kiến thức pháp luật. Đồng thời, anh em sẽ được trang bị thêm một số thế võ để biết cách xử lý tình huống như: tiếp cận, khống chế, tướt đoạt hung khí...
"Đến với nghề này, dám dấn thân, đối mặt tội phạm nên anh em tham gia riết rồi quen, chẳng bao giờ thấy run sợ cả. Nếu đối tượng có vũ khí và hung hăng, anh em sẽ gọi điện huy động thêm công an, để xử lý. Nếu xác định không thể bắt, cũng sẽ bí mật đeo bám theo dõi địa chỉ của tội phạm, lấy chứng cứ và cung cấp công an truy bắt", anh Hải nói.
Hàng trăm vụ trộm cướp đã được các hiệp sĩ Bình Dương ra tay bắt giữ thành công, giao công an xử lý ẢNH: Đ.T
Anh Hải chia sẻ, trước đây anh bán vật liệu xây dựng rồi khi anh tham gia gia bắt cướp thì không có thời gian kinh doanh nữa nên anh cho thuê lại mặt bằng và lấy kinh phí từ đó lo cuộc sống gia đình. Anh cũng bỏ tiền túi ra để lo anh em trong nhóm đổ xăng, đi giúp người dân.
Đối với anh, vợ là hậu phương vững chắc phía sau để anh theo được niềm đam mê bắt cướp. Ngoài chăm lo gia đình và các con, vợ anh lúc nào cũng lo lắng không muốn anh làm hiệp sĩ nữa bởi nghề quá nguy hiểm. Thậm chí, gia đình cả hai bên nội ngoại cũng khuyên ngăn, nhưng anh biết công việc mình đang làm không thể dừng lại, khi ngoài kia còn biết bao người dân vô tôi đang phải chịu nhiều đau khổ do cướp giật gây ra.
“Nghề bắt cướp thấm vào máu tôi rồi, không thể nào từ bỏ được. anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
VIDEO: Hiện trường vụ cướp khiến hiện sĩ bị thương tối 13.5
Mất mát không gì bù đắp
Anh Lê Ngọc Phúc (34 tuổi, thành viên đội hiệp sĩ đường phố Q.Tân Bình) cho biết sự việc vừa qua xảy ra quá bất ngờ, anh Thôi và anh Nam ra đi là mất mát không gì có thể bù đắp nổi với anh em trong đội.
Đây cũng là bài học xương máu đắt giá với anh em để hoàn thiện bản thân hơn. “Khi tiếp cận cướp, mình phải giữ khoảng cách từ 2 - 3m để quan sát đối tượng có mang theo hung khí gì không. Nếu có thì đối tượng sẽ rút ra liền, còn không sẽ bỏ chạy, tùy trường hợp sẽ có hướng xử lý khác nhau. Sau sự việc, vợ tôi cũng hết lời can ngăn không theo nghề nữa nhưng tôi quyết không từ bỏ. Dù thế nào đi nữa, các anh em trong đội sẽ tiếp tục bắt cướp, quyết duy trì niềm đam mê theo đuổi hơn 10 năm nay”, anh Phúc chia sẻ.
VIDEO: PC45 Công an TP.HCM thông tin chính thức về vụ trọng án làm 2 hiệp sĩ thiệt mạng
Gãy xương nằm viện
Ông Nguyễn Văn Ra (58 tuổi), chạy xe ôm Q.Thủ Đức cũng tham gia truy bắt cướp từ nhiều năm về trước. Ông đã được trao nhiều bằng khen về công tác truy bắt trộm cướp. Tương tự anh Hải, tới giờ ông Ra không thể nhớ hết những lần truy đuổi bắt trộm cướp giúp người trên đường phố.
Ông Ra kể, có lần khi đang chạy xe ôm trên đường, ông thấy một người phụ nữ bị cướp đạp ngã xe nhìn rất tội nghiệp nên những lần sau gặp vụ tương tự, ông sẽ liều mình bắt cướp để giao cho công an xử lý.
Việc bị chấn thương đối với ông Ra diễn ra như "cơm bữa", có lúc ông nói đùa rằng: “Thương tật của tôi đầy người, giờ chỉ còn cái đầu là chưa bị sao thôi”. Gãy tay, gãy chân với ông là chuyện thường.
Không ít lần các hiệp sĩ bị trọng thương khi đối mặt với cướp. Trong hình là hiệp sĩ Nguyễn Đức Huy đang điều trị tại BV Thống Nhất sau vụ bắt trộm tối 13.5 ẢNH: AN HUY
Theo ông Ra, lần bắt cướp nhớ đời nhất của ông là ngày 14.6.2015. Lúc ấy, ông đang chờ khách ở đường Tô Vĩnh Diện (P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức). Bỗng ông thấy một thanh niên điều khiển xe tay ga không gắn chìa khóa chạy rất nhanh hướng từ P.Linh Trung về đường Kha Vạn Cân.
Bằng kinh nghiệm, ông Ra nhận biết đối tượng này vừa trộm được xe máy nên tức tốc đuổi theo. Không ngờ, người này lại có đồng bọn tiếp cứu.
Ông đã một mình chống chọi và bị ép ngã xe bất tỉnh. Sau lần đó, ông bị gãy 5 xương sườn, xương đòn và xương bả vai, phải nằm viện 5 tháng điều trị mới khỏi.
Hằng ngày, ông Ra vẫn chạy xe ôm, đợi chở khách ở nơi quen thuộc. Ông nói, nếu thấy chuyện bất bình trước mắt thì ông Ra sẽ tiếp tục ra tay giúp đỡ những người bị hại.
VIDEO: Dang dở giấc mơ của hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi
Cũng theo ông Ra, việc bắt trộm cướp hoàn toàn là tự nguyện, tùy lúc nên hoàn toàn không được trang bị kỹ năng phòng chống lại cướp. Do vậy ông hoàn toàn không sử dụng công cụ hỗ trợ mà chỉ có tay không đối mặt với cướp.
Anh anh Đặng Quang Luân, Đội trưởng Đội Săn bắt cướp (SBC) Q.9 cũng chia sẻ, chuyện các thành viên truy bắt trộm cướp và bị ngã xe xây xát là bình thường. Hầu hết các vụ cướp giật, hung thủ đều giấu sẵn hung khí trong người. Có lần các thành viên đội cũng chạm trán và bị chúng rút dao bấm đâm, nhưng có sự đề phòng nên chỉ bị thương ngoài da.
Nguy hiểm là vậy, nhưng khi nghe tin các “hiệp sĩ” đồng đội vừa bị sát hại trong vụ cướp xe SH gây xôn xao nhiều ngày qua, anh Luân và các anh em vẫn khẳng định: “Đã chấp nhận “chơi” là chấp nhận chịu. Chỉ là phải đề cao cảnh giác và cẩn thận hơn sau khi những vụ việc đáng tiếc đó xảy ra, chứ anh em nhất định không bỏ. Nếu ai cũng sợ sệt chúng thì ai sẽ làm công việc này cho mọi người được an toàn?”.
Các thành viên Đội trưởng Đội Săn bắt cướp (SBC) Q.9 mỗi đêm vẫn tuần tra trên khắp các tuyến đường địa bàn quận, đem lại bình yên cho người dân ẢNH: HOÀI NHÂN
Bản thân anh Luân đã từng là một người tập võ Taekwondo từ nhỏ và cái “máu” nghĩa hiệp như đã ăn sâu vào người. Sau khi chứng kiến nhiều vụ cướp nguy hiểm mà một mình anh không thể giải quyết, anh tập hợp các anh em chung chí hướng lại và cùng nhau hoạt động.
“Ba mẹ tôi lúc đầu lo lắng, can ngăn chứ, nhưng sau cũng đành chịu, chỉ dặn tôi cẩn thận. Còn vợ sắp cưới, vì cũng xuất phát từ dân nhà võ nên tính tình y như tôi. Thậm chí nhiều lần Đội tuần tra trong đêm, cô ấy không những không cản mà còn xin đi theo”, anh Luân cười.
Để đảm bảo an toàn, anh Luân liên kết Đội SBC của mình với lực lượng chức năng khu vực, sẵn sàng liên hệ trong những tình huống khẩn cấp. Một số kĩ năng tự vệ cũng được lực lượng chức năng bổ trợ cho anh và các đồng đội.
Chủ yếu được chia sẻ kinh nghiệm
Bên cạnh đó, anh Trần Văn Tiến, thành viên Đội SBC Q.9 cũng chia sẻ: “Lần đầu tiên xuống Sài Gòn, tôi thuệ trọ ở một mình. Bữa kia độ 3 giờ sáng thì bị một tên trộm đột nhập phòng. Tôi phát hiện và đuổi theo, được khoảng vài trăm mét thì nhớ lại mình còn tài sản trong phòng nên quay về. Từ lúc đó trong đầu đã có ý nghĩ sẽ tham gia vào một đội nhóm nào đó để bắt tội phạm. Bản thân mình khi đi đường cũng vậy, thấy giật đồ này kia tức lắm mà một mình thì không làm được gì cả. Nên khi biết hoạt động của Đội SBC Q.9 thì mình liền tham gia”.
Vốn là dân kĩ thuật, làm thêm nghề chạy Grab, anh Tiến hoàn toàn không có võ thuật hay kĩ năng gì. Cho đến lúc vào đội, anh và các anh em mới được đội trưởng hướng dẫn các kĩ năng này, cũng như chia sẻ kinh nghiệm xủ lí tình huống cho nhau. Khi hỏi về sự nguy hiểm của công việc này, anh Tiến lắc đầu: “Không sợ, nếu sợ đã không làm”.
Đó không phải là nghề mà là việc giúp người
Anh Kha, hiệp sĩ Q.Tân Bình chia sẻ, cũng vì bất bình trước cảnh cướp giật lộng hành mà mình tham gia. Nhất là có lần anh Kha chứng kiến cảnh một người phụ nữ bị cướp giật giỏ xách, kéo lê trên đường nên muốn bắt cướp giúp người.
Tuy nhiên, để bắt được cướp thì không dễ dàng gì, anh Kha hoàn toàn không được trang bị kỹ năng nào khác mà tất cả đều là sự tích lũy kinh nghiệm sau nhiều lần truy bắt trộm cướp. Sau đó, anh Kha tham gia nhóm hiệp sĩ để học hỏi thêm và cũng nhờ đi thành nhóm nên giảm bớt được sự nguy hiểm khi bắt cướp.
“Ban ngày chúng tôi đi làm, còn ban đêm chúng tôi đi bắt cướp. Chúng tôi coi đó là việc giúp người chứ hoàn toàn không xem là một cái nghề. Tiền làm ra được thay vì nhậu nhẹt, cà phê thì chúng tôi lấy đổ xăng để đi tuần tra”, anh Kha cho biết.
Kỷ niệm nhớ nhất của anh Kha là trong lần truy đuổi cướp bị chọi đá khắp người, bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương sọ não, tét thịt. Nhưng may mắn vài hôm sau khám lại không bị tụ máu trong đầu nên cũng không nguy hiểm đến tính mạng.
Bình luận (0)