Người Sài Gòn nô nức đi tảo mộ cuối năm: Mỗi phần mộ, một chuyện đời

Hoài Nhân
Hoài Nhân
19/01/2020 20:24 GMT+7

Những ngày cuối năm, gia đình cụ Hương sống giữa nghĩa trang đón hàng nghìn lượt người tảo mộ . Không gian lạnh lẽo nay nghi ngút khói hương, ấp áp tình người thân. Bên mỗi mộ phần, là mỗi nỗi niềm, chuyện đời chưa kể...

"Tết càng vui là khi thấy mọi người tảo mộ càng đông"

Sáng 25 Tết, tôi ghé thăm nhà cụ Bùi Xuân Hương (80 tuổi), nhân vật trong bài viết về cuộc sống “rợn người” của gia đình giữa nghĩa trang, từng đăng tải trên Thanh Niên Online. Con hẻm dẫn vào nghĩa trang Kiến An – Ngọc Lữ đông đúc lạ thường. Len lỏi mãi giữa dòng người đi tảo mộ, tôi mới vào được nhà cụ.
Khác hẳn khung cảnh ngày thường với hơn 1.000 mộ phần lạnh lẽo, hôm nay, nơi này “ấm cúng” hẳn với khói nhang nghi ngút và hàng nghìn lượt người vào ra. Người tay xách bó hoa, người nách mang giấy tiền vàng bạc. Dọc lối đi chính, những thanh niên tới lui xách sơn, gạch vữa tranh thủ xây sửa lại phần mộ gia đình.
“Đây là dịp duy nhất trong năm, mọi người đồng loạt tập trung tới tảo mộ. Thường bắt đầu khoảng 20 tháng Chạp đổ đi, nhưng ngày chính là ngày 25. Hôm nay lại rơi vào Chủ Nhật, nên người dồn về nhiều hơn những năm trước”, cụ Hương, người quản trang gần nửa thế kỷ, cho biết.

Sáng 25 tháng Chạp, các con đường dẫn vào nghĩa trang kẹt cứng dòng người đi tảo mộ

Hoài Nhân

Một ngôi mộ ngay cổng vào nhiều người thân thăm viếng

Hoài Nhân

Ông Hiệp, con trai cụ Hương, người chuyên xây sửa mộ, tất bật làm việc những ngày này

Hoài Nhân

Ngay nhà quàn, xe nước giải khát, đồ cúng của chị Vi, cháu nội cụ Hương, bán không ngơi tay

Hoài Nhân

Trong nhà quàn, chị Vi, cháu nội cụ Hương tất bật bán nước uống, nhang đèn cho những đoàn người tảo mộ. Ngày thường, chị mưu sinh bằng xe thức ăn nhanh ngay cổng nghĩa trang. Hôm nay lối vào chật chội nên chị dời vào trong. Ông Hiệp, con trai cụ, người chuyên xây sửa mộ, mấy ngày qua cũng đầu tắt mặt tối với nhu cầu trang hoàng lại mộ phần của mọi người.
Một số thành viên khác trong gia đình cụ Hương cũng phụ giúp thân nhân dọn dẹp, lau chùi mộ. Những đứa trẻ trong nhà cứ phấn khởi chạy tới chạy lui vì đông người. Không khí nhộn nhịp mỗi năm chỉ có 1 lần với gia đình chọn cảnh sống kỳ lạ, giữa cả nghìn người đã khuất.
“Cuối năm thì dọn nhà cửa gọn gàng, khói nhang tươm tất cho bàn thờ ổng (chồng cụ - PV). Đầu năm đi chùa, rồi vui vầy với nhau ở nhà, rồi thôi. Cái Tết nhà tôi càng vui là khi thấy mọi người về tảo mộ càng đông đúc. Nhớ ơn cội nguồn, tổ tiên là cái đẹp của tình thân, của người chung máu mủ”, cụ Hương tâm sự.

Ngôi nhà cụ Hương giữa nghĩa trang bình thường yên ắng, nay tấp nập người vào ra

Hoài Nhân

Cụ Hương cũng dọn dẹp, cúng kiếng bàn thờ chồng những ngày cuối năm

Hoài Nhân

Có người mang trái cây, trầu cau, có người xôi chè, thịt rượu... tùy vào tấm lòng người thân hoặc những thứ người quá cố từng thích khi còn sống

Hoài Nhân

Gia đình cụ Hương chở về sẵn đống cát dành cho những người đi tảo mộ sử dụng

Hoài Nhân

Một gia đình lãi cây mai ngay phần mộ người thân. "Để đẹp mộ mẹ và những "hàng xóm" xung quanh, để mẹ được thấy không khí Tết", con gái của người nằm dưới ngôi mộ này chia sẻ.

Nỗi niềm người còn sống bên những mộ phần

Đoàn người đổ vào nghĩa trang, ghé chào cụ Hương, rồi đến ngay phần mộ của ông bà, cha mẹ, cháu con mình. Cỏ rác xung quanh mộ cơ bản được cụ Hương dọn dẹp thường xuyên nên khá gọn gàng, việc của người thân là xây đắp lại mộ xuống cấp, lau chùi, bày đồ cúng bái.

Thắp hương, đèn, khấn vái theo bài cúng. Trong lúc đợi hương tàn, con cháu có thể dọn dẹp, tu sửa mộ phần

Hoài Nhân

Một người phụ nữ viết tên, ngày tháng năm sinh và lời nhắn nhủ lên giấy tiền vàng bạc để gửi tới người đã khuất

Hoài Nhân

Sửa sang lại góc mộ bị hư hỏng

Hoài Nhân

Bên một ngôi mộ khá tươm tất, bà Thu Hồng (50 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cùng 2 con đang bày hương án chuẩn bị cúng cho mẹ của bà, được chôn cất đã hơn 20 năm nay. Bà cho biết, năm nào gia đình bà cũng bắt xe đến đây vào đúng 25 Tết, dù có bận bịu thế nào.
“Ngày còn nhỏ, má là người thương tôi nhất, lúc nào cũng bênh tôi trước những trận đòn của ba. Những ngày tôi làm ăn khó khăn, má gồng mình làm ruộng, đi làm thuê thêm phụ nuôi 2 đứa cháu. Má mất vì bệnh tim, lúc đi chẳng kịp nói gì, nên con cháu thương khôn nguôi. Hai đứa nhỏ cũng thương ngoại, năm nào cũng đòi đi theo dù xa xôi. Năm nay, vẫn là một đĩa hồng – loại trái má thích ăn nhất”, bà tâm sự mà mắt đỏ hoe.

Nhiều ngôi mộ không có đàn ông thăm viếng, phụ nữ xắn luôn tay áo làm thợ hồ, để lo cho "nhà" người đã khuất được khang trang

Hoài Nhân

Cụ Hương lưu ý khi tảo mộ: nên đi vào buổi sáng trong lành, mát mẻ; tránh đùa giỡn, chửi bới vì không thể hiện sự thành tâm; dọn sạch mộ, thông thoáng tất cả các phía; tránh giẫm đạp phần mộ người khác;...

Hoài Nhân

Cách đó không xa, chị Nguyễn Hà (36 tuổi, ngụ Q.8) ngồi tựa lưng rất lâu vào ngôi mộ người thân. Bên trên mộ chỉ có vài ba hộp bánh nhỏ bên mấy nén hương sắp tàn.
Mười mấy năm, chị vẫn chưa bao giờ quên được cái ngày chị bỏ nhà theo một gã trai, mặc cả nhà ngăn cản. “Ba mẹ nghe ai nói rồi la mình, bảo đó không phải là một người tốt, nên cản mình không cho quen. Mình mù quáng không nghe. Chẳng bao lâu, mình phát hiện gã ta bán ma túy, rồi bị bắt… Mình không dám về nhà, cắt đứt liên lạc. Cho tới ngày chị hai đi tìm tận nhà mình báo, mẹ đột quỵ, mất rồi… mình muốn ân hận, cũng muộn màng”, chị Hà khóc bên mộ mẹ.
Bao nhiêu năm qua, chị bán vé số, sống lay lất, khó khăn. Ngày tảo mộ mẹ, cũng không dám đi cùng gia đình, chỉ lặng lẽ tới trước một mình, ngồi nói chuyện với mộ bà, như sám hối. Chị nói, muốn mua cho mẹ nhiều thứ, nhưng cả tháng tiền trọ, chị còn trả chưa xong…

Mỗi mộ phần nằm yên ắng, đôi khi là biết bao nỗi niềm của người còn sống

Hoài Nhân

Mỗi mộ phần nằm yên là một câu chuyện đời, là biết bao nỗi niềm của người còn sống. Có ngôi mộ xây cất khang trang, mái che, tường rào, hơn chục người thân vây kín. Có ngôi mộ chỉ bằng gạch đá cũ kỹ, sứt mẻ nhiều bề, đóng rêu xanh, như nhiều năm chưa ai thăm viếng.
Chỉ nhiêu đó, cũng đủ để tôi ngẫm nghĩ nhiều thứ trên đời. Nhưng tôi vẫn tin, có thể vì những lý do riêng. Còn lại, “chim có tổ, người có tông”, là con người, chẳng ai không hiếu kính tổ tiên mình. Nhất là trong dịp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.