Nhắc đến chợ Thiếc (quận 11, TP.HCM) nhiều người không thể không nhớ đến những hàng ăn đặc sản của người Hoa hay những món ăn độc lạ chỉ bán vào ngày mùng 1, ngày Rằm hàng tháng. Bên cạnh số đó, có một quán nhỏ bán các loại sữa ngũ cốc ở rìa chợ níu chân người Sài Gòn đã hơn 2 thập kỷ nay.
Đó là quán sữa ngũ cốc của bà Kim Liên, quán nổi bật lên với món sữa ngũ vị được ví: “trộn mà không trộn” gây thương nhớ cho nhiều người.
|
Sữa ngũ vị chưa bao giờ vắng khách
Quầy sữa bà Liên được nhiều người biết đến vì ở đó có những thức uống nguyên vị ngũ cốc khó mà có thể tìm thấy được ở một nơi nào khác. Thực đơn ở đây có sữa khoai môn, mè đen, đậu phộng, đậu nành, nước ép chanh dây, nha đam, rau má…
Tất cả các món sữa ngũ cốc hay nước ép đều được quậy lên hòa với đá lạnh giúp người uống vừa cảm thấy ngọt mát vừa thấy đỡ ngán. Tuy nhiên, duy nhất có một loại sữa tổng hợp đặc biệt được gọi là “trộn mà không trộn” luôn hấp dẫn khách dù cả những ngày dịch bệnh.
|
Giải thích về cái tên này bà Liên cho hay: “Loại sữa ngũ vị là tôi trộn các loại sữa ngũ cốc lại với nhau. Có 5 loại ngũ cốc trộn vào nhau để người uống thẩm thấu được vị tổng hợp đặc biệt. Nhưng mà người uống khi thưởng thức thì không được quậy lên, không được trộn đều mà phải giữ nguyên cốc để uống liền. Khi đó hương vị của sữa ngũ vị mới đúng là ngũ vị”.
“Tôi nghĩ ra món sữa ngũ vị này từ cách đây 2 năm, tự nhiên bán lâu các loại kia rồi tôi nghĩ ra rồi trộn lại thử xem. Ai ngờ trộn xong mọi người kể cả người già, người trung niên đi chợ, người trẻ đi học và cả trẻ em nhỏ xíu nữa cũng ghé quán để tìm uống sữa này. Mà họ đã uống thì lâu dần trở thành khách ruột của quán luôn”, bà Liên nói thêm.
|
Nhiều người Sài Gòn vẫn không thể quên ghé qua quán sữa bà Kim Liên để làm một ly sữa ngũ vị cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Quán sữa bà Kim Liên chỉ bán từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều là nghỉ, thời điểm đông nhất có đến là khoảng từ 8 giờ đến 10 giờ, lúc này đông khách bán không kịp.
|
|
Bà Liên cho biết: “Mỗi ngày quán tôi bán hơn 100 ly sữa tại chỗ, ngoài ra còn không đếm hết cả số chai mà khách mua mang về nữa. Mấy ngày dịch thì cũng vậy, khách vẫn đến ủng hộ quán và giờ càng ngày khách càng đến uống đông nữa rồi”.
Bà Ngọc Yến, ngụ quận 6, là một khách ruột của quán chia sẻ: “Mỗi ngày tôi ghé đây uống một thứ sữa, thứ nào cũng thấy ngon mà đậm vị hết, ngon thật. Cô Liên bán cái gì cũng ngon, tôi uống được mấy chục năm rồi, uống nhiều chỗ nhưng không bằng ở đây nên lúc nào cũng ghé về đây”.
|
Lưu giữ nghề truyền thống 3 đời
Bà Kim Liên sinh năm 1954, mở bán quán sữa từ năm 1997, tính đến nay đã hơn 2 thập kỷ. Bà Liên luôn cố gắng tìm cách để duy trì nghề truyền thống của gia đình.
Cùng với bà Liên duy trì và phát triển quầy sữa mấy chục năm nay là người chồng – người phụ bà những khâu chuẩn bị, xay đậu, lấy hàng phía sau. Bà Kim Liên tâm sự: “Tôi may có ông nhà chứ nếu ông ấy mà ra đi trước chắc tôi cũng hết đường buôn bán luôn.
Trước đây tôi bán hàng rau cải ở chợ, sau này lấy chồng thì nhà chồng có nghề truyền thống xay đậu nành, bà nội chồng bán tàu hủ chén, mẹ chồng bán tàu hủ miếng nên chồng tôi biết xay đậu từ hồi còn trẻ, bây giờ mình xay đậu nành bán để duy trì nghề gia truyền mà cũng ổn định cuộc sống hơn”.
|
|
Gốc là người Mỹ Tho, bà Liên quen với việc nấu nướng cùng với truyền thống gia truyền nhà chồng nên hơn 20 năm nay hầu như ngày nào quầy sữa của ông bà cũng được mở bán. Mỗi ngày quán bà Kim Liên xay khoảng 3kg cho một loại ngũ cốc, tổng cộng một ngày xay hơn 30kg tất cả các loại. Ngũ cốc để xay bán ở đây hoàn toàn được mua nguyên liệu sống về làm tại nhà.
Về công đoạn làm nên các loại sữa ngũ cốc bà Kim Liên cho hay: “Nguyên liệu mình mua ở Chợ Lớn, mè đen, nha đam, đậu phộng... cũng lấy từ Chợ Lớn, mua ngày nào xay bán ngày đó. Trước đây thì chồng tôi dậy xay từ 2-3 giờ sáng nhưng giờ già rồi không có người phụ nên chuyển qua xay buổi chiều rồi ướp để sáng hôm sau tôi ra bán”.
Từ Bình Chánh qua chợ Thiếc (quận 11), hai vợ chồng bà Liên vẫn đều đặn mang gánh hàng sữa ngũ cốc thiên nhiên đến để phục vụ khách hàng.
|
|
Bình luận (0)