Người Sài Gòn chung tình: 3 thập niên 'chết danh' với tên Mr. Mouse

Hoài Nhân
Hoài Nhân
01/07/2019 09:40 GMT+7

Ngót nghét 29 năm, ông Chuột vẫn yêu trẻ con như cái ngày đầu tiên làm ra con chuột đồ chơi. Để rồi "chết danh" với cái tên đó luôn, lại còn “sang” hơn khi những đứa trẻ nước ngoài đi ngang gọi ông là “Mr. Mouse”.

Ông Chuột giữ tuổi thơ

Một tối, tôi trông thấy một người đàn ông cặm cụi với món đồ chơi dân gian trên tay, ở một góc phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Không khó để nhận ra ông Sáu Chuột “nổi tiếng” với trẻ con – người duy nhất làm những món đồ chơi dân gian ngộ nghĩnh ở Sài Gòn. Hơi mệt vì một ngày làm việc, tôi đã định về. Vậy mà chẳng hiểu sao, nụ cười hiền khô của ông khi cầm một con rắn giấy đùa giỡn với một đứa trẻ trên hè phố, chợt sáng lên giữa dòng người qua lại. Hình ảnh ấy níu chân tôi tấp xe, lót dép ngồi bệt, nghe ông kể chuyện đời.
Ông chìa tay đưa 2 con rùa cho 2 đứa trẻ đứng “thèm thuồng” chỉ trỏ gian hàng đồ chơi: “Ông cho tụi con mượn chơi nè, một chút trả ông hen”.
Giọng ông có phần yếu ớt, như một minh chứng của thời gian, của cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn đầy ấm áp. Ông nói với tôi: “Mấy đứa nhỏ là con của những người bán hàng rong gần đây. Chúng nó đi loanh quanh, mê đồ chơi lắm mà đâu có tiền mua. Đời vẫn thế, người xài không hết, kẻ lần không ra”.
Ngót nghét 29 năm rồi, ông Chuột vẫn yêu trẻ con như cái ngày đầu tiên làm ra con chuột đồ chơi bán cho con nít. Để rồi "chết danh" với cái tên đó luôn, lại còn “sang” hơn khi những đứa trẻ nước ngoài đi ngang vẫn liến thoắng gọi ông là “Mr. Mouse”. Ông chọc lại bằng tiếng Anh, tiếng Pháp khiến đứa nào đứa nấy cười bò lăn.

Đám con nít vây lấy ông Chuột đùa giỡn, thân thương như người ông ở nhà mình

HOÀI NHÂN

Đứa trẻ nào thích chơi, ông Chuột đều cho các em mượn chơi. Nghịch ngợm làm hư đồ, ông chẳng hề la mắng hay khó chịu, cũng không bắt phụ huynh phải đền tiền. Ông chỉ vừa kiên nhẫn ngồi sửa vừa cười: “Không quậy sao gọi là con nít”.

HOÀI NHÂN

Mà chẳng phải kiểu biết lõm bõm đâu, ông ngồi vỉa hè vậy thôi, chứ bao nhiêu người nước ngoài bắt chuyện, ông tiếp hết! Ông giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, ông tinh vật lý, tường lịch sử, hiểu về tôn giáo, đọc nhiều văn học kinh điển… nên hầu như ai cũng bị cuốn vào sự uyên bác của ông.
“Xưa ông học đến tú tài 2 thì nghỉ, đâu năm 23 tuổi. Ông làm đủ nghề hết trơn á, làm văn phòng, làm thanh tra, dịch thuật, hòa bình thì về làm ruộng, vì nhà ông có ruộng đất ở quê Tây Ninh. Ào một cái, 5 đứa con ông thành đạt hết rồi. Lâu lâu nhìn vô kiếng, ông cũng thấy mình hơi hơi già thật rồi”, ông phẩy tay, cười khanh khách.

Căn gác nhỏ trong căn nhà ở Q.Bình Thạnh, là "thiên đường" cho bất kỳ đứa trẻ nào "lạc" vào, vì chứa hàng trăm con vật đồ chơi ông làm mỗi ngày

HOÀI NHÂN

10 ngón tay co quắp vì bị teo cơ từ rất sớm, ông vẫn làm nên những món đồ thủ công tỉ mỉ đến không ngờ. Ông nói, chỉ cần đừng bi quan, mọi thứ đều sẽ tốt đẹp mà thôi

HOÀI NHÂN

Quầy đồ chơi dễ thương của ông Chuột thu hút cả trẻ em lẫn người lớn. Ai cũng nhìn thấy một phần tuổi thơ của mình trong những món đồ chơi xanh đỏ

HOÀI NHÂN

Chính xác là năm 1990, thấy sức mình yếu dần, không làm ruộng được nữa, ông về Sài Gòn làm đồ chơi con nít bán. Lý do đơn giản chỉ vì ông yêu con nít, mà ông lại mê sáng tạo nữa. Cứ thế, ông mày mò làm ra con chuột bằng giấy. Rồi ngày qua ngày, bằng bàn tay “phù phép” của ông, con chuột dần trở nên xinh đẹp với hoa, lá, cành trên thân. Rồi con chuột biết chạy, chạy nhanh nữa là đằng khác, vì ông lắp cái bánh xe bên dưới. Rồi cứ 1 – 2 năm, lại thêm con chim biết chạy, rồi con bướm, con rùa, con cá, con cua…
Vợ ông hào hứng góp thêm con rắn nữa. Con này ông không xếp được vì đôi tay bị tật từ trẻ, những ngón tay co quắp không thể nào duỗi thẳng. Thế là “sở thú” của ông đến nay đã được 11 con, chạy lăng xăng trong quãng đời tuổi thơ của biết bao nhiêu đứa trẻ thị thành.

Món đồ chơi "made in Ông Chuột" hoạt động bằng nguyên lý rất đơn giản, dựa vào sự đàn hồi dây thun và dùng một sợi chỉ cuốn lấy bánh xe tự chế. Nhưng cũng phải thất bại nhiều lần, ông Chuột mới cân bằng những con vật và cho chúng chạy trơn tru. Mỗi con vật đều đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm

HOÀI NHÂN

Chẳng ai giữ được những ngày đã qua...

Sau tất cả, ông vẫn yêu thành phố này, vì ông tin Sài Gòn vẫn rất đẹp ở một góc độ nào đó, chỉ cần thay đổi cái nhìn

Ông Chuột

“Ban ngày ông ở nhà làm đồ chơi, tầm 5 giờ chiều thì đạp xe đi bán. Hồi xưa ông bán ở chỗ tượng đài phố đi bộ bây giờ, rồi ông lang thang qua Sở Thú, Hồ Con Rùa, Nhà Thờ Đức Bà. Xưa mỗi con là 2 nghìn đồng, con nít mê tít hà! Ngày ấy, đâu có nhiều thứ để chơi…”, giọng ông đang hào hứng, bỗng hơi trầm xuống.
Tất cả thay đổi và đi lên. Những con diều giấy tự làm bằng khung tre, dán miếng hồ ngày nào, nay đã rợp trời những con diều nhựa sặc sỡ sắc màu, đuôi rồng cánh phụng. Những trò ô ăn quan, cờ ca-rô, bún thun, banh đũa, bắn đạn,… nay vẫn còn đó, nhưng thu nhỏ lại chỉ bằng chiếc màn hình điện thoại. “Mà cũng có ai chơi, ông thấy mấy đứa nhỏ giờ chơi cái gì mà liên quân “mô bin”, chúi đầu chúi mũi bấm bấm quẹt quẹt. Chắc trò ấy rất vui”, ông Chuột suy tư.

Phân nửa gian hàng đồ chơi dân gian của ông đã phải nhường chỗ cho những món đồ chơi hiện đại. Như một minh chứng cho việc mọi thứ đều không thể nằm ngoài quy luật phát triển chung của cuộc sống. Cái mới, cái hiện đại sẽ dần thay thế những cái cũ xưa, dẫu có khiến người ta tiếc nuối...

HOÀI NHÂN

Ban ngày, ông Chuột làm đồ chơi. Sau đó đạp xe đi bán từ 5 giờ chiều đến 10 - 11 giờ đêm mới về nhà. Mỗi tháng ông cũng lời khoảng 3 - 5 triệu đồng

HOÀI NHÂN

Mỗi con vật sặc sỡ có giá 20 nghìn đồng, nhưng nhiều khi, ông cho không những đứa trẻ nghèo thèm thuồng món đồ chơi

HOÀI NHÂN

Chẳng ai có thể chống lại được quy luật thời gian, nhưng người ta vẫn hay buồn vì điều đó. Ông Chuột cũng buồn, khi thấy những con vật của mình bán chậm hơn theo thời gian. Tôi cũng buồn, khi nhìn thấy trong gian hàng của ông, giờ đây đã chia hai nửa: một nửa bày đồ chơi dân gian, còn một nửa là những con vật đỏ xanh chớp tắt, những cục cao su Trung Quốc bóp nắn ra hình thù lạ lẫm (mà tôi chẳng biết tên là gì), cả con thú nhún lò xo đang “bắt trend” khắp nơi.
Ông nói, phải theo thời thế, ông không bày cái đó, nhiều đứa trẻ chẳng thèm ngó ngàng tới gian hàng của ông, và dĩ nhiên sẽ chẳng thấy những con chuột, bướm, gà tự tay ông làm. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của G.Đôme: “Có ba thứ không bao giờ quay trở lại, là tên đã bay, lời đã nói và những ngày đã qua”. Thôi thì, ông Chuột giữ được một nửa “ngày xưa”, hẳn đã là một điều đáng mừng rồi, đúng không?
Câu chuyện cũ kéo ngày tháng cũ trở về. Ông kể về những rạp chiếu bóng “thùng” đi động xa lắc xa lơ, rồi những lần trốn nhà đi coi rạp xi-nê cùng lũ bạn. Ông kể về cái nghề thợ chụp ảnh năm nào ở những ngơi ông ngồi bán đồ chơi, giờ thì ai cũng kè kè chiếc smart-phone, cũng chẳng đắt đỏ gì để mua chiếc máy ảnh, nên những tay thợ dạo lần lượt bỏ nghề. Ông kể về những mái nhà Sài Gòn lụp xụp, cứ lên dần 1 tầng 2 tầng rồi giờ đây có cái nhà đâu đến 81 tầng, mà nghe đâu vẫn chưa chịu dừng cao thêm.
“Thăng trầm cuộc đời cũng nếm trải đủ nhiều. Sài Gòn mà ông thấy, đã đi qua quá nhiều biến động. Có thể những thế hệ sau sẽ nghĩ khác, nhưng trong ông, “hòn ngọc viễn Đông” ngày xưa rất đẹp, rất trù phú. Dân tứ xứ đổ về, Sài Gòn bao dung chở che tất. Thời cuộc là chuyện đương nhiên, nhưng ông thấy cuộc sống bấy giờ đơn giản, người ta đối đãi với nhau bằng cái tình, cái nghĩa, cái đạo đức. Giờ thì vẫn là Sài Gòn, nhưng xô bồ quá, tranh nhau quá... Nhiều khi ông sợ đọc tin báo hằng ngày, vì sợ nhìn người giết người, sợ sự vô cảm trong một tai nạn xe trước mắt, sợ những tiêu cực nào đó bị phanh phui. Nhưng sau tất cả, ông vẫn yêu thành phố này, vì ông tin Sài Gòn vẫn rất đẹp ở một góc độ nào đó, chỉ cần thay đổi cái nhìn”, ông nói.

Ở tuổi 77, con cháu thành tài, có của ăn của để, ông vẫn chẳng muốn nghỉ làm. Ở ngoài gặp người này, người kia, ông thấy thoái mái hơn. Nhưng trên hết, nụ cười của những đứa trẻ khi cầm món đồ chơi ông làm, khiến ông chẳng thể nào bỏ được cái nghề

HOÀI NHÂN

Nụ cười hiền hậu suốt gần 30 năm ông vẫn dành cho những đứa trẻ thị thành

HOÀI NHÂN

Rồi chẳng nói thêm nhiều về những thứ sâu xa, ông Chuột lại cặm cụi sửa sửa mấy con vật, hào hứng nói về nguyên lý hoạt động của những món đồ chơi và kể về những kỉ niệm vui buồn. Bao nhiêu đứa trẻ mua rồi, ông đâu có nhớ hết. Bữa nọ có cô kia dắt con đi ngang, ghé mua, tự dưng tay bắt mặt mừng với ông, nói gặp lại ông mừng quá. Cô nói, mẹ mất lúc cô chỉ vừa 2 tuổi, cái nghèo chồng thêm cái khó. Vậy rồi, cô lớn lên bằng chính những con chuột, con rùa của ông mà ba mua cho. Những món đồ chơi xanh đỏ giản đơn lại cho cô vượt qua mặc cảm về sự mồ côi, về cái nghèo không đủ đầy như bè bạn.
Như ngạn ngữ Nga có câu: “Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng, bởi lẽ tâm hồn cũng cần được ăn uống”. Những món đồ chơi thủ công xanh đỏ, đã tưới mát tâm hồn ông vì “không làm ông cứ thấy tay chân bứt rứt và ông nhớ nụ cười con nít”, cũng đã tưới mát tâm hồn của biết bao thế hệ trẻ con.
Con cái thành đạt, ít nhiều cũng của dư của để, chẳng ai cho ông đi làm công việc này, nhưng ông nói “ông không làm thì ai làm”. Tôi chợt nghĩ, đúng vậy thật, nếu không phải là ông, còn ai sẽ gìn giữ những món đồ chơi dân gian đang dần biến mất, còn ai sẽ viết nên tuổi thơ hồn nhiên cho những đứa trẻ thị thành? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.