Tháng 1, những cây thông Noel và các trang trí Giáng sinh khác đã được gỡ xuống từ lâu. Các khẩu hiệu "Happy New Year" cuối cùng cũng đã vắng bóng tại các nơi công cộng. Không khí lễ hội đã qua và mọi người đi học đi làm bình thường. Nhưng với tôi thì ngày lễ quan trọng nhất, ngày lễ có mang một linh hồn hẳn hoi, vẫn còn đang đợi ở phía trước - đó là Tết Nguyên đán.
Năm nay đã là năm thứ tư chúng tôi đón Tết ở Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Mọi ngỡ ngàng về một vùng đất mới đã qua đi, tôi cũng kịp biết thêm vài địa chỉ của người Việt để có thể mua sắm những món truyền thống cần thiết cho ngày Tết, cho nên cũng không quá bồn chồn lo lắng và vất vả khi ngày Tết đến gần như năm đầu tiên chúng tôi đến đây nữa. Nhưng dường như khi mọi thứ trở nên dễ dàng đi cũng chính là lúc nó trở nên nhạt nhẽo thì phải. Bây giờ, và cả những năm sau này nữa, khi nhớ về những lần đón Tết cổ truyền ở Trung Đông, tôi hẳn nhiên sẽ nhớ nhất cái Tết đầu tiên ở đây với tất cả sự trân quý và trìu mến. Tôi chợt nghĩ, phải chăng chỉ có những khó khăn mới có thể thêm vị cho cuộc sống?
|
Giữa những người người mặc trang phục xa lạ
Chúng tôi đặt chân đến vùng đất Ả Rập này một ngày tháng 5 năm 2015. Khi máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Dubai, tôi tò mò nhoài người nhìn qua cửa sổ. Tiếng tăm về sự hoành tráng và hoa lệ của Dubai làm cho tôi mường tượng trong đầu một cảnh gì cũng lấp lánh, bóng nhoáng như thế dưới kia. Nhưng những gì nhìn thấy thì ngay lúc ấy tôi chưa kịp hiểu gì cả. Giờ khắc giữa trưa mà thành phố hiện ra phía dưới kia chỉ nhờ nhờ, bàng bạc một màu vàng xỉn không một chút sức sống, không một mảng xanh lục nào của cây cối cả.
Đón tôi và con gái ở sân bay, để chúng tôi chuẩn bị tinh thần, chồng tôi cứ luôn miệng nhắc rằng ra khỏi sân bay là rất nóng, chịu khó một chút thôi vào xe sẽ ổn. Thế nhưng vừa ra khỏi cửa sân bay tôi đã bị sốc bởi cái nóng như lửa táp vào mặt, vào toàn thân thể. Tôi vội che chắn cho con gái, vừa thoáng có một ý niệm thực tế đầu tiên về vùng đất mình sẽ sinh sống, đây là vùng sa mạc.
tin liên quan
Chen chúc đón Việt kiều ăn tết, sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng ngày và đêmỞ đây, nước sinh hoạt gần như hoàn toàn được lọc từ nước biển, nên việc thiếu vắng màu xanh của thiên nhiên cây cỏ là điều dễ hiểu. Cái nóng, cái bụi, cuộc sống lẩn quẩn trong máy điều hòa từ nhà ra xe, đến các siêu thị, các khu tham quan giải trí trong nhà, các trung tâm thương mại... làm tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Nhiều lúc đứng giữa khu mua sắm với xung quanh là những người đàn ông, đàn bà trong những bộ trang phục xa lạ, thái độ lạnh lùng, đôi khi tệ hơn nữa là gặp phải những cử chỉ thô lỗ, kém thanh nhã, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ về quê nhà và những vùng đất trù phú khác mà tôi đã đi qua, với những con người quen thuộc và thân thiện.
Nhưng tôi không bao giờ tự hỏi, dù nhiều người vẫn hỏi, là vì sao tôi dám bỏ lại tất cả sự nghiệp, các cơ hội và sự thuận tiện ở quê nhà để theo chồng đến nơi này, bởi tôi tin vào số phận. Khi bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất hoặc buộc phải theo một lựa chọn đỡ tồi tệ nhất trong số các lựa chọn, thì đó là số phận. Số phận đã chỉ tôi tới nơi đây hẳn nhiên là có những điều tôi sẽ phải kinh qua, hoặc sứ mệnh nào đó mà tôi sẽ phải hoàn thành tại nơi đây.
Nấu bánh chưng trên một bãi biển đẹp cách xa Dubai
Sang giữa tháng 10 trời bắt đầu dịu lại, mát hẳn. Khí hậu ở đây chia một năm ra làm hai nửa rõ rệt và dứt khoát như thế, nửa nóng đầy gió bụi và nửa mát thì trong lành hơn cùng với những ngày sương mù thật lãng mạn. Đến tầm Giáng sinh thì ở đây lạnh ngắt, nhất là buối đêm và sáng sớm nhiệt độ có lúc xuống dưới 10. Tôi đã cảm thấy khá hơn và bắt đầu có hứng thú để vun đắp cuộc sống nơi đây. Rồi ngày Tết cũng cận kề. Cái Tết đầu tiên tôi phải xoay sở mà xung quanh không có lấy một người thân, chưa kịp gặp gỡ hay làm quen với một người đồng hương nào.
tin liên quan
Đến Paris gặp Sài Gòn: Phở Pasteur, quận 13 và dòng máu ViệtTừ lúc tôi lớn lên và trưởng thành thì việc chuẩn bị Tết ở Việt Nam cũng đã nhanh gọn dễ dàng đi nhiều bởi hàng hóa thương mại tràn ngập. Bởi vậy tôi phải lục lại những ký ức xưa cũ hơn về ngày Tết để xem mình phải làm gì. Tôi bắt đầu bằng ký ức về những cái nia tre đựng đầy những lát củ cải, củ kiệu và cà rốt được cắt tỉa răng cưa khéo léo Má tôi vẫn thường phơi trên chái mái tôn vào những ngày cận Tết. Tôi chưa bao giờ ăn thử củ kiệu vì nó rất giống củ hành mà tôi không ưa cho mấy. Cũng may như thế vì nếu muốn tôi cũng không thể kiếm ra củ kiệu ở đây. Tôi mua củ cải trắng và cà rốt, cắt tỉa cẩn thận nhất có thể rồi bày lên mâm phơi ra ngoài ban công. Mùi củ cải bắt nắng tỏa lên ngai ngái, đúng cái mùi tuổi thơ tôi vẫn hít hà và cảm thấy phấn khích lắm vì đó đúng là một trong những mùi đặc trưng của Tết.
Tôi gọi điện về nhà để hỏi má tôi cách làm nước ngâm. Thật ra bây giờ không khó để tự tìm hiểu cách làm với đầy thông tin trên mạng. Nhưng tôi muốn đúng vị nước ngâm tôi vẫn ăn từ nhỏ, thêm nữa, má tôi tuổi đã cao nên từ lâu không được tham gia những việc bếp núc trong nhà, nên những khi được "tham vấn" như thế này tôi cảm nhận rõ niềm vui pha lẫn tự hào của bà trong cách bà chỉ bảo. Tôi hạnh phúc vì điều đó.
|
Con gái tôi thích nhất món bánh chưng nên nhất định là không thể thiếu, nhưng tôi chưa tự làm và nấu bánh chưng bao giờ. Tôi nhớ ngày nhỏ mỗi lần nấu bánh chưng bánh tét, ba má tôi đã nấu rất lâu, chúng tôi thường thức thâu đêm để canh bếp lửa. Thật ra nói canh cho oai vậy thôi chứ ba má tôi làm là chính. Con nít tụi tôi chỉ phụ họa, chủ yếu là được thức, được ở ngoài trời thâu đêm, được ngồi co ro cho bếp lửa sưởi ấm, chực cây củi nào cháy ra ngoài một chút là đẩy nó vào ngay, lắng nghe những câu chuyện và cả những bài nhạc vàng của ba tôi.
Tôi yêu và nhớ cái không khí ấy vô cùng.
Bây giờ chúng tôi ở chung cư nên không có không gian để nấu ngoài trời, mà nấu lâu chừng ấy chắc phải hết mất nửa bình ga. Tôi nghĩ ra một kế không tệ. Ở đây trong nhiều công viên và các bãi biển, cuối tuần người ta hay đi picnic, có nhiều khu được phép đốt lửa để làm barbecue, tại sao không nhỉ. Tôi có thể mua lá chuối tươi và thịt heo ở một vài siêu thị của người Philippines, lên mạng học cách gói bánh chưng, ghé cửa hàng của các trạm xăng bên xa lộ để mua củi, rồi thắng tiển đến một bờ biển đẹp cách xa Dubai để nấu bánh.
|
Khi chúng tôi đến, có một nhóm thanh niên vừa rời đi, để lại một đốm lửa đang còn cháy bập bùng. Chúng tôi quây quần sưởi ấm và chuẩn bị kê bếp lên trên đốm lửa cháy sẵn. Trời đã khá khuya, trăng chênh chếch đổ lấp lóa trên biển và sương xuống ướt lạnh. Tôi thấy tôi được ngồi lại trong khung cảnh của tuổi thơ, lãng mạn hơn nhiều, và tôi đang trong vai một người lớn. Tôi bắt đầu kể cho con gái nghe những câu chuyện về tuổi thơ tôi và ngày Tết ở Việt Nam.
Tôi còn làm thêm được món mứt gừng, chả bò, đều là lần đầu làm cả, và rồi cũng đủ bày được một mâm khá thịnh soạn để cúng giao thừa.
Nghỉ học, nghỉ làm để xuất hành đầu năm
Ngày mồng một Tết năm ấy rơi trúng ngày làm việc bình thường ở đây. Tôi cho con gái nghỉ học một ngày, và chồng tôi cũng nghỉ phép một ngày để đón Tết. Chúng tôi cũng xem hướng, xem giờ xuất hành đầu năm để đón may mắn cho năm mới. Chồng tôi không quen thuộc lắm với văn hóa Việt Nam, nhưng cũng rất hứng thú với những quan niệm và niềm tin như thế này của người Việt. Chín giờ sáng ngày đầu năm chúng tôi xúng xính đồ đẹp, lì xì cho con gái, rồi lái xe thẳng hướng đông nam.
tin liên quan
Người Việt làm nail ở Mỹ: 'Ma lực' khủng khiếp, dính vào thì khó rút chân raChúng tôi dừng lại bên đường. Giờ này ở Việt Nam đã qua trưa, chắc hẳn mọi người đã đi viếng nghĩa trang về rồi, và chắc đang quây quần chuẩn bị rủ nhau đi chúc Tết bà con, hàng xóm. Tôi bấm máy gọi cho Má tôi. Khi đầu bên kia Má tôi cất giọng, tôi cảm thấy một cái gì đột nhiên dâng nghẹn lại nơi ngực. Má tôi cũng vừa khóc mếu máo vừa chúc Tết tôi. Mọi người còn ở nghĩa trang chưa về. Má tôi chuyền máy cho tôi chúc Tết từng người trong gia đình, tôi lắng nghe cả những âm thanh lao xao xung quanh, tiếng người í ơi chào nhau năm mới, í ới rủ nhau thắp hương mộ này mộ kia. Tôi thấy hiện lên cả một rừng màu sắc. Màu của những bộ quần áo mới chen chúc đầy nghĩa trang sáng mồng Một, màu của những chậu hoa thược dược tím hồng, trắng, đỏ kê trên hiên các ngôi nhà dọc đường, màu của những bó hoa cúc vàng, trắng chưng đầy các ngôi mộ, màu khói hương nghi ngút, trầm ấm.
Tôi yêu khung cảnh này lắm.
|
Người Mexico cũng có một truyền thống khá tương tự, là "ngày cho những người đã khuất". Họ tin rằng những linh hồn được tưởng nhớ sẽ không bao giờ bị mất đi. Tôi cũng tin và cảm nhận được điều đó. Hồi còn ở Việt Nam tôi thường xuyên viếng mộ ba tôi dù ông mất cũng đã 20 năm... Bỗng "tít tít tít...", điện thoại im bặt. Số dư tài khoản của tôi hết rồi. Các âm thanh màu sắc rộn ràng cũng hết. Trước mắt tôi chỉ còn một màu vàng nhạt trải dài tới đỉnh núi đá. Chồng và con tôi vẫn say sưa ngắm cảnh sa mạc và nghịch cát. Cả hai đều chưa thể có ý niệm đầy đủ về Tết như tôi. Chỉ có tôi đứng đây, một mình cảm thấu nỗi tiếc nuối nhớ nhung vô tận. Tôi biết cảm xúc này, nó đích thị là Nỗi Cô Đơn.
Chúng tôi quay về khi trời ngả sang chiều. Vậy thôi là hết Tết. Con tôi phải đi ngủ sớm để ngày mai lại đi học. Chồng tôi thì lại đi làm. Chúng tôi vất vả nhiều ngày chuẩn bị chỉ cho một chuyến "xuất hành đầu năm" này thôi. Nhưng tôi đã tận hưởng tất cả. Tôi tận hưởng giây phút này, tận hưởng những ngày bận rộn chuẩn bị, những khó khăn và thậm chí tận hưởng cả nỗi cô đơn này. Bởi vì với tôi cuộc sống không có đích đến nào cả mà là một cuộc hành trình dài những trải nghiệm mà thôi. Tôi vẫn học cách bình thản đón nhận, thưởng thức và vượt qua tất cả. Để khi cuộc trình kết thúc, tôi đã có một cuộc sống đầy đủ các màu sắc, hương vị và sẽ không hối tiếc vì đã bỏ lỡ một điều gì.
Bình luận (0)