Tính đến tối 12.3, châu Âu có các điểm nóng Covid-19 tại Ý với 12.462 người nhiễm (trong đó 827 ca tử vong), Pháp có 2.281 ca nhiễm với 48 người thiệt mạng, Tây Ban Nha có số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh lên 2.277 ca, trong đó 55 người chết.
Người dân Tây Ban Nha bắt đầu lo lắng, đường phố vắng vẻ. Rất ít người đeo khẩu trang, song không có chuyện kỳ thị người nước ngoài mang khẩu trang.
Người Việt hạn chế đi lại
Trao đổi với Thanh Niên, chị Trần Thị Thu Thủy (sống ở Madrid, một khu vực có tới khoảng 50% trên tổng số ca nhiễm toàn quốc và 31 trường hợp tử vong) chia sẻ tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Tây Ban Nha đang căng thẳng, mọi người đi mua đồ khá nhiều.
Chị Thủy lo lắng: “Có chút lo lắng vì mình đang có ý định về Việt Nam ngày 20 này, nhưng sau “đêm Trúc Bạch” (sự việc phố Trúc Bạch bị cách ly vì ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam - PV) mình cũng sợ trên đường bay từ châu Âu về, lỡ vô tình mang bệnh về cho nước mình. Bây giờ, mình hạn chế đi lại tự do như trước vì xem thời sự chính thống ở đây, số lượng người nhiễm tăng nhanh. Hai hôm trước cơ quan nhà nước vùng Madrid cho nghỉ học 2 tuần thì siêu thị bắt đầu hết đồ ăn. Mình đi lướt qua thấy đông quá nên về luôn. Càng đông càng sợ”.
|
Không riêng thì người Việt, người dân địa phương cũng bắt đầu lo lắng khi số ca nhiễm tăng lên. Ngay sau khi chính quyền Madrid quyết định đóng cửa toàn bộ trường học 15 ngày thì siêu thị Mecadona hết sạch hàng trên kệ vào sáng 10.3, chị Thu Thủy thông tin.
Chị Thu Thủy cũng cho biết, các nhà hàng Trung Quốc bảo nhau đóng cửa. Riêng nhà hàng Tây và Việt vẫn hoạt động bình thường. “Các quán bar dưới chân nhà mình vẫn mở cửa hoạt động. Văn hoá Tây Ban Nha thì khó có thể ngồi im mà không có bia”, chị nói.
|
|
|
Sống ở vùng Catalan, thành phố Barcelona chị Trần Trà My cũng mô tả, dân bản xứ khá bình thản: “Ở những nơi trung tâm vẫn tập trung đông người đi lại. Mọi người vẫn gặp gỡ, ăn uống, sinh hoạt, các sự kiện nhỏ vẫn diễn ra như bình thường”.
“Mọi người cảnh báo cho nhau không nên ra ngoài đường. Hoặc người Việt ở Việt Nam, gia đình, bạn bè gọi sang khuyên nên ở nhà”, chị Trà My bày tỏ.
Không có chuyện kỳ thị người mang khẩu trang
Theo lời anh Andy Nguyễn, hiện tại Tây Ban Nha là điểm nóng của dịch Covid-19 ở châu Âu nhưng trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, rất hiếm người đeo khẩu trang. Hiện tại, việc mua khẩu trang và nước rửa tay cũng trở nên khó khăn.
|
|
|
Chị Thu Thủy cũng cho Thanh Niên biết không có việc kỳ thị người mang khẩu trang ở Tây Ban Nha. “Trên phương tiện công cộng như metro hay xe buýt thì vắng người hơn. Nhưng vẫn có người không đeo khẩu trang. Ai đeo thì đeo chứ tôi chưa thấy ai bị kỳ thị cả”, chị nói.
Cũng giống các nơi khác, tại Madrid, chị Thu Thủy cho biết bản thân và mọi người khó mua được khẩu trang. “Riêng khẩu trang và nước rửa tay khô tại Pharmacy dưới nhà mình là phải xếp hàng, ghi tên sau mấy trang giấy. Bao giờ có thì họ gọi. Tuy nhiên, hai ngày rồi mình vẫn chưa thấy ai gọi cả”, chị nói.
Chính phủ tăng cường bác sĩ chống dịch
Tại thành phố Valencia, anh Định Quốc Đại cho biết, lễ hội Fallas hàng năm lớn nhất Valencia cũng đã bị hủy. Sau vụ diễu hành 8.3 làm thêm 500 ca nhiễm Covid-19 mới, Chính phủ đã cấm tụ tập trên 1.000 người. Trường học đóng cửa, hoãn một số buổi biểu diễn ca nhạc, kịch, thể thao đông người.
“Chính phủ còn khuyến cáo mọi người rửa tay, che miệng khi hắt hơi, không ra ngoài chỗ đông người, nếu có triệu chứng gọi đến đường dây nóng chứ không đến bệnh viện”, anh Đại cũng cho biết.
Để tăng cường chống dịch, nhà nước Tây Ban Nha bắt đầu rút hết bác sĩ về bệnh viện không còn khám ở các phòng khám như trước. “Nghe bác sĩ nói với chồng mình hôm qua "thật may mắn vì anh phẫu thuật tuần trước chứ tuần này đã dừng hết lịch mổ (chỉ ca nào thật sự nguy cấp mới tiến hành) để bác sĩ phòng dịch”, chị Thu Thủy kể.
Bình luận (0)