Từ những năm 1930, đã có rất nhiều người Hoa đến Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó có ông Triệu Mộc, một người Tiều đã chọn Chợ Lớn làm nơi dừng chân. Cộng đồng người Tiều ở Chợ Lớn cũng khá đông và đã kinh doanh nhiều món ăn Tiều thành công và được người Sài Gòn biết đến từ lâu nay như xá bấu, phá lấu, cháo Tiều, hủ tiếu Hồ, chè hột gà...
Năm 1948, ông Triệu Mộc đã lấy nghề truyền thống của gia đình ra kinh doanh ở Chợ Lớn, đó là nghề làm bánh pía nhân khoai môn, kẹo mè, kẹo đậu phộng, kẹo mè xửng... Từ đó đến nay đã trải qua ba thế hệ làm các món bánh kẹo này tại xưởng nhà.
Ban đầu, các loại bánh kẹo này chỉ dành cho người Tiều dùng vào các dịp cưới hỏi, lễ, Tết, cúng kiếng, giỗ chạp, sau đã nổi danh trong cộng đồng người Hoa nói chung. Người Việt ở Sài Gòn đã biết tới các loại bánh kẹo này từ rất lâu và thấy rất hợp khẩu vị.
|
Anh Triệu An, cháu ruột của ông Triệu Mộc và cũng là thế hệ thứ 3 của gia đình đang sản xuất và kinh doanh các loại bánh kẹo này chia sẻ: "Năm ngoái, có một nhà báo ở bên Singapore đã sang tận nơi để viết về món bánh pía nhân khoai môn của chúng tôi, vì họ đã tìm hiểu và nhận ra rằng, đây là nơi rất hiếm hoi còn giữ được linh hồn và cách làm bánh pía truyền thống của người Tiều đã bị mai một, ngay cả bên Singapore cũng không còn giữ lại được cách làm và hương vị này. Họ đã viết một bài báo dài để nói về nghề truyền thống của gia đình chúng tôi".
|
Xưởng sản xuất bánh và kẹo của anh Triệu An đặt tại nhà. Gọi là xưởng, thực ra chỉ là một gian nhà không quá rộng, có đầy đủ máy móc để vừa dùng máy, vừa làm thủ công để cho ra các món bánh kẹo còn nóng hổi, đóng vào hộp và bán trong ngày. Những khách hàng đến đây đều là những người đã mua từ vài chục năm nay và họ thích mua bánh vừa mới ra lò như vậy.
Ông Di Hòa, một vị khách quen thuộc năm nay 60 tuổi nhưng vẫn chạy xe máy từ quận 1 tới quận 6 để mua bánh pía mới ra lò và kẹo mè xửng. Ông nói: "Tôi chỉ mua ở đây thôi vì quen thuộc bao nhiêu năm rồi. Bánh đúng hương vị truyền thống, lại không có chất bảo quản, mua về là phải ăn ngay chứ không để lâu được, nhưng vậy mới yên tâm".
|
Anh Triệu An chia sẻ: "Các loại bánh kẹo nhà làm đều khuyến khích khách hàng ăn càng sớm càng tốt, không để quá một tuần. Các loại kẹo mè hay đậu phộng, chúng tôi chọn mua mè và đậu phộng loại 1 đắt tiền nhất, gốc từ miền Trung mới cho ra hương vị đặc sắc, ngày nào làm kẹo thì rang mè và đậu phộng ngày đó mới ngon. Nếu để lâu thì mè và đậu phộng sẽ bị hôi dầu, nên ăn càng sớm càng tốt".
|
Chị Thu Giang (Q.3) đến tận xưởng để mua kẹo làm quà tặng người thân mỗi khi có dịp về thăm chia sẻ: Kẹo đậu phộng và kẹo mè ở đây cực kỳ thơm, lúc tôi mua vẫn còn nóng hổi vì vừa làm xong, đó là điều không có nơi nào làm được. Đặc biệt, kẹo ở đây đã được giảm đường tối đa và không bị ngọt, nói chung hương vị này, không phải nơi nào cũng thấy, ngon hơn hẳn các loại kẹo tương tự bán trên thị trường với thời hạn sử dụng kéo dài.
|
|
Bí quyết để giữ chân thực khách, theo anh Triệu An là lựa nguyên liệu ngon nhất và đắt nhất để làm. Ví dụ, bột mì phải là bột mì Nhật Bản (made in Japan), mè, đậu phộng cũng phải đắt tiền nhất và lựa từ vùng trồng ra loại này ngon nhất. Chỉ có kỹ thuật làm kẹo đậu phộng và kẹo mè ít đường là hơi khó một chút, còn lại, không có gì khó cả.
|
|
Kẹo mè xửng của người Hoa khác với kẹo mè xửng Huế, mềm và bọc bên ngoài bằng mè rang chứ không như mè xứng Huế cứng hơn và có lớp bánh tráng mỏng bên ngoài. Bánh pía nhân khoai môn thơm lừng và vỏ giòn nhiều lớp rất hấp dẫn. Bánh pía mua về còn nóng hổi và nên ăn ngay sẽ thấy thơm ngon và thật sự khác biệt.
Trải qua hơn 70 năm kể từ năm 1948, món bánh kẹo truyền thống của người Tiều đã giữ chân rất nhiều thực khách trung thành với công thức không thay đổi theo thời gian. Cũng như nhiều người, tôi đã cảm mến nơi này vì luôn mua được bánh kẹo nóng hổi vừa ra lò, sự niềm nở và chân tình của người bán. Người Hoa ở Chợ Lớn rất biết giữ nghề truyền thống và luôn giữ được chữ tín cao độ, bởi vậy giữ được chân khách hàng trung thành qua bao thập kỷ.
|
|
Bình luận (0)