Người Việt ở Ý đón tết: Chiếc bánh chưng không vuông vắn mà ngon thấy lạ!

05/02/2019 09:15 GMT+7

Chiếc bánh chưng với lá chuối tìm được ở công viên, cây giò lụa được xách tay từ Mỹ qua và nộm hoa chuối mà phải đến tiệm của người Pakistan để mua nguyên liệu… Tất cả đã làm nên một cái tết rất Việt Nam ở Ý.

Tết luôn là dịp đặc biệt để mỗi người Việt có thể tạm ngưng cuộc sống bộn bề và “sống chậm” lại một chút, để được trang hoàng nhà cửa cho thật khang trang ấm cúng ít nhất là một lần trong năm, để được ăn những món ăn truyền thống,để thắt chặt tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Tết càng trở nên có ý nghĩa, thiêng liêng và đáng trân trọng hơn đối với người Việt sống xa quê hương như tôi nên việc cùng nhau đón Tết là những sự kiện luôn được người Việt xa xứ mong đợi và tham gia nhiệt tình.

Hội tụ 3 miền Bắc - Trung - Nam trên đất Ý

Cộng đồng người Việt ở Ý không lớn như ở Nga, Đức hay Mỹ. Tuy nhiên mỗi năm, người Việt ở mỗi vùng đều cố gắng quy tụ tại một địa điểm chính để đón Tết. Chẳng hạn như người Việt thuộc vùng Lombardia gặp nhau tại Milan, vùng Emilia Romagna hẹn hò tại Bologna trong khi người ở vùng Lazio tụ tập tại Rome. Năm ngoái, tôi có tham dự tiệc đón năm mới ở một địa điểm thuộc ngoại ô thành phố Bologna.
Người Việt sống trong khu vực Emilia Romagna đổ về dự tới hơn 100 người rất đông vui. Các anh chị trong ban tổ chức đã bỏ thời gian và công sức để nấu những món đậm chất Việt thuộc cả ba miền Bắc Trung Nam như nem cuốn, xôi, bánh chưng, thịt kho Tàu, gà nướng sa tế, bún giò heo...
Rồi có chương trình mua sổ xố bốc thăm trúng thưởng với các sản phẩm của Việt Nam, chương trình trao phong bao lì xì cho các em nhỏ và cả màn trình diễn thời trang áo dài cho chị em phụ nữ thỏa sức khoe sắc nữa.
Trẻ em trong nhà nhận tiền lì xì NVCC
Đó là lần đầu tiên những đứa trẻ nhà tôi được tham gia tiệc Tết với cộng đồng người Việt nên chúng rất thích. Tôi cũng cho cả ba bé diện áo dài truyền thống để chúng được chung vui cùng các cô bác người Việt, qua đó giúp chúng phần nào hiểu được phong tục tập quán của quê mẹ.

Miếng bánh chưng chứa đựng nỗi niềm thương nhớ

Năm nay do không thể đi dự tiệc Tết với cộng đồng người Việt nên tôi được mời dự bữa trưa tất niên ở nhà của một chị bạn đến từ Hải Phòng. Nhà chị nhỏ nên chỉ mời 4 gia đình, nhưng đó lại là một trong những bữa cơm Tết đầm ấm nhất mà tôi được tham dự.
Bạn tôi nấu ăn rất khéo.Trước hôm bữa trưa diễn ra một tuần, chị đã cặm cụi gói bánh chưng ở nhà. Nguyên liệu thiếu nên chị gói bằng lá chuối mua ở tiệm đồ Á, lạt thì được thay bằng sợi vải thô. Tôi nghĩ chiếc bánh vẫn đậm đà hương vị truyền thống bởi khi xa nhà một miếng bánh chưng chứa đựng cả nỗi niềm thương nhớ quê hương nên ăn thấy ngon như thường.
Phải rất "kỳ công" mới có được chiếc bánh chưng như ở quê nhà NVCC
Có cô bạn ở thành phố Genoa cũng nhớ bánh chưng quá nên lặn lội ra tận một công viên ở khá xa để hái lá chuối. Lạt được cô tận dụng từ thân chuối tách mỏng. Cô phải huy động tới bốn chiếc nồi nhỏ, mỗi chiếc chỉ để vừa hai cái bánh chưng và cứ thế đun cả bốn nồi trên bếp gas để có được 8 chiếc bánh, tuy hình thù không được vuông vắn như gói bằng khuôn nhưng cảm giác vẫn thật sung sướng khi được ăn miếng bánh vào đúng dịp Tết ở cách nhà hàng ngàn cây số.
Lại nói đến bữa trưa tất niên ở thành phố Bologna miền Bắc nước Ý: ngoài món bánh chưng, xôi đỗ, bạn tôi còn làm món nộm hoa chuối rất ngon với chiếc hoa chuối có hình dạng vừa dài vừa gầy mua được ở tiệm của một người Pakistan. Chị cầu kỳ làm thêm món bánh gối và bún cá nữa một chị khác thì góp vài cây giò lụa được xách tay từ Mỹ qua. Món nào cũng ngon và được trình bày đẹp mắt nên các ông chồng người Ý rất thích và ăn rất nhiệt tình.
Nộm hoa chuối, bánh gối cũng "góp mặt" trên bàn tiệc ngày tất niên NVCC
Với mục đích gìn giữ truyền thống, chúng tôi cũng tổ chức phát bao lì xì để mừng tuổi cho lũ trẻ. Để chúng hiểu rằng đây là một nét văn hoá cổ truyền của Việt Nam, tôi giải thích với các con rằng việc lì xì hoàn toàn mang tính tượng trưng nhằm chúc các bé một năm mới thật nhiều niềm vui và may mắn nên không cần phải ganh đua hay đong đếm nhiều ít. Vì vậy các con đều cảm thấy vui vẻ thoải mái với những chiếc phong bao đỏ chót, bên trong chỉ có những đồng tiền Euro đã được mẹ cọ rửa bóng loáng.
Bữa cơm tất niên đậm tình quê hương ngày cuối năm Mậu Tuất đã mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc và cũng khiến tôi đỡ nhớ gia đình hơn. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi dù xa quê nhưng vẫn được đón nhận với tình cảm ấm áp của những người bạn đồng hương,qua đó càng thấm hơn câu ca dao mà tôi đã được học từ nhỏ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.