Mua thực phẩm rất khó khăn
Ấn Độ đang trong giai đoạn căng thẳng vì vừa phải đối mặt đại dịch Covid-19 vừa phải xoay xở cho cuộc sống của hàng trăm triệu người dân nghèo.
Tối 24.3, Thủ tướng Narendra Modi phát lệnh phong tỏa cả nước khiến nhiều người Việt bất ngờ. Chị Hà Thị Ngọc Mai (24 tuổi, đang sống và làm việc tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ) cũng không phải ngoại lệ.
“Cửa hàng thực phẩm mở cửa đến đêm nhưng người mua thì rất nhiều. Chúng tôi phải xếp hàng chờ”, chị Mai chia sẻ.
Trong khi đó, các chủ nhà nơi người Việt sinh sống rất gắt gao. Họ kiểm soát việc đi lại của khách thuê rất kỹ lưỡng.
|
Ngay khi dịch bùng phát ở bang Maharashtra, khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn đã cháy hàng. Chị Mai may mắn mua đủ khẩu trang để sử dụng trong thời gian tới, giá cũng cao hơn 2 lần bình thường.
“Hiện tại, người dân vẫn chưa sử dụng khẩu trang thường xuyên và nhiều như Việt Nam dù chính quyền có kêu gọi, thậm chí là có biện pháp răn đe”, chị Mai cho biết.
|
|
Nghe lệnh phong tỏa, chị Mai chuyển công việc về từ văn phòng về nhà. Dù vậy, khối lượng công việc lại nhiều hơn. “Làm việc ở nhà còn bận hơn công ty. Sếp thúc giục và quản lý dữ lắm”, chị chia sẻ.
Chị Nguyễn Hằng Nga (25 tuổi, là sinh viên năm cuối tại Đại học Mysore, bang Karnataka, Ấn Độ) cho hay khu vực chị sống là một thành phố nhỏ nhưng việc mua sắm thực phẩm rất vất vả.
“Ở chỗ tôi, khi đi siêu thị, người mua đứng xếp hàng theo các ô vuông họ vẽ. Người trước mua nhiều thì người sau không còn gì để mua cả”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga cho biết thêm, người dân quanh nơi chị sống cho rằng dịch Covid-19 xuất phát từ động vật nên “chả có thịt gà, vịt, bò hay cá tươi nữa. Ăn chay thôi!”, chị nói.
|
|
|
Chia sẻ về vấn đề này, chị Mai cho biết: “Tôi chưa trải nghiệm nhiều về dịch vụ y tế ở đây nhưng bạn bè tôi thì có. Họ nói với tôi về giá dịch vụ y tế khá đắt đỏ".
Không chỉ vậy, việc mua bán dược phẩm cũng khó khăn. Dược phẩm không phải lúc nào cũng có sẵn tại quầy.
“Thuốc không phải khan hiếm nhưng nhiều khi phải đặt nhà thuốc mua giúp. Ở vùng cạnh nơi tôi sống, bác sĩ khám da liễu mà đứng xa cả mét để đảm bảo khoảng cách xã hội. Họ cũng không có đủ đồ bảo hộ và bộ kit xét nghiệm Covid-19”, chị Nga thuật lại.
|
|
Đoàn kết, lạc quan vượt qua dịch bệnh
Mặc dù lo lắng trước tình hình dịch bệnh, chị Mai vẫn quyết định ở lại. Theo chị, bản thân dù không có bệnh nhưng việc di chuyển về nước sẽ có nhiều nguy cơ lây nhiễm ở sân bay, trên xe khách.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Nga cũng lựa chọn không về Việt Nam, nêu cao tinh thần “ở đâu thì ngồi yên ở đấy” vừa đảm bảo an toàn cho bản thân vừa bớt đi gánh nặng cho nước nhà.
Hiện tại, cộng đồng người Việt tại Ấn vẫn đảm bảo được sinh hoạt. “Mọi người đều có một tâm lý rất vững vàng vì bất cứ người Việt nào tại Ấn Độ gặp khó khăn sẽ đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và kịp thời của Đại sứ quán. Cộng đồng người Việt tại Ấn Độ luôn có một tinh thần an tâm và đoàn kết cũng nhau vượt qua dịch bệnh này”, chị Ngọc lạc quan.
Bình luận (0)