Những ngày cuối tháng 4, Nam bộ nắng nóng gay gắt, dự báo chỉ số tia UV ở ngưỡng rất cao, có thể gây bỏng và ung thư da. Nhưng với nhiều người Sài Gòn đang mưu sinh kiếm cơm, có nắng thế hay hơn nữa, họ vẫn phải phơi mình ngoài đường.
Nắng muốn nổ đầu
Giữa trưa, mặt trời chiếu thẳng xuống mặt đường, bà Nguyễn Thị Bình (64 tuổi, quê Hải Phòng) chỉ nhìn thấy cái bóng ngắn cũn của mình cùng chiếc xe đẩy chất đầy chai lọ di chuyển trên đường. Mặt đỏ lừ, cảnh vật phía trước bỗng nhòe đi, bà Bình mới chịu tấp vào một bóng cây bên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) ngồi nghỉ.
|
Vừa uống miếng nước, bà Bình cởi chiếc nón quạt lấy quạt để. Mồ hôi rơi tòng tòng như tắm, bà ngồi thở dài, chốc chốc gục mặt xuống gối vì mệt. Bà chia sẻ: “Mấy nay nắng dữ dội, đẩy xe đi tới 10 giờ là đầu tôi bừng bừng lên rồi, tới 12 giờ thì muốn nổ đầu luôn nên phải dừng lại nghỉ một chút cho hồi sức rồi đi tiếp”.
Bà Bình làm nghề ve chai, hằng ngày bà đi dọc đường Phan Xích Long và các tuyến đường nhánh quanh đó để vừa nhặt, vừa mua khi có người bán. Những ngày cách ly xã hội, hàng quán đóng cửa, thu nhập của bà chỉ bằng 1/3, 1/4 so với ngày thường. Nhưng bà vẫn không cho phép mình được nghỉ ngày nào, vì bà là lao động chính của gia đình.
|
Theo lời bà Bình, chồng bà bị bệnh huyết áp, ông thường xuyên bị lên máu đến mức phải ngâm chân vào nước nóng nên không đi làm gì được. Con trai thì đang học lớp 12, những ngày này dù không phải đến trường nhưng vẫn học online nên cũng không phụ giúp gì được cho mẹ.
“Từ sáng đến giờ mới đi mua bỏ vốn ra là 34.000 đồng, mà toàn chai lọ nên nhìn cồng kềnh thế thôi chứ bán xong trừ vốn ra chẳng được bao nhiêu đâu. Nên giờ trưa tôi ngồi đây nghỉ mệt chút, ai đi ngang qua có đồ bán họ kêu thì chạy tới. Chứ nắng nóng lắm, đau đầu chịu không nổi”, bà Bình bộc bạch.
‘Ráng ra đường vì phòng trọ nóng hơn’
Đúng tầm nắng nóng cao điểm nhất trong ngày, dọc các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh), nhiều người thu mua ve chai ngồi nghỉ mệt.
Trên đường Điện Biên Phủ, ông Dương Văn Tư (71 tuổi) nằm vắt vẻo trên chiếc Dream cũ của mình nhìn xe chạy và chờ khách. Hết nằm lại ngồi, ông đổi qua đổi lại cả chục lần vẫn chưa có khách nào đến hỏi.
|
Mắt nheo nhúm, mặt và cổ đỏ bừng bừng vì nắng, ông Tư cho biết, ngày trước ông làm bảo vệ cho một ngân hàng cũng trên đường Điện Biên Phủ, đến năm 60 tuổi nên lúc nghỉ ông xách xe đứng trước ngân hàng chạy xe ôm luôn.
Ông nói: “Bữa giờ nắng to quá, nhà trọ tôi có tí xíu nó còn hầm hập không chịu nổi nên dù ở ngay đây, có muốn về nghỉ trưa tí tôi cũng đành chịu. Ở ngoài đường dù nắng đến hoa mắt chóng mặt, thêm hơi nóng từ mặt đường hất lên nữa nhưng ít ra còn có tí gió, về nhà trọ là tôi không thở được luôn”.
|
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Tư không có khách vãng lai, chỉ có vài khách quen lâu lâu vẫn gọi nên dù lúc nắng hay mưa, ông vẫn đậu chiếc xe ở ngay đúng dưới gốc cây quen thuộc.
Vì miếng cơm manh áo
Cách ông Tư chừng 200m là chiếc xe bán nước của bà Lưu Thị Thu Hằng (52 tuổi). Bà Hằng bị biến chứng của tiểu đường, phải cắt bỏ một phần bàn chân, dáng đi khập khiễng nhưng bà không nghỉ ngày nào vì sợ không có tiền mua thức ăn.
|
Ngồi nấp dưới chiếc dù màu xanh lá, bà Hằng nhìn dòng xe chạy xẹt qua trước mặt và ngóng khách. “Nắng lắm, tôi phải đeo 3 cái khẩu trang là biết rồi. Này ngay đường lớn nên hơi nóng từ mặt đường hầm lên ghê lắm. May mà có tí gió chứ không chắc tôi chịu không nổi. Trưa nào mồ hôi cũng tuôn như mưa”, bà Hằng nói.
Tương tự, sau khi ăn vội bữa trưa mang theo, ông Trần Thanh Dũng (53 tuổi) lại oằn mình đạp chiếc xe chở các món bánh truyền thống đi khắp các ngõ ngách ở Q.Phú Nhuận và Q.Bình Thạnh tìm khách.
|
Mồ hôi ướt hết ở lưng áo, đôi mắt nheo lại vì nắng, ông Dũng kể, với các món bánh này, ngày mưa sẽ bán được hơn ngày nắng. Hổm rày đường lại vắng nên ông càng phải cố hơn để kiếm đủ tiền nhà trọ và tiền rau qua ngày.
“Nắng nóng lắm, tôi ráng đạp vậy chứ nhiều khi chậm ngang với người đi bộ. Khi nào mệt quá không chịu nổi tôi mới tấp vào nghỉ, còn không thì cứ rảo qua rảo lại. Ít ra ngày cũng phải kiếm được 100 ngàn thì mới yên tâm đạp về”, ông bộc bạch.
Bình luận (0)