Nhậu say ngày Tết: Đàn ông Việt Nam say xỉn kiểu nào?

08/02/2019 19:02 GMT+7

Đã là nam giới thì ít ai không một lần uống rượu. Ngày tết, nhậu cũng là cách để xả hơi sau một năm “cày” cực nhọc. Trên đời có nhiều kiểu say xỉn mà đàn ông Việt Nam cũng có “góp mặt” vài kiểu.

Ở Việt Nam, vào những ngày Tết, chuyện nhậu nhẹt càng phổ biến hơn ngày thường. Người ta có đủ “lý do chính đáng” để nhậu: nhậu để xả hơi, nhậu mừng đoàn viên với người thân, mừng bạn bè lâu ngày không gặp. Dù đã có những quy định xử phạt nặng những người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng rượu, nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh nhiều người đã chếnh choáng hơi men vẫn cứ lái xe, vì họ nhất nhất cho rằng “say đâu mà say!”, và rồi gây tai nạn cho mình và người khác trên đường.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vào dịp 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm rồi, cả nước đã xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông, khiến 195 người chết, 199 người bị thương. Bình quân, mỗi ngày có gần 28 người chết, và gần 29 người bị thương. Cao điểm xảy ra tai nạn giao thông là trong 4 ngày từ 30 đến mùng 3 Tết, trong đó phần lớn nguyên nhân là do lái xe trong tình trạng say rượu.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy khi đã say, các yếu tố quyết định đến việc điều khiển xe an toàn đều bị suy giảm rõ rệt: sự quan sát và phản xạ chậm đi, giảm khả năng phối hợp giữa mắt và tay chân, sự phán đoán và xử lý không còn chính xác. Đó là nguyên nhân chính gây ra những tai nạn giao thông thương tâm trong các ngày Tết ở Việt Nam.
Say xỉn có bao nhiêu kiểu? Ảnh minh họa: Shutterstock
Khi người ta say, phần tình cảm sẽ lấn át sự kềm chế và suy xét của lý trí. Người ta trở nên cởi mở hơn, bạo dạn hơn, dám nói ra những suy nghĩ và làm những việc mà khi tỉnh táo họ không hề dám nói, dám làm. Bản tính thật của một người sẽ hoàn toàn bộc lộ khi đã ngà say. Do đó, sau một cuộc nhậu, người ta mới vỡ lẽ ra rằng một ai đó “coi vậy mà không phải vậy”. Nhiều người ngày thường vốn hiền hòa, cẩn thận, có rượu vào là trở nên hết sức bất cẩn và liều lĩnh.

Mỗi người say rượu theo cách khác nhau, không ai giống ai. Trên internet chúng thường thấy có những bài viết về tính cách khi say rượu, như “12 dạng say rượu thường gặp ở quán bar”, “9 kiểu say xỉn (trong đó có thể có cả bạn)”, “7 dạng say rượu thường gặp trong đám tiệc”... Nhưng, thực tế có đúng vậy không? Phần nhiều các bài viết này là dựa trên những suy nghĩ chủ quan, giai thoại và lời đồn truyền miệng.
Vừa qua, các nhà khoa học ở Viện Y tế quốc gia Mỹ đã công bố một công trình nghiên cứu rất công phu về sự thay đổi tâm lý của con người khi say rượu. Kết quả nghiên cứu cho thấy chẳng ai say giống ai, và có nhiều kiểu say xỉn khác nhau.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành trên 364 sinh viên tình nguyện thuộc một đại học lớn không nêu tên (chỉ ghi là thuộc vùng trung Tây nước Mỹ). Trong số đó, có 187 cặp là bạn nhậu thường xuyên, 57% là nữ giới và 84% là dân da trắng. Họ đo đạc để thu thập dữ liệu về những tính cách như hướng ngoại (extraversion), tính dễ mến (agreeableness), sự cẩn trọng (conscientiousness), sự ổn định cảm xúc (emotional stability), trí năng (intellect), và sự điềm đạm (sober).
Sau đó, dựa trên các dữ liệu này, họ phân tích và lập thành 4 dạng say xỉn chủ yếu. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho từng dạng theo những nhân vật nổi tiếng người Mỹ và Anh (có thật và không có thật) là say kiểu Hemingway, Mary Poppins, Giáo sư Nutty và ông Hyde. 

1. Say kiểu Hemingway: Điềm đạm

Ernest Hemingways là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ. Ông từng tự hào rằng có thể uống rất nhiều rượu mạnh mà không hề say. Do đó, ai say theo kiểu Hemingway có nghĩa là họ điềm tĩnh, nhận thức và trí năng không thay đổi đáng kể. Họ là kiểu người say nhưng lý trí vẫn đủ khả năng tự kiềm chế. Khoảng 40% số người là thuộc vào dạng say Hemingway. Kiểu say này có thể gọi là "say điềm đạm".

2. Say kiểu Mary Poppins: Vui tươi

Kiểu say này thì được đặt tên theo nhân vật chính của một cuốn phim dạng nhạc kịch rất nổi tiếng năm 1964. Trong phim, cô Mary Poppins là người yêu đời, dễ mến, thích hoà mình với xã hội. Do đó, người say kiểu Mary Poppins thì càng uống càng vui vẻ, nói cười rất hoạt bát, chan hoà với mọi người và rất thích ca hát. Có khoảng 15% người say thuộc vào dạng Mary Poppins. Có thể gọi dạng say này là "say vui tươi".

3. Say kiểu Giáo sư Nutty: Dở hơi

Giáo sư Khùng (Nutty Professor) là một nhân vật tưởng tượng trong bộ phim viễn tưởng - hài ăn khách ra mắt năm 1996. Đây là loại người bình thường thì sống nội tâm, trầm lặng, nhưng khi có rượu vào thì họ trở nên rất ồn ào và phô trương. Khi say, họ “chiếm đài phát thanh” trong buổi nhậu, giành nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nói lan man nhưng chẳng đâu vào đâu, lắm khi nói những cái nghe rất quái, cứ như là bị bệnh tâm thần vậy. Họ thường là tâm điểm nhưng là tâm điểm gây khó chịu cho người khác của những buổi chè chén. May mắn là tuy họ rất ồn ào nhưng không thô lỗ.
Dư luận xã hội thường có định kiến rằng, những vị giáo sư cừ vùi đầu nghiên cứu hoặc những ai cứ mê mãi học hành quá nhiều thì thường hay bị mất quân bình về tâm trí và có lối sinh hoạt khá lập dị, nói kiểu bình dân là bị “tưng tửng”. Có thể gọi dạng say này là “say dở hơi”. Có khoảng 20% người say thuộc dạng Giáo sư Nutty. (Cái tên Nutty là xuất phát từ tỉnh từ tiếng Anh “nut” có nghĩa là “khùng”).

4. Say kiểu ông Hyde: Quậy phá

Ông Hyde là một nhân vật không có thật trong cuốn tiểu thuyết kinh dị rất nổi tiếng "Strange Case of Dr Jekyll and Mr Hyde” của nhà văn Scotland Robert Louis Stevenson, xuất bản năm 1886. Nội dung là một vị bác sĩ tên Henry Jekyll đã bào chế ra một loại huyết thanh, khi Jekyll uống vào thì biến đổi hoàn toàn ngoại hình và nhân cách trở thành một kẻ cực kỳ thô lỗ và ác độc tên là Edward Hyde. Hyde đã đánh đập và giết chóc nhiều người chỉ để thỏa mãn thú tính của mình. Hiện nay, những dạng người thỉnh thoảng biến đổi nhân cách đột ngột, khoa học gọi là người “đa nhân cách”.
Đây là kiểu người say xỉn gây nguy hiểm cho bản thân họ và cho người khác. Những người say xỉn trong nhóm này thường mất khả năng tự kiềm chế, suy giảm khả năng suy nghĩ sáng suốt, và gây nhiều khó chịu cho người khác. Đây là loại say quậy phá rất kinh, những kẻ khi nhậu hay kiếm chuyện gây gỗ đánh nhau, hoặc phóng xe bạt mạng sau khi nhậu cũng thuộc dạng này. Có khoảng 23% dân say thuộc dạng quậy phá này. Xin có lời khuyên là tốt nhất là ta không nên nhậu chung với những người say loại này.

Ở Việt Nam thì sao?

Các kiểu say do các nhà nghiên cứu nêu trên cũng thường thấy ở xứ mình. Nhưng, có lẽ nghiên cứu này thực hiện ở Mỹ nên còn thiếu một dạng say rượu cũng thỉnh thoảng gặp ở Việt Nam, đó là “say bi lụy”, hoặc gọi cho văn vẻ một chút là “tửu sầu”. Những người thuộc dạng này thì mỗi khi có rượu vào là họ hay than thân trách phận, khóc lóc kể lể về những chuyện buồn, những ẩn ức từ tận thời nào của họ, dù mọi chuyện đã qua đi lâu rồi.
Người viết bài này có vài người bạn thuộc loại “tửu sầu” nói trên. Bình thường họ rất vui vẻ hoạt bát, nhưng mỗi lần “uống tới chỉ” là lại nước mắt giọt ngắn giọt dài, khóc kể về những chuyện buồn cách nay đã chục năm có lẻ. Rất lạ ở chỗ dù chuyện đó đã “xưa rồi Diễm” từ đời nào, nhưng cách họ cảm nhận nỗi buồn rất sâu sắc cứ như mới xảy ra ngày hôm qua vậy.
Dù chúng ta có thuộc kiểu say nào đi nữa, thì khi đã có rượu vào dù ít dù nhiều, mong rằng bạn đừng cố cầm tay lái. Trong những ngày Xuân, hãy giữ cho mình (và người khác) được an toàn để tận hưởng trọn vẹn một cái Tết an lành và hạnh phúc bên gia đình thân yêu của bạn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.