Nhảy bungy trên vực sâu: Người can đảm hay liều lĩnh?

25/06/2016 13:05 GMT+7

Đất nước New Zealand xinh đẹp cuốn hút du khách không chỉ bởi danh lam thắng cảnh tuyệt vời mà còn bởi những trò chơi không dành cho người yếu tim.

Sau trải nghiệm cảm giác “chết đi sống lại” với trò shotover jet - gần 30 phút ú tim ngồi trên chiếc ca nô cao tốc vượt thác băng ghềnh men theo các vách đá dựng đứng ầm ầm nước chảy thì đã “chùn bước” trước trò chơi được biết còn mang đến cảm giác mạnh hơn - đó là nhảy bungy.
Góc phượt: Can đảm hay liều lĩnh ?
Lịch sử trò chơi này bắt nguồn từ đảo Vanuatu. Nó được xem là một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của các bé trai.
Các bé trai đến độ tuổi nhất định phải trèo lên một cây cổ thụ khá to có nhiều rễ. Đứa bé phải bám vào chùm rễ cây đó rồi buông xuống từ trên cao. Đứa bé phải cố giữ làm sao cho không bị rơi xuống đất. Nếu chẳng may bị sẩy tay, đứa bé có thể chết hoặc tàn phế. Trò chơi nhảy bungy này được lấy ý tưởng từ đó.
Địa điểm của trò chơi này được thực hiện trên chiếc cầu Kawarau cũ được xây dựng vào năm 1880. Cầu có chiều dài 91,5 m và chiều cao là 43 m tính từ mặt nước.
Năm 1988, có 2 người tên là Henry van Asch và Aj Hackett xin phép chính quyền cho họ thực hiện nhảy Bungy tại đây trong khoảng thời gian 1 tháng. Năm 1990, chiếc cầu được tiến hành trùng tu và sửa chữa. Đến năm 2003, một trung tâm chơi bungy được xây dựng tại đây.
Khi chúng tôi đến, có khá nhiều người sắp hàng chờ. Đến gần khu vực nhảy, tôi thử nhìn xuống dòng sông Kawarau sâu hun hút cuồn cuộn nước chảy. Hai vách đá dựng đứng càng làm tăng thêm độ chơi vơi. Có một cô gái người da trắng đang chuẩn bị nhảy. Hai chân của cô được buộc vào một sợi dây thừng.
Mặc dù đã được chuẩn bị xong từ lâu nhưng khi đứng trên bục để nhảy, khuôn mặt cô bỗng tái xanh, ánh mắt vô hồn ra chiều suy nghĩ. Như thu hết mọi can đảm cho ván bài cuộc đời, cô gái gieo mình nhảy xuống, sau vài nhịp đung đưa tung lên hạ xuống, cô gái nằm yên với hai chân trút ngược lên trời. Chiếc dây được hạ xuống thấp hơn, một chiếc ca nô có hai người đàn ông đang chờ tiến đến đỡ cô xuống rồi đưa vào bờ trong sự vỗ tay reo hò của mọi người.
Tiếp đến là một cô gái và một người đàn ông đến từ Ấn Độ. Nhưng sau hơn 10 phút đứng trên bục nhảy, cô gái bắt đầu run lẩy bẩy rồi òa khóc, cả cô gái và người đàn ông Ấn Độ đều lần lượt được đưa vào. Họ và cả chúng tôi không đủ can đảm để nhảy.
Khi xưa, lúc hãy còn là cậu bé tuổi đôi tám, tôi từng ước ao được một lần thực hiện cú nhảy bungy nhưng giờ đây khi đứng trước nó tôi không còn hào hứng giữ lời ước muốn khi xưa. Có lẽ theo thời gian, con người cùng với điều kiện sức khỏe và tuổi tác đã làm cho họ bớt đi sự liều lĩnh.
Họ đủ lớn để hiểu rằng khái niệm can đảm và liều lĩnh bất chấp tưởng chừng như nhau nhưng hoàn toàn không phải thế. Sự can đảm chỉ có giá trị và hữu ích khi ta dám đánh đổi cả mạng sống của mình cho một người mà ta yêu quý hay một lý tưởng cao đẹp nào đó.
Còn những hành động để khẳng định cái tôi của mình cũng chả có gì lớn lao. Đơn giản nó chỉ là trò tiêu khiển!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.