Nhân sinh tựa một ly trà

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
30/04/2018 20:33 GMT+7

1 Tôi sinh ra ở làng Lộc An. Phía trước nhà, nhìn ra là cánh đồng bất tận.

Tuổi thơ cứ băn khoăn không biết hỏi ai, vì sao mùa thu hoạch kho HTX đầy tràn lúa, những đoàn thuyền nối đuôi nhau chở lúa nhập kho mà mình thì ăn sắn (trong khi quê không có đất trồng sắn vì là đồng chiêm trũng), không có lấy một bữa no.
Mùa giáp hạt, mạ chặt cây chuối sứ, bóc lớp ngoài, thái mỏng muối dưa, xắt lá ném trộn vào làm thức ăn chính. Đào gốc chuối nấu với ốc ăn thay cơm. Lại hỏi, vì sao cá đầy đồng mà ăn cây chuối sứ?
Chưa đầy 17 khai gian tuổi, viết đơn bằng máu xin nhập ngũ. Nghĩ đơn giản thôi, nhà mình đang ở, có thằng đến phá, vậy thì phải đuổi nó đi. “Vì mày mà tao 17 tuổi chưa hề có một bữa no nên giờ chỉ nặng có 42 kg”. 42 kg, bỏ đá vào thành 44 kg, cô y sĩ khám sức khỏe biết nhưng chỉ cười".
Giải phóng rồi, về đi học rồi đi làm, đi đây đi đó vẫn chỉ ám ảnh mỗi chuyện vì sao quê mình lại nghèo đến thế?
Dân miền Trung mình nó thế, ở nhà thì an phận thủ thường nhưng đã đi đâu lập nghiệp thì nhất quyết “không hơn thiên hạ cũng phải bằng thế gian”. Mà hơn, mà bằng thật. Đó là nhờ cái đức tính cần kiệm có gốc gác từ nông dân.
Khi vượt qua được cái nghèo, có chút dư dả, tiến lên chút nữa, gọi là có tiền, nhưng vẫn cứ đau đáu về quê.
Ở xa, chẳng làm được gì nhiều, nhưng cứ mỗi năm có bão lụt thì lại đi làm cứu trợ, từ thiện. Từ Nghệ An cho đến Phú Yên, gọi là dọc dài miền Trung.
Về quê gặp bà con, bạn bè vui lắm, nhưng nghĩ thấy xót. Quê hương mà lần nào gặp nhau cũng trong cảnh tan hoang vì lũ lụt, hết năm này qua năm khác, đau quá!
Rồi nghĩ, ờ nhỉ, sao cứ nghe bão lụt thì hết doanh nghiệp này đến tập đoàn khác, thậm chí là từng cá nhân các nơi (đa phần là phía Nam) lại đóng góp để cứu trợ mà các doanh nghiệp, các đại gia sở tại đi lên từ đất đai chính quê mình thì lại rất ít hoặc không làm?
Đó là cái dở nhất của chúng ta. Chỉ biết sống cho mình, thiếu sự sẻ chia.
2 Năm đó, chúng tôi lên cứu trợ ở vùng miền núi Quảng Bình.
Đã liên lạc trước với địa phương, biết từng hoàn cảnh mà mình sẽ đến, nhưng đến rồi mới thấy nó còn bi đát hơn những gì mình biết.
Còn nhớ như in khi vào xã Minh Hóa của huyện Minh Hóa, thấy ngôi nhà bị sập sát xuống nền, đứng trong đống đổ nát đó là hai vợ chồng, mỗi người bế trên tay một đứa con, hai đứa lớn thì mặt mũi nhem nhuốc đang giúp bố mẹ sắp lá cọ lợp nhà lại thành một chồng. Hỏi, hai người lớn không nói không rằng. Hóa ra cả hai người đều bị bệnh thần kinh.
Sau khi gọi người chị đến nhận 20 triệu đồng của bạn đọc Thanh Niên giúp đỡ, anh em trong đoàn ai cũng rút ví ra đưa thêm.
Sáng hôm sau, cậu lái xe gõ cửa sớm: “Chú ơi, cho cháu xin 10 nghìn”. Hỏi: “Thôi, chờ xí đi ăn sáng luôn!”. “Dạ không, cháu mua cái bàn chải đánh răng”. “Cho tiền mi mô hết?”. “Dạ, hôm qua còn mấy cháu đưa cho nhà anh đó hết rồi!”.
Nhìn cái thằng cao hơn mét tám, nặng cả tạ, lúng túng khi nói xin 10 nghìn, mắt tôi ậng nước.
Ở Đà Nẵng có anh Tuấn.
Anh làm một doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất nước uống đóng chai, cứ hai hôm anh lại đến Văn phòng Báo Thanh Niên của chúng tôi một lần, gặp cô Hà văn thư để gửi tiền vào quỹ từ thiện. Lúc 200, lúc 500, lúc 1 triệu đồng... Cứ thế hết năm này đến năm khác, dễ đến 15 năm rồi.
Hôm nào trên báo tôi có đăng bài về một hoàn cảnh thương tâm là hôm đó tôi nhận điện thoại liên tục. Người ta hỏi để giúp.
Mỗi lần có việc gì cần kíp, tôi chỉ cần nhấc điện thoại nói một câu là người được gọi giúp ngay, chưa bao giờ từ chối. Có anh đi công tác nước ngoài cũng gọi điện về để vợ mang đến.
Nếu có việc lớn hơn, tôi nói, thường thì đưa ra con số khiêm tốn. Ví dụ, “Bão lụt dữ quá, ủng hộ cho bà con ít tiền em”. “Bao nhiêu anh?”. “Em có thì cho một hai trăm (triệu) gì đó”. “Dạ anh, em 300 (triệu) nghe. Em cho người mang đến liền!”.
Cơ quan tôi ở gần chợ Hàn, mấy bà mấy chị bán rau dưa hàng xén thường vào, có người móc túi, vuốt mãi tiền lẻ cho thẳng thớm, đâu được hai, ba chục chìa ra bảo: “Cho chị ủng hộ quỹ từ thiện!”.
Con người phía Nam hay ở chỗ đó.
Người dân thì có tâm. Doanh nhân thì nghĩ “có vào thì có ra, cho là nhận”.
3 Bây giờ thì hầu hết cuộc sống bà con đã được nâng lên rất nhiều so với thời tôi còn ở quê. Dượng tôi nói: “Ăn uống chi mấy, ngày ba bữa, áo quần mặc cả ngày, tối ba xoa hai đập là khò. Khỏe!”.
Nhưng có nhiều người không nghĩ như dượng tôi. Họ chạy đôn chạy đáo, cầm cả sổ đỏ ngôi nhà hương hỏa để chạy việc cho con mà tính ra, nếu được nhận, con họ nhịn ăn, nhịn tiêu 15 năm mới lấy lại vốn. Vẫn thấy tự hào.
Người phía Bắc thường lo cho con cái biên chế, người phía Nam thường lo cho con một nghề. Đây là hai điều khác biệt.
Dân thì lo cho con biên chế, quan thì lại lo cho con làm quan. Về quê thường nghe hỏi, “làm chức chi rồi, mua ô tô chưa?”, không nghe ai hỏi, “có khỏe không, việc làm có vui không?”.
Năm rồi, có nhiều chuyện lùm xùm về chuyện “bổ nhiệm thần tốc”, cha đưa con lên thần tốc” và hậu quả là con ăn quả đắng.
Đôi khi nghĩ mà thương bọn trẻ. Cổ nhân dạy, “Người ta nâng bạn lên, bạn chính là chiếc ly thật đẹp; người ta buông tay xuống, bạn có thể sẽ trở thành những mảnh thủy tinh vỡ vụn”.
Tụi nó còn trẻ, đôi khi chưa đủ kinh nghiệm với đời. Thôi thì chỉ biết an ủi chúng nó vượt lên mà làm lại. Chuyện xảy ra coi như là một trải nghiệm.
4 Cuộc sống phải không ngừng vươn lên nhưng không nên vươn lên bằng mọi giá.
“Nhân sinh tựa một ly trà, đong đầy cũng tốt mà vơi nửa cũng chẳng sao, cần chi phải tranh giành?
"Cuộc sống, bởi vì để tâm cho nên mới đau khổ; bởi vì nghi ngờ cho nên mới tổn thương; bởi vì xem nhẹ cho nên mới vui vẻ; bởi vì thấy đủ cho nên mới hạnh phúc”.
Cuộc sống còn một điều quan trọng hơn là sự sẻ chia. Hãy giúp đỡ người khác. Giúp người khác là giúp chính mình.
Có lúc nào đó tĩnh tâm, bạn hãy nghĩ mà xem, rốt cục thì cuộc đời cái gì là quan trọng?
5 Tôi không tin vào số mệnh, nhưng tin một điều, cuộc đời không lấy hết cái gì của ai bao giờ. Cuộc đời cũng không cho ai hết bao giờ. Được cái này thì mất cái khác. Và mất mát lớn nhất trong cuộc đời là mất chính bản thân mình.
Nhân sinh tựa một ly trà, đong đầy cũng tốt mà vơi nửa cũng chẳng sao. Ly trà đầy thì thơm, ly trà vơi thì đậm.
Vậy thì hãy tiếp tục với những việc tự cho là đúng, bởi vì làm đúng thì không bao giờ sai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.